Không phải lớp học chính khóa, nhưng từ những lớp guitar của mình, thầy giáo Trịnh Minh Cường có những góc quan sát học sinh, để từ đó thấy những thiếu hụt trong việc dạy trẻ của các bậc phụ huynh và cả nhà trường hiện nay.
Anh Trịnh Minh Cường kể câu chuyện khiến anh cảm thấy bức xúc.
Bức ảnh từng gây tranh cãi: Tình thương bao la của mẹ hay mẹ đang bao bọc con một cách thái quá? (Ảnh tư liệu) |
“Cậu học sinh lớp 11 tuần trước không đến lớp. Tôi hỏi lý do, cháu bảo do ngủ quên. Tôi hỏi “Sau khi tỉnh sao cháu không gọi cho bác?”, cháu trả lời “Mẹ cháu bảo để mẹ cháu gọi”. Thực tế mẹ cháu cũng không gọi.
Tôi nói với cháu “Quên là lỗi của cháu thì cháu phải gọi”. Sau khi tôi phân tích kỹ hơn về trách nhiệm và thái độ ứng xử, cháu vẫn khẳng định “Nhưng mẹ cháu bảo để mẹ cháu”. Tôi đành chịu thua.
Qua chuyện này tôi thấy rất bức xúc về một điều: Tại sao các phụ huynh lại làm hộ con mình những điều ngớ ngẩn như vậy?”.
Anh Cường cho rằng đây không phải trường hợp cá biệt. “Nhiều phụ huynh của các cháu học cấp 2, cấp 3 vẫn tự liên lạc với thầy về những chuyện liên quan đến việc học của con. Chỉ có một trường hợp hiếm hoi là cháu học lớp 5 nhưng hoàn toàn tự gọi điện cho tôi về chuyện xin nghỉ hay thay đổi lịch học”.
Bắt đầu dạy guitar từ năm 1990, khi vào dạy giờ ở bộ môn guitar của Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện âm nhạc quốc gia Việt Nam), anh Cường cho biết khi đó dường như mọi chuyện đều suôn sẻ hơn bây giờ.
“Học sinh hiếm khi đến lớp muộn giờ hẹn vì thời đó làm gì có tắc đường. Đường xá tuy hẹp nhưng dân cư thưa thớt, học sinh học guitar cũng ít hơn nên dường như chẳng có chuyện gì để nói. Nói như vậy không có nghĩa là chuyện học guitar bây giờ không suôn sẻ mà cuộc sống đã khá hơn thời đó nhiều nên cũng phát sinh những vấn đề phải suy nghĩ” – anh Cường cho biết.
Hình ảnh mấy hôm mưa bão ở Hà Nam hồi tháng 8/2016: Bố khênh xe ,mẹ cõng cho con đến trường (Ảnh Beat.vn) |
“Ví dụ như trước đây, tôi không bao giờ quan tâm các cháu chào khi gặp tôi “Chào thầy ạ” hay “Con (em) chào thầy ạ”. Bây giờ, tôi thường sửa cho các cháu cách nói câu chào đúng phép. Thật vui vì hầu hết các cháu đều tiếp thu.
Một học viên người lớn đã khiến tôi bật cười khi bạn ấy hỏi “Thế em có phải đến lớp đúng giờ không?”. Một cô học viên người lớn khác lại khiến tôi khó chịu khi hay đến muộn với một nụ cười rất tươi “Đường đông quá thầy ạ”. Tôi đề nghị với bạn ấy dành mấy giây nhắn tin cho tôi biết để đợi nhưng cô không làm vậy.
Trong khi đó, một học viên khác là kỹ sư IT người Đài Loan luôn nhắn tin “Sorry, em muộn khoảng 15 phút”. Hay chính bạn Đài Loan này làm tôi trở nên khó tính chăng?”.
Anh Cường cho rằng “Với các cháu đến muộn thì việc dạy các cháu biết xin lỗi khi đến muộn là chuyện đương nhiên, tôi coi là việc của thầy. Nhưng việc thông tin bằng tin nhắn khi gặp sự cố nên sẽ đến lớp muộn rõ ràng là việc của phụ huynh.
Có vị phụ huynh thường chở con đến lớp, cháu đó thường học buổi chiều thứ 7. Vì học thêm nhiều quá nên cháu nhầm một buổi học bù vào 9h tối một ngày khác mà mẹ cháu vẫn chở đến. Tôi không hiểu tại sao với một lịch học dày đặc mà cháu hay mẹ cháu lại không có một tấm bảng ghi lịch học từng ngày trong tuần?”.
“Ở lớp tôi, mỗi học viên có một giờ học cố định. Việc học bù cho một buổi huỷ vì thầy hoặc trò bận đột xuất là chuyện thường xảy ra. Với các học sinh cấp 1, 2, việc này thường do phụ huynh liên lạc với thầy. Nhưng có một cháu lớp 4 luôn tự báo cho tôi những thay đổi giờ học bằng điện thoại của mẹ. Khi nghe tôi khen ngợi cách làm đó, mẹ cháu nói “Em luôn khuyến khích cháu tự làm mọi việc có thể”.
Vị phụ huynh này có vẻ trái ngược với phụ huynh của một sinh viên năm thứ 2 đại học. Trong vài tháng đầu, mẹ của chàng sinh viên này luôn tự tay đưa học phí cho tôi, dù ngay sau lần đầu tiên, tôi đã đề nghị chị ấy đưa tiền cho con để con đưa cho thầy”…
...
Tâm sự của anh Cường được nhiều người chia sẻ. Phụ huynh ở mình hay làm hộ các con. Chuyện ở một trường tư khá nổi: Học sinh tự tổ chức dạ hội, có bán vé, tự xin được đi xin tài trợ. Một số mẹ trong Ban phụ huynh trường có con tham gia ban tổ chức thương con, sợ con đi xin tài trợ mệt nên họp ban phụ huynh trường xin phụ huynh các lớp trích quỹ cho các con. Vậy là thay vì đi xin tài trợ các con đã có tiền để làm dạ hội, đỡ mệt. Các bố mẹ "Xin phụ huynh thông cảm". Tiền lãi do bán vé được các con hãnh diện đi làm từ thiện” - chị Phạm Hiền Chinh. “Có em đi làm mà mẹ phải gọi điện thoại cho sếp để đàm phán tăng lương cho con” – một người “kể tội”. “Đôi khi còn do lỗi giáo viên nữa, chưa tôn trọng các em, coi các em như con nít nên khi các em trình bày hay tự quyết định thì thầy cô phớt lờ, không nghe, luôn cứ phải có phụ huynh mới được. Hồi con tôi học lớp 3, mỗi lần trong lớp làm các thủ tục như khai sơ yếu lý lịch, nhận bằng cấp chứng chỉ, hay chọn mua các tạp chí thiếu nhi mà bé thích, chọn môn ngoại khóa ... để cho bé tự lập, tôi bảo con tự quyết định và con tôi làm được và tự tin trong việc này. Nhưng thầy cô đều bảo cần phụ huynh ký tên, đôi khi cần gặp phụ huynh luôn. Nếu cứ làm thế, đến khi lớn con lại bị phụ thuộc hoàn toàn vào cha mẹ” - anh Trương Quốc Thái. |
Phương Chi ghi