Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh Bình Phước có 40 dân tộc thiểu số với khoảng 200.000 người, chiếm 20% dân số toàn tỉnh; trong đó người dân tộc S’tiêng có khoảng 100.000 người. Đồng bào S’tiêng Bình Phước được xem là người dân tộc bản địa, sống lâu đời tại các huyện Bù Đăng, Bù Đốp, Hớn Quản, thị xã Bình Long, Phước Long.

Với người dân tộc S’tiêng cồng chiêng là biểu tượng mang nhiều ý nghĩa, gắn liền với đời sống của con người. Văn hoá cồng chiêng cũng tạo nên nét đặc trưng riêng của người dân. Tiếng cồng chiêng rộn ràng vang lên giữa đại ngàn trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu đối với người S’tiêng trong các dịp lễ, tết, mừng lúa mới... Đối với họ, cồng chiêng không chỉ là cầu nối giao tiếp giữa con người với tổ tiên, thần linh mà còn là tiếng lòng diễn tả niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống, lao động của mỗi người dân.

anhcongchieng.png
Tiếng cồng chiêng rộn ràng vang lên giữa đại ngàn trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu đối với người S’tiêng trong các dịp lễ, tết, mừng lúa mới...

Mới đây ấp Bù Dinh nơi có hơn 70% là người dân tộc S’tiêng được Văn phòng chính phủ hỗ trợ tặng bộ cồng chiêng. Chi bộ ấp ra nghị quyết chuyên đề giao cho các đảng viên vận động thanh thiếu niên và người dân tập cồng chiêng để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. 

Giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc là trách nhiệm của cả cộng đồng, trong đó, thế hệ trẻ đóng vai trò không nhỏ, Đội thanh niên cồng chiêng xã Thanh An được thành lập và duy trì không chỉ góp phần tạo nên sân chơi văn hóa lành mạnh, bổ ích dành cho những người yêu thích nghệ thuật cồng chiêng mà còn là dịp để các bậc cha, chú truyền dạy cho thế hệ trẻ hiểu, biết và yêu thêm bản sắc văn hóa của dân tộc S’tiêng.

Để nét văn hoá đặc trưng này không bị mai một theo thời gian, thế hệ trẻ người S’tiêng được cha ông đi trước truyền dạy về ý nghĩa, hướng dẫn cách thức sử dụng và di chuyển khi đánh cồng chiêng và múa theo nhịp cồng chiêng. 

Sau một ngày lao động hăng say, vất vả vào các buổi chiều, tối, thanh niên xã Thanh An, đặc biệt là thanh niên người dân tộc S’tiêng ấp Bù Dinh tập trung lại để cùng nhau học đánh cồng chiêng. Theo đó, nam học đánh cồng chiêng còn nữ học múa. Những điệu múa hòa theo nhịp điệu cồng chiêng để tạo nên một bản nhạc rộn ràng, tươi vui.

Tại huyện Bù Đốp, đội cồng chiêng thôn Thiện Cư thành lập từ hơn 10 năm trước. Mỗi khi lễ hội diễn ra, ít nhất trước 1 tuần, các thành viên trong đội múa lại cùng các anh trong đội cồng chiêng luyện tập. Các điệu múa thường là nhịp làm rẫy, trồng lúa, chăm sóc lúa đến khi mang lúa về… Tất cả phải kết hợp hài hòa với tiếng chiêng.

Hiện nay, người biết đánh cồng chiêng trên địa bàn huyện không nhiều, chỉ khoảng 20 người. Những người đánh cồng chiêng qua mỗi thời kỳ khác nhau, nhưng tiếng cồng chiêng của người S’tiêng thì không thể thay đổi, vẫn giữ được linh hồn của nó: “Ngọn lửa của tình yêu, một âm thanh rõ ràng, vang vọng đến tận rừng sâu”.

Lê Thúy và nhóm PV, BTV