- Sáng nay, với 89,88% ĐB biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi).

Luật được thông qua gồm 7 chương, 106 điều. Theo quy định của luật, độ tuổi trẻ em là dưới 16 tuổi.

{keywords}
Ảnh: Hoàng Long

Trước đó, trình bày báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật Trẻ em trình Quốc hội biểu quyết thông qua, ủy viên UBTVQH Nguyễn Thanh Hải cho biết, nhiều ý kiến đại biểu không tán thành việc điều chỉnh độ tuổi trẻ em lên dưới 18 tuổi.

Sau khi gửi phiếu xin ý kiến ĐBQH về hai phương án (phương án 1: Trẻ em là người dưới 18 tuổi và phương án 2: Trẻ em là người dưới 16 tuổi). Kết quả lấy phiếu cho thấy, có 340/397 ý kiến đồng ý phương án 2, chỉ có 50/397 ý kiến đồng ý phương án 1.

Tiếp thu ý kiến đa số ĐBQH, UBTVQH đề nghị giữ độ tuổi trẻ em là dưới 16 tuổi như quy định tại luật hiện hành.

Luật quy định nguyên tắc bảo đảm thực hiện quyền và bổn phận của trẻ em, theo đó bảo đảm để trẻ em thực hiện được đầy đủ quyền và bổn phận của mình, không phân biệt đối xử với trẻ em, bảo đảm lợi ích tốt nhất của trẻ em trong các quyết định liên quan.

Đồng thời, việc bảo vệ trẻ em phải bảo đảm tính hệ thống, tính liên tục, có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các cấp, các ngành trong việc xây dựng, tổ chức thực hiện pháp luật, chính sách và cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em.

Nhiều hành vi bị nghiêm cấm cũng được đề ra trong luật: Tước đoạt quyền sống của trẻ em; Bỏ rơi, bỏ mặc, mua bán, bắt cóc, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em; Xâm hại tình dục, bạo lực, lạm dụng, bóc lột trẻ em; Tổ chức, hỗ trợ, xúi giục, ép buộc trẻ em tảo hôn.

Không cung cấp hoặc che giấu, ngăn cản việc cung cấp thông tin về trẻ em bị xâm hại hoặc trẻ em có nguy cơ bị bóc lột, bị bạo lực cho gia đình, cơ sở giáo dục, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền; Công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý của trẻ em từ đủ 7 tuổi trở lên và của cha, mẹ, người giám hộ của trẻ em...

Luật quy định cụ thể các quyền của trẻ em, trong đó trẻ em có quyền được bảo vệ dưới mọi hình thức để không bị bóc lột sức lao động; không phải lao động trước tuổi, quá thời gian hoặc làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo quy định của pháp luật; không bị bố trí công việc hoặc nơi làm việc có ảnh hưởng xấu đến nhân cách và sự phát triển toàn diện của trẻ em.

Luật cũng quy định rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân trong việc thực hiện quyền và bổn phận của trẻ em.

Luật này sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/6/2017.

Hồng Nhì