Chính phủ nhận định phải giữ được mức tăng trưởng cần thiết, có thể thấp hơn năm 2010, nhưng không giữ được sẽ ảnh hưởng đến việc làm và đời sống nhân dân.
Trong hai ngày 28 - 29/4, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các Phó Thủ tướng, Chính phủ đã họp phiên thường kỳ tháng 4, đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm, bàn giải pháp chỉ đạo điều hành tháng 5.
Kiên quyết cắt giảm đầu tư công
Theo báo cáo của Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư Võ Hồng Phúc, hầu hết các bộ ngành, địa phương đã tiến hành rà soát, cắt giảm và điều chuyển vốn đầu tư phát triển bằng nguồn ngân sách nhà nước.
|
Ảnh: Cổng TTĐT Chính phủ |
Theo đó, các bộ, ngành Trung ương đã cắt giảm 172 dự án khởi công mới, 53 dự án chuyển tiếp với tổng số vốn cắt giảm là 899,4 tỷ đồng. Đồng thời các bộ, ngành, cơ quan trực thuộc trung ương đã tiến hành điều chuyển vốn cho 280 dự án.
Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cũng cắt giảm 880 dự án khởi công mới và 604 dự án chuyển tiếp với tổng số vốn hơn 4.229 tỷ đồng. Các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước cũng đã tiến hành rà soát, đình hoãn, giãn tiến độ 907 dự án với tổng số vốn trên 39.212 tỷ đồng.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các thành viên Chính phủ lưu ý Bộ Kế hoạch - Đầu tư, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục rà soát, kiên quyết cắt giảm, không khởi công mới các dự án chưa cần thiết, loại bỏ các dự án đầu tư kém hiệu quả, đầu tư dàn trải bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước để dồn vốn cho các công trình, dự án quan trọng, cấp bách, hoàn thành trong năm nay, đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao, thiết thực; đồng thời công bố công khai.
Đồng thời với giảm đầu tư công là tăng đầu tư tư nhân, FDI và ODA, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tại cuộc họp báo chiều 29/4.
Ông Phúc cũng cho biết, Chính phủ nhận định phải giữ được mức tăng trưởng cần thiết, có thể thấp hơn năm 2010, nhưng không giữ được sẽ ảnh hưởng đến việc làm và đời sống nhân dân.
Mức tăng CPI cao nhất trong 3 năm qua
Cũng tại cuộc họp báo, Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh cho biết chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4/2011 tăng 3,32% so với tháng 3, so với cùng kỳ năm 2010 tăng đến 9,64%. Theo ông Ninh, giá cả tăng là do nhiều yếu tố tác động, nhất là mức tăng cao ở ba nhóm mặt hàng giao thông, dịch vụ ăn uống và nhà ở, vật liệu xây dựng.
Mức tăng CPI tháng 4/2011 cao nhất trong gần ba năm qua là do việc điều hành giá theo cơ chế thị trường sau một thời gian dài kìm nén như điện và xăng dầu. Do nhập khẩu 70% lượng xăng dầu, Việt Nam không thể tránh phụ thuộc vào giá xăng dầu thế giới.
Cùng với đó là tác động của việc điều chỉnh tỷ giá và lương tối thiểu, đặc biệt là tác động tâm lý. Về việc này, ông Ninh cho biết các cơ quan Chính phủ đang tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát.
Chung Hoàng