Nếu có một điều không xảy ra mà vẫn khiến Cui Shuxin cảm thấy hạnh phúc - đó chính là hôn nhân.
Cô gái 29 tuổi, làm giám đốc một công ty quan hệ công chúng toàn cầu ở Bắc Kinh (Trung Quốc), không muốn sớm kết hôn với bạn trai, giống như lựa chọn của mẹ mình khi mới 20 tuổi.
“Tôi muốn tập trung vào sự nghiệp”, Cui chia sẻ với tác giả Yue Wang trong bài viết đăng trên Forbes và nói thêm mình đang viết cuốn sách thứ 3.
“Bạn phải sống sung túc trước khi nghĩ đến chuyện lập gia đình”.
Không chỉ Cui, những câu chuyện và quan điểm tương tự cũng tồn tại trong giới trẻ Hàn Quốc, Nhật Bản.
Cuộc khảo sát do Viện Y tế và Xã hội Hàn Quốc thực hiện cho thấy 12,2% nam giới và 20,6% phụ nữ không hẹn hò vì không muốn mất tự do.
Tại Trung Quốc, vấn đề dân số già hóa ngày càng tồi tệ khi tỷ lệ kết hôn và sinh con ở quốc gia này đều giảm. Tới năm 2030, sẽ có khoảng 1/4 dân số nước này ở độ tuổi trên 60.
Những con số đáng để chú ý, cho thấy một tình trạng không mới trong xã hội hiện đại: người trẻ “lười” yêu, ngại sinh con, thích theo đuổi sự nghiệp hơn là xây dựng gia đình.
Gánh nặng kinh tế, việc làm. Muốn theo đuổi con đường học vấn. Tập trung phát triển sự nghiệp. Mất niềm tin vào hôn nhân.
Hàng loạt lý do khiến ngày càng nhiều người trẻ kết hôn muộn, thậm chí không lập gia đình và sinh con.
Lớn lên trong điều kiện kinh tế phát triển và môi trường có nhiều giá trị đa dạng hơn các thế hệ trước, Millennials (những người sinh từ năm 1981-1996) ở châu Á thời gian gần đây không còn coi việc kết hôn và sinh con là mục đích sống duy nhất.
Ngày càng nhiều người trẻ châu Á muốn theo đuổi sự nghiệp hơn là sớm lập gia đình. Ảnh: AP. |
“Hãy tạo ra một xã hội mà ở đó tôi có thể nuôi 3 đứa trẻ”
Tháng 5/2019, Bộ trưởng An ninh mạng Nhật Bản Yoshitaka Sakurada gây tranh cãi với phát biểu về tỷ lệ sinh đang đạt mức thấp kỷ lục của xứ sở hoa anh đào tại một sự kiện gây quỹ của tỉnh Chiba.
Với tư cách thành viên của Hạ viện, ông Sakurada hy vọng những người tham gia có thể gián tiếp thúc đẩy tỷ lệ sinh của đất nước bằng cách thúc giục con cái lập gia đình, sinh con.
“Số lượng phụ nữ cảm thấy không cần thiết phải kết hôn đang tăng lên. Tôi muốn các bạn yêu cầu con cháu mình nên sinh ít nhất 3 đứa con”, ông Sakurada phát biểu tại sự kiện.
Tuyên bố này ngay lập tức tạo ra làn sóng phẫn nộ. Trong bài đăng trên Twitter, nhiều người để lại bình luận thể hiện sự giận dữ.
“Tôi muốn có ít nhất hai đứa trẻ nhưng xin thưa không có tiền để nuôi chúng, vì vậy tôi mệt mỏi khi nghe mọi người nói những điều này”.
“Vợ chồng tôi đều làm việc để kiếm tiền chăm sóc cha mẹ già mà chúng tôi yêu quý, vì vậy yêu cầu có ít nhất ba đứa con là quá mệt mỏi”.
“Ông ấy không hiểu gì cả. Mọi người không sinh con không phải vì họ không muốn có con. Ông ấy không hiểu rằng trong thế giới ngày nay, rất khó khăn để nuôi 3 đứa trẻ”.
“Hãy tạo ra một xã hội mà ở đó tôi có thể nuôi 3 đứa trẻ”.
Gánh nặng cơm áo gạo tiền và chăm sóc con cái, nhất là ở thành phố lớn, khiến nhiều người trẻ ngại ngần khi nói đến chuyện lập gia đình. Ảnh: Berkeley. |
Sau khi phải đối mặt với phản ứng dữ dội của dư luận, ông Sakurada lên tiếng giải thích trước báo giới rằng mình không hề có ý định ép buộc người khác phải làm cha mẹ hay làm tổn thương bất kỳ ai.
“Tôi cũng mong muốn mọi người tận hưởng hạnh phúc khi có con và muốn tạo ra một môi trường tốt đẹp để nuôi dạy trẻ trở nên dễ dàng hơn”, Bộ trưởng Sakurada nói.
Dân số Nhật Bản đang già đi với tốc độ chưa từng thấy, đưa đất nước đến bờ vực của cuộc khủng hoảng nhân khẩu học, có tác động lâu dài đối với kinh tế - xã hội.
Bộ Y tế và Phúc lợi Nhật Bản ước tính có 921.000 em bé ra đời trong năm 2018, ít hơn 25.000 so với năm ngoái và là con số thấp nhất từ khi bắt đầu ghi nhận dữ liệu vào năm 1899. Năm 2018 cũng là năm thứ ba liên tiếp số ca sinh thấp dưới mức 1 triệu.
Trọng tâm của vấn đề này được cho là bắt nguồn từ việc thanh niên Nhật không muốn sinh con trong bối cảnh chi phí chăm sóc trẻ em đắt đỏ, nền kinh tế bấp bênh và tỷ lệ kết hôn giảm sút.
Thế hệ “Sampo” ở Hàn Quốc
"Tôi chưa bao giờ có kế hoạch sinh con. Tôi không muốn chịu nỗi đau thể xác, và việc sinh con cũng gây bất lợi cho công việc của mình nữa", Jang Yun-hwa, 24 tuổi, sống tại Seoul, nói.
Giống như nhiều thanh niên ở thị trường việc làm siêu cạnh tranh tại Hàn Quốc, nữ họa sĩ truyện tranh online đã làm việc chăm chỉ để có được vị trí như hôm nay và không sẵn sàng để cho tất cả nỗ lực đó bị lãng phí.
"Thay vì là một phần của một gia đình, tôi muốn tự lập, sống một mình và đạt được ước mơ của mình", cô nói.
Không chỉ thờ ơ với hôn nhân, Jang thậm chí không muốn có bạn trai. Một lý do cô đưa ra là nguy cơ trở thành nạn nhân của nạn “trả thù khiêu dâm” (phát tán hình ảnh nhạy cảm của người khác lên mạng), điều mà cô cho là một vấn đề lớn ở Hàn Quốc. Bên cạnh đó, bạo lực gia đình cũng là một trong những nguyên nhân khiến nữ họa sĩ nói không với kết hôn.
Jang Yun-hwa không phải là cô gái Hàn Quốc duy nhất nghĩ rằng sự nghiệp và gia đình không thể cùng song hành.
Theo cuộc thăm dò ý kiến của một tạp chí tài chính và trang web tuyển dụng, hiện gần 3/4 phụ nữ Hàn Quốc trong độ tuổi 20-40 coi việc kết hôn là không cần thiết.
Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, một người đàn ông Hàn Quốc trung bình dành 45 phút mỗi ngày cho các công việc không tên trong nhà như chăm sóc con cái, trong khi con số này ở phụ nữ gấp 5 lần. Điều này khiến nhiều phụ nữ xứ kim chi ngao ngán lắc đầu khi nhắc đến chuyện lập gia đình.
Theo kết quả khảo sát của Viện Tội phạm học Hàn Quốc vào năm ngoái, 80% nam giới được hỏi thừa nhận từng “động tay chân” với nửa kia.
Là một trong những nước có tỷ lệ sinh thấp trên thế giới, người trẻ Hàn Quốc ngày càng không hứng thú với hôn nhân. Ảnh: AFP. |
Hiện nay, tỷ lệ kết hôn ở Hàn Quốc ở mức thấp nhất được ghi nhận: 5,5 trên 1.000 người, so với 9,2 năm 1970 và có rất ít trẻ em được sinh ra ngoài hôn nhân.
Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, chỉ có Singapore, Hong Kong (Trung Quốc) và Moldova có tỷ lệ sinh thấp như Hàn Quốc là 1,2 trẻ em/phụ nữ. Tỷ lệ duy trì dân số ổn định là 2,1.
Một yếu tố khác khiến nhiều người ngại kết hôn là chi phí sinh hoạt và nuôi dạy con cái. Ngoài học ở trường, phụ huynh sẽ phải cho con cái đi học thêm ở ngoài để theo kịp các bạn.
Những nguyên nhân kể trên đã kết hợp tạo ra một hiện tượng xã hội mới ở Hàn Quốc: Thế hệ Sampo. Từ "sampo" có nghĩa là từ bỏ 3 thứ: chuyện hẹn hò, hôn nhân và con cái.
Dù bị nhiều người có tư tưởng truyền thống xem là một thế hệ “ích kỷ”, Jang Yun-hwa và những người có chung quan điểm vẫn giữ vững lập trường.
"Tính cách của tôi không phù hợp với vai trò nội trợ đó. Tôi đang bận rộn với cuộc sống của chính mình”, Jang khẳng định.
“Có thêm một đứa con giống như lột da của mình vậy”
Dù đã nới lỏng chính sách một con gây tranh cãi từ hơn 3 năm trước, Trung Quốc đang đối mặt với vấn đề già hóa dân số ngày càng tồi tệ khi tỷ lệ kết hôn và sinh con liên tục giảm.
Kết quả khảo sát của Zhaopin - trang web tuyển dụng chính của Trung Quốc - vào năm 2017 cho thấy khoảng 40% phụ nữ đã có việc làm ổn định không muốn sinh con, trong khi hầu hết bà mẹ một con không muốn có thêm.
Theo People’s Daily, chi phí sinh hoạt ngày càng đắt đỏ, nhất là ở các thành phố lớn, khiến người trẻ ở đất nước tỷ dân không muốn “đèo bòng” thêm một đứa trẻ khi bản thân chật vật lo cho cuộc sống còn chưa xong.
Báo cáo của Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc vào năm 2015 cho biết chi phí nuôi dạy một đứa trẻ đến 16 tuổi ở một thành phố trung bình là 490.000 nhân dân tệ (hơn 68.500 USD).
Trong khi đó, ở một số thành phố lớn như Bắc Kinh và Thượng Hải, các bậc cha mẹ phải chi tới 2 triệu nhân dân tệ để nuôi con đến tuổi học đại học.
“Chi phí quá đắt đỏ và quá căng thẳng. Tôi sẽ không được tự do và dành thời gian cho bản thân. Hoàn toàn không”, Chen Dan - quản lý cấp cao của một công ty quảng cáo, mẹ của một nhóc tỳ 2 tuổi - khẳng định với CNBC rằng cô sẽ không sinh nở lần 2.
Trung Quốc đối mặt với vấn đề già hóa dân số ngày càng tồi tệ khi tỷ lệ kết hôn và sinh con liên tục giảm. Ảnh: CNN. |
Wang Feng - nhà xã hội học tại Đại học California, Mỹ - cho biết nhiều bậc cha mẹ ở Trung Quốc có mục tiêu duy nhất trong đầu: Con cái mình phải tiến lên “nấc thang” cao trong xã hội, hoặc ít nhất không ở vị trí “lẹt đẹt”.
Bởi vậy, họ tập trung đầu tư cho con đi học các lớp tiếng Anh, piano, khiêu vũ, nghệ thuật, thể dục dụng cụ… từ khi còn rất nhỏ, thậm chí là vừa biết đi.
Zhou Jing - bà mẹ 29 tuổi ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc - tiết lộ số tiền các ông bố bà mẹ bỏ ra cho việc giáo dục của con cái có thể lên đến 15.000 USD/năm, với lưu ý nơi cô sống là Vũ Hán, không phải Bắc Kinh hay Thượng Hải.
Và gánh nặng kinh tế vẫn đè lên vai nhiều phụ huynh ở đất nước tỷ dân khi con đã trưởng thành.
“Ở Trung Quốc, nếu bạn không mua nhà, xe cho con trai, nó sẽ ế vợ”, Zhang - người phụ nữ đang làm nghề lái taxi để tích cóp tiền mua một căn hộ cho con trai 20 tuổi - chia sẻ.
“Có thêm một đứa con giống như lột da của mình vậy”, người mẹ nói thêm.
Bé gái Hàn Quốc bị đồn được đại gia mời sang Dubai sống giờ ra sao?
Dưới loạt ảnh mới nhất của Breanna Youn, nhiều người nói không nhận ra thiên thần lai khiến bao người chao đảo một thời vì ngoại hình khác xa lúc nhỏ.
Theo Zing