Becky Li, có tổng cộng hơn 7,5 triệu người theo dõi trên cả WeChat và Weibo. Cô là một trong những blogger thời trang hàng đầu tại Trung Quốc. Li có thể kích thích những người theo dõi mua hàng thông qua những bài viết trên tài khoản WeChat.
Becky Li. (Ảnh: SCMP) |
Năm 2014, Li nghỉ làm phóng viên tại một tờ báo địa phương và trở thành blogger toàn thời gian trên WeChat. Cách đây 3 năm, cô đã cộng tác với thương hiệu thời trang Rebecca Minkoff của Mỹ để bán sản phẩm "Miss Fantasy".
Một năm sau, cô lại cộng tác với thương hiệu xe hơi Mini của Anh để quảng cáo một phiên bản giới hạn thông qua WeChat và những người theo dõi Li đã đăng ký mua 100 chiếc chỉ trong vòng 5 phút. Năm ngoái, cô đã được mời tham dự sự kiện thời trang lớn nhất thế giới tại Paris, Milan và New York.
Tết Nguyên Đán vừa qua, WeChat Pay đã thuê Li làm giám đốc phụ trách trải nghiệm sản phẩm cho dịch vụ thanh toán hải ngoại.
"Tôi nghĩ WeChat sẽ thuê một người nổi tiếng", Li nói. "Có lẽ họ chọn tôi vì tôi đã đi mua sắm nhiều ở nước ngoài và những người theo dõi tôi cũng mua nhiều thứ ở ngoài Trung Quốc".
Sức ảnh hưởng của Li tới người tiêu dùng trên thế giới không xảy ra trong một đêm. Trong những ngày đầu, cô đã làm việc một mình và ngồi ở nhà để viết bài. Giờ đây, cô đã có một công ty với 70 nhân viên.
(Ảnh: SCMP) |
"Tôi thường viết về các sản phẩm dựa trên sở thích của tôi [trên tài khoản WeChat "Becky’s Fantasy]", Li nói. "Khi bạn có khẩu vị của riêng mình và nó vẫn còn có giá trị, những người theo dõi có khẩu vị tương tự sẽ tìm thấy bạn".
Cuối năm 2017, Li đã ra mắt một thương hiệu thời trang riêng mang tên tài khoản WeChat của cô.
Những sản phẩm đầu tiên được tung ra thị trường vào tháng 12/2017, gồm một chiếc áo len lông cừu và một chiếc váy đen, đã đạt doanh số 1 triệu NDT (3,5 tỷ đồng) chỉ trong 7 phút và được bán hết trong ngày đầu tiên.
Blogger Zhang Dayi cũng lập một thương hiệu thời trang, làm đẹp riêng và bán các sản phẩm của mình trên sàn thương mại điện tử Taobao.
Nhóm của cô đánh giá tâm lý khách hàng để đưa ra những sản phẩm mới bằng cách phân tích các dữ liệu và bình luận của những người sử dụng mạng cũng như doanh thu mà cửa hàng trên Taobao của cô mang lại.
Chỉ riêng trong ngày Độc thân (11/11) năm 2017, doanh thu của Zhang đã đạt 170 triệu NDT (588 tỷ đồng), theo cổng thông tin Sohu.
Ảnh: SCMP |
Đằng sau thành công của Zhang là khả năng bán hàng tuyệt vời của Ruhnn, một công ty đào tạo KOLs lớn nhất và sớm nhất tại Trung Quốc. Ruhnn ban đầu là một cửa hàng bán quần áo trên mạng ở Hàng Châu.
Sau đó, Ruhnn chuyển sang tuyển dụng các tài năng để đào tạo họ trở thành blogger và giúp họ phát triển lượng người theo dõi cố định, cuối cùng là biến những người theo dõi này trở thành người tiêu dùng trong những ngày hội mua sắm như ngày Độc thân.
Năm 2016, gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba đã đầu tư vào Ruhnn khi giá trị kinh tế mà KOLs của Trung Quốc mang lại đạt giá trị 58 tỷ NDT (200.633 tỷ đồng), theo CBNData.
Một trong những lý do khiến những KOLs tại Trung Quốc đạt được doanh thu trực tiếp tốt hơn những người cùng ngành ở phương Tây là vì tại Trung Quốc ranh giới giữa giải trí và thương mại mờ nhạt hơn nhờ mạng xã hội và thương mại điện tử tích hợp với nhau, Elijah Whaley, Giám đốc Marketing tại công ty ParkLu cho biết.
Chẳng hạn, các mạng xã hội Trung Quốc như WeChat và Douyin cho phép dẫn đường link các sản phẩm trong phần mềm của họ. Người sử dụng có thể mở đường link, chọn một món đồ và trả tiền trong khi họ đang đọc một bài viết và xem video.
Hơn 70% người tiêu dùng Trung Quốc sinh sau năm 1995 thích mua các sản phẩm trực tiếp thông qua mạng xã hội hơn là các kênh khác, trong khi tỷ lệ này trên thế giới là 44%, theo một nghiên cứu gần đây của hãng tư vấn Accenture.
Ngoài ra, hơn 60% người tiêu dùng Trung Quốc dễ bị tác động trước những ý kiến của KOLs còn tỷ lệ này tại Mỹ và Nhật Bản chỉ là 38%.
"Những người tiêu dùng Trung Quốc đã gặp phải nhiều kiểu lừa đảo như công ty giả, các sản phẩm giả, dịch vụ giả... Điều đó đã khiến họ không thể tin vào những gì mà nhãn hàng quảng cáo, Hamza Ouarit, giám đốc marketing tại Công ty Marketing Gentleman có trụ sở ở Thượng Hải giải thích.
Và một KOL đáng tin có thể giúp họ nhưng công việc của một KOL không phải lúc nào cũng dễ dàng.
KOLs tại Trung Quốc thường bị áp lực phải giữ ngoại hình "xinh đẹp và mảnh khảnh" trước những người theo dõi. Blogger nghệ thuật Mi Ya, có nickname là MMA Sister cho biết cô không đụng tới một miếng bánh kẹp hay đồ chiên rán trong hai năm để giữ cân nặng dưới 55kg.
"Tôi biết những người hâm mộ thích tôi vì tôi có khiếu hài hước nhưng họ cũng thích tôi vì tôi trông ưa nhìn", Mi nói.
Becky Li cho biết cô không quá quan tâm tới việc giữ gìn ngoại hình vì cô là một cây bút về thời trang, nhưng nói rằng cô luôn chịu áp lực phải có những bài viết hay.
"Khi tôi cảm thấy không thể viết hay. Tôi sẽ bắt đầu mua sắm và trải nghiệm những gì mà một cô gái bình thường sẽ trải qua trong đời", cô nói. "Cách làm này đưa tôi tới gần độc giả hơn".
Có cơ hội làm việc nhiều với KOLs tại Trung Quốc, Whaley cho biết đằng sau ánh hào quang là những con người làm việc chăm chỉ nhất thế giới. "Họ luôn luôn hoạt động. Không có chuyện làm việc theo giờ hành chính," Whaley tiết lộ.
Sầm Hoa