Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 1,8 triệu tấn rác nhựa thải ra môi trường, trong đó có khoảng 0,28 triệu đến 0,73 triệu tấn bị thải ra biển nhưng chỉ 27% trong số đó được tái chế, tận dụng bởi các cơ sở, doanh nghiệp. Việc xử lý và tái chế rác thải nhựa còn nhiều hạn chế khi có đến 90% rác thải nhựa được xử lý theo cách chôn, lấp, đốt và chỉ có 10% còn lại là được tái chế.
Điều nguy hiểm nhất của rác thải nhựa là tính chất khó phân hủy, ngay cả khi được chôn lấp vào bùn đất, chúng vẫn tồn tại hàng trăm nghìn năm, làm thay đổi tính chất vật lý của đất, gây xói mòn đất, làm cho đất không giữ được nước và dinh dưỡng, ngăn cản oxy qua đất, ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây trồng, cản trở sinh trưởng và phát triển của các loài động, thực vật…
Nhận thức được tính chất nguy hại của rác thải nhựa đối với cuộc sống, giới trẻ đã tích cực, chủ động tham gia và tổ chức các hoạt động chống rác thải nhựa bằng các sáng kiến và hành động cụ thể, thiết thực.
Đơn cử tại Điện Biên, các cơ sở Đoàn đã thành lập các đội thanh niên tình nguyện triển khai các mô hình thiết thực như: “Xây dựng lò đốt rác”, “mô hình phòng chống rác thải”, “chợ dân sinh giảm thiểu rác thải nhựa”; tuyên truyền vận động người dân, chủ cơ sở buôn bán ở chợ thay đổi thói quen sử dụng đồ nhựa và túi nilon bằng túi từ bạt tái chế, làn cói, làn mây, hộp đựng dùng nhiều lần… hay đóng gói sản phẩm bằng lá dong, lá chuối; sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc thiên nhiên, thân thiện với môi trường; chủ động phân loại rác thải tái chế và rác không tái chế ngay từ gia đình. Phong trào “Ngày thứ 7 tình nguyện”, “Ngày chủ nhật xanh” cũng đã trở thành hoạt động thường xuyên, thu hút đông đảo đoàn viên thanh niên tham gia dọn vệ sinh môi trường, thu gom túi nilon, phân loại rác thải nhựa có thể tái chế để tái sử dụng... Tích cực tuyên truyền người dân không vứt túi nilon xuống kênh mương thuỷ lợi, cống rãnh thoát nước, các khu dân cư.
Hay như Đoàn cơ sở phường 2 (Thành phố Bạc Liêu) đã thực hiện công trình thanh niên chung tay bảo vệ môi trường với tên gọi “Hãy cho tôi rác thải nhựa”. Ý tưởng này xuất phát từ việc nhận thấy lượng rác thải nhựa hằng ngày không hề nhỏ tại 3 quán cà phê lớn trên địa bàn phường là Gocgo, Sông Hậu và Hạo Thiên, các đoàn viên đã lên ý tưởng đặt những sọt rác thân thiện với môi trường. Trước là để tuyên truyền, lan tỏa ý thức bảo vệ môi trường cho người dân và sau nữa là dùng số tiền góp nhặt từ việc bán phế phẩm từ rác thải nhựa để gây quỹ thực hiện công tác an sinh xã hội.
Đầu tháng 8 vừa qua, Thành đoàn Phú Quốc (Kiên Giang) phối hợp với Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) tại Việt Nam tổ chức lễ ra mắt mô hình trạm tập kết xanh thứ 5 tại ấp Đường Bào, xã Dương Tơ (Thành phố Phú Quốc). Các trạm tập kết xanh được xây dựng ở vị trí cố định tại các điểm chợ, khu đông dân cư, trong đó có thiết kế hình ảnh sinh động, trực quan, gắn với thông điệp bảo vệ môi trường và bố trí dụng cụ để người dân bỏ rác, từ đó hình thành thói quen của người dân, tránh phát sinh những điểm nóng về ô nhiễm môi trường. Mô hình nhằm giúp người dân hình thành thói quen bỏ rác đúng nơi quy định, giữ gìn vệ sinh chung tại khu vực công cộng, chung tay xây dựng Thành phố Phú Quốc trở thành thành phố xanh, sạch, đẹp.
Đề cập đến vai trò của giới trẻ hiện nay trong việc chống rác thải nhựa, các chuyên gia cho rằng, hiện nay giới trẻ là lực lượng nòng cốt và tiên phong trong việc bảo vệ môi trường với rất nhiều cách thức cùng những phương án sáng tạo và truyền được động lực, cảm hứng đến những người xung quanh trong việc bảo vệ môi trường sống.
Qua những hoạt động thiết thực như "nói không với đồ nhựa dùng một lần", hạn chế tối đa rác thải nhựa, từ chối sử dụng sản phẩm gây hại cho môi trường… góp phần nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi trong đoàn viên, thanh niên và người dân về việc chung tay bảo vệ môi trường. Từ đó cùng hướng tới lối sống xanh hơn, sạch hơn, hài hòa với thiên nhiên và gìn giữ tương lai cho thế hệ sau này.