TQ không hề “vô tư” khi ráo riết rủ rê cộng đồng quốc tế, đầu tư trên 40 tỷ đô la để chuẩn bị cho “Con đường tơ lụa trên biển”. Và, TQ cũng không ngẫu nhiên ra sức tạo ảnh hưởng mạnh mẽ ở tổ chức UNESCO.
LTS: Ngoài việc xây dựng đảo nhân tạo ở Biển Đông, TQ còn có nhiều động thái mới trong việc giải quyết tranh chấp chủ quyền lãnh hải ở Biển Đông như tiếp tục đưa giàn khoan Hải Dương 981 lượn lờ trong vùng chồng lấn, TQ cũng đamg ráo riết vận động các quốc gia khác trong đó có Việt Nam thành lập “quỹ đầu tư” để tái thiết lập “Con đường tơ lụa trên biển” lên đến 40 tỷ USD…
Để hiểu rõ hơn câu chuyện này, Tuần Việt Nam đã trò chuyện với GS.TS Nguyễn Tấn Anh, chuyên gia về UNESCO, nguyên Giám đốc Trung tâm UNESCO Khoa học, Công nghệ và Tư vấn đầu tư phát triển tại VN, nguyên thành viên của UB điều phối hợp tác Kinh tế Indonsia và các nước CPC, Lào, Myanmar và Việt Nam.
Xem kỳ 2: Tỉnh táo trước "đòn nghi binh" của Trung Quốc
Trung Quốc bày ma trận lôi kéo học giả quốc tế
Ứng phó với ma trận thông tin của Trung Quốc
Từ "mối đe dọa" Trung Quốc tới "thách thức" Trung Quốc
Tranh chấp lãnh thổ: Trung Quốc lãnh đòn pháp lý từ Philippines
Trung Quốc không có sức hút nào ngoài con bài kinh tế
Thưa TS. các động thái của TQ hiện nay là chiến thuật và chiến lược gì trong việc giải quyết tranh chấp lãnh hải ở Biển Đông?
GS.TS. Nguyễn Tấn Anh: Thật ra các động thái này của TQ theo chuyên ngành Khoa học Chính trị và Khoa học Quân sự gọi là các “kế hoạch”, các “chiến dịch”, các “chiến thuật” trong một “chiến lược” dài hạn mà TQ đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng và rất lâu để độc chiếm Biển Đông.
Các đảo nhân tạo Trung Quốc xây ở các bãi đá chiếm của Việt Nam tại Trường Sa nhằm mục đích áp đặt việc thực thi cái gọi là đường lưỡi bò để chiếm trọn Biển Đông. Trong ảnh là Đá Chữ Thập của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm và cải tạo đất, xây thành đảo nhân tạo - Ảnh: CSIS/IHS Jane’s |
Tùy theo tình hình và điều kiện khách quan và chủ quan mà TQ có thể triển khai các “kế hoạch”, các “chiến dịch”, các “chiến thuật” sao cho có “hiệu quả” hay để “chiến thắng”. Ở đây chúng ta phải thừa nhận TQ làm gì cũng có “kế hoạch” rất bài bản bên cạnh các “chiến thuật” gây bất ngờ cho đối phương dù đối phương có thể đã biết trước ý đồ của TQ.
Ấn Độ đã hoàn toàn bị bất ngờ khi bị TQ tấn công vào năm 1962. Liên Xô là siêu cường trong thế kỷ 20 cũng đã bị TQ bất ngờ tấn công vào tháng 3/1969 vào đảo Damansky trên sông Ussuri. Việt Nam cũng từng bị bất ngờ hồi cuối thập niên 1979 và hồi năm 1988 khi họ chiếm đảo Gạc Ma.
TQ rất giỏi “nghi binh” với dư luận thế giới. Năm 2014, TQ đưa giàn khoan HD 981 xuống vùng biển của VN, họ đã tập trung dư luận vào đó. Cũng trong thời điểm này, họ đã tập trung nhân lực, vật lực âm thầm xây đảo nhân tạo ở Biển Đông.
Khi cả thế giới nhận ra thì bãi cạn kia đã biến thành đảo với diện tích 1.200 ha! Theo tính toán của chuyên gia Nga Vasily Kashin thuộc Trung tâm phân tích chiến lược và công nghệ, diện tích đảo do TQ xây dựng lớn hơn tất cả các hòn đảo tự nhiên trong vùng cộng lại.
Mặc dù đã tuyên bố Hoàng Sa và Trường Sa thậm chí cả khu vực biển Đông (tức “đường chín đoạn”) là thuộc TQ nhưng chưa có một quốc gia nào trên thế giới chính thức công nhận. Với các động thái này TQ muốn khẳng định với thế giới thông qua LHQ, một tổ chức Liên chính phủ mà TQ có nhiều quyền hạn hơn các nước cùng tranh chấp ở Biển Đông.
Đây là màn mở đầu của TQ trong tiến trình pháp lý để chính thức tuyên bố chủ quyền lãnh hải của TQ ở biển Đông.
Động thái tiếp theo có thể họ sẽ đưa vấn đề tranh chấp Biển Đông ra các tổ chức quốc tế khác bên cạnh việc tiếp tục củng cố hồ sơ “Con đường tơ lụa trên biển” để trình lên UNESCO. Nên nhớ, UNESCO đã công nhận dự án con đường này rồi.
Theo ông, có phải các động thái liên tục đưa giàn khoan Hải Dương 981, giàn khoan Hưng Vượng hay tàu Đông Phương Hồng 2,… ra Biển Đông chỉ làm nhiệm vụ như TQ công bố không?
GS.TS. Nguyễn Tấn Anh: Không ai ngây thơ nghĩ như vậy!
Các chuyên gia nghiên cứu quốc tế về biển Đông đều khẳng định, TQ đang che đậy một số mục đích khác mà trong đó là “khảo cổ”, tức là xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm “ngụy tạo” chứng cứ trên Biển Đông để củng cố hồ sơ pháp lý và khoa học nhằm khởi kiện Việt Nam ra Tòa án Công lý quốc tế của LHQ [1] và đệ trình “Con đường tơ lụa trên biển” lên UNESCO để công nhận là “Di sản thế giới” của TQ. Thông qua đó xác lập chủ quyền lãnh hải của TQ ở Biển Đông. Đây là “đường đi” tới mục đích độc chiếm biển Đông của TQ…
Được biết TQ đã phản đối quyết liệt Nhật Bản trình di sản lên UNESCO. Ông có biết, thế giới đã có tiền lệ dùng ảnh hưởng của tổ chức UNESCO để phục vụ cho mục đích khẳng định chủ quyền hay mục đích chính trị nào khác chưa?
GS.TS. Nguyễn Tấn Anh: Trong bài phỏng vấn lần trước, tôi đã đưa ra 2 trường hợp điển hình sử dụng “con đường UNESCO” là tranh chấp đền Preah Vihear giữa Thái Lan và CPC và trường hợp Palestine. Tôi vắn tắt nhắc lại thế này.
Tranh chấp ngôi đền Preah Vihear nằm giữa biên giới Thái Lan và CPC kéo dài từ lâu. Năm 2007, CPC làm hồ sơ đệ trình lên UB di sản thế giới của UNESCO đề nghị công nhận di sản cho đền Preah Vihear. Ngày 7/6/2008, Ủy ban di sản thế giới của UNESCO đã tiến hành họp tại Canada và thông qua công nhận ngôi đền này là di sản văn hóa thế giới. Mặc nhiên đây được xem là di sản thế giới thứ ba của Campuchia.
Theo điều 4 của Công ước quốc tế về di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới của UNESCO, quốc gia nào trình hồ sơ lên UNESCO phê chuẩn thì di sản đó thuộc quốc gia làm hồ sơ trình. Vì Campuchia đã làm hồ sơ gửi lên UNESCO nên ngôi đền đã thuộc về Campuchia, quân đội Thái Lan phải lập tức rút ra khỏi vùng đó. Tất nhiên chủ quyền lãnh thổ vùng có ngôi đền cũng mặc nhiên được công nhận cho Campuchia.
Gần đây nhất là trường hợp nhà nước Palestine. Sau nhiều lần đi con đường LHQ không thành, Palestine đã chuyển qua “đi đường” UNESCO. Ngày 31/10/2011, UNESCO đã bỏ phiếu công nhận Palestine là thành viên đầy đủ của UNESCO, mở đường cho việc xem xét công nhận độc lập cho Palestine.
Nguyên tắc thông qua của UNESCO là “đa số thắng thiểu số”, các quốc gia đều bình đẳng “one vote–one country” cho nên Hoa Kỳ là siêu cường cũng chỉ 1 phiếu. Hoa Kỳ, Israel và vài nước đồng minh phản đối quyết liệt nhưng với kết quả 107 phiếu thuận, 14 phiếu chống, 52 phiếu trắng, nhà nước Palestine đã thành công bước đầu.
Mới đây, chính TQ đã phản đối quyết liệt hồ sơ 23 địa điểm Nhật Bản trình lên UNESCO xem xét để ghi vào danh sách Di sản thế giới bao gồm những mỏ than, nhà máy thép, xưởng đóng tàu… Đây là những địa điểm tiêu biểu cho việc Nhật Bản trở thành quốc gia châu Á đầu tiên bước vào thời đại công nghiệp hiện đại trong giai đoạn 1850 đến 1910. Chính TQ là nước phản đối mạnh mẽ nhất.
Mặc dù 23 địa điểm Nhật đề nghị đều nằm trên lãnh thổ và lãnh hải của Nhật song TQ cương quyết phản đối với lý do “quá khứ quân phiệt” của Nhật. Có 7 địa điểm bị TQ phản ứng kịch liệt vì có khoảng 60.000 nhân công TQ và Triều Tiên bị ép làm việc trong điều kiện nguy hiểm. Một địa điểm là đảo Hasima ở ngoài khơi Nagasaki có mỏ than dưới biển, nơi bị TQ quyết liệt chống tới cùng.
Tôi dẫn ra các trường hợp này để thấy, TQ không hề “vô tư” khi ráo riết vận động, rủ rê cộng đồng quốc tế, đầu tư trên 40 tỷ đô la để chuẩn bị cho “Con đường tơ lụa trên biển”.
Và, cũng không phải ngẫu nhiên TQ ra sức tạo ảnh hưởng mạnh mẽ ở tổ chức UNESCO.
Khi Bộ ngoại giao Hoa Kỳ vừa mới tuyên bố cắt kinh phí đóng góp 22% kinh phí cho tổ chức này, TQ lập tức tuyên bố sẵn sàng đóng góp thay Hoa Kỳ! Khả năng nhiệm kỳ sắp tới TQ sẽ tranh chức Tổng Giám đốc UNESCO, thậm chí là Chủ tịch của Liên hiệp các Hội UNESCO thế giới trong đại hội sắp tới được tổ chức vào cuối tháng 7 này tại Bắc Kinh mà TQ đã cố tình “tranh giành” từ Châu Phi mặc dù nhiều nước thành viên kể cả các quan chức cao cấp của UNESCO lên tiếng phản đối. Rõ ràng TQ hiểu rất rõ vai trò của UNESCO và đang tận dụng tối đa ảnh hưởng, sức mạnh của TQ tại đây!
Tôi hiểu là, TQ dùng“Con đường tơ lụa trên biển” qua con đường UNESCO như là “vũ khí” trong cuộc chiến tranh giành lãnh hải ở Biển Đông, có đúng không?
GS.TS. Nguyễn Tấn Anh: TQ không có lựa chọn nào khác ngoài việc thông qua “Con đường tơ lụa trên biển” để xác lập chủ quyền hợp pháp trên Biển Đông. “Con đường” này vừa “văn minh” và vừa “hòa bình” theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng và giúp cho TQ đạt được cả hai mục đích chính trị và kinh tế.
“Con đường tơ lụa trên bộ” vĩ đại tan rã vào thập niên 1400 bằng hàng loạt sự kiện đáng buồn. Tại TQ, nhà Minh lên nắm quyền đã khống chế con đường tơ lụa. Việc bắt nộp thuế cao đã khiến nhiều thương gia phải tìm đến con đường vận chuyển khác. Chính vì thế, từ thế kỷ thứ VII, với sự phát triển của ngành hàng hải, “Con đường tơ lụa trên biển” (The Maritime Silk Route) ra đời bởi các thương gia Ả Rập. Sau đó, các quốc gia như Bồ Đào Nha, Anh, Pháp, Hà Lan lần lượt kéo đến TQ buôn bán qua đường biển với tốc độ nhanh, an toàn hơn. |
Như chúng ta đã biết “Con đường tơ lụa” là một tuyến đường thông thương quan trọng của nhân loại trong suốt một thời gian dài lịch sử. Nhờ có con đường tơ lụa, những vùng đất, nền văn hóa mới được tìm ra và là động lực cho sự phát triển của cả châu Á, châu Âu trên nhiều lĩnh vực. UNESCO là tổ chức thiên về văn hóa nên quan tâm đến dự án này là điều bình thường.
Liệu UNESCO có quan tâm đến việc xem xét và công nhận “Con đường tơ lụa trên biển” này là di sản thế giới không?
GS.TS. Nguyễn Tấn Anh: Không chỉ quan tâm mà còn “đặc biệt” quan tâm. Từ những năm 1990, một số nước trong đó có cả TQ và Nhật Bản đề xuất đệ trình nhiều dự án, UNESCO không chỉ “đặc biệt” quan tâm mà còn có nhiều dự án đa quốc gia đầy tham vọng để tái hiện một cách đầy đủ “Con đường tơ lụa” cả trên bộ lẫn trên biển qua nhiều quốc gia khác nhau. Điển hình là Dự án “The Digital Silk Road Project” (Dự án số hóa Con đường tơ lụa) nhằm nghiên cứu, thu thập tư liệu, dữ liệu về văn hóa, lịch sử mà chưa bị phá hủy từ “cổ chí kim” cho đến ngày nay để lưu giữ làm tư liệu cho tương lai.
Đây là một dự án nghiên cứu kết hợp công nghệ tin học với nghiên cứu văn hóa. Đặc biệt, các thành viên thực hiện dự án này phải dùng nhiều phương pháp điều tra khác nhau bắt đầu từ việc “số hóa” các di vật khảo cổ “thật” và xây dựng dữ liệu bằng số hóa đến việc tổ chức triển lãm các nguồn tư liệu đã được số hóa và có chú giải về các tư liệu đó.
Bên cạnh đó với đề xuất của từng quốc gia riêng rẻ, các di sản đã từng nằm trên hai “Con đường tơ lụa” đó đã được UNESCO xem xét và công nhận. “Thương cảng Hội An” của VN cũng là một trong các di sản nằm trên “Con đường tơ lụa trên biển” mà UNESCO cũng đã công nhận. Đặc biệt, 6/2014 vừa qua UNESCO đã chính thức ghi nhận “Con đường tơ lụa trên bộ (The Silk Road) “chỉ” đi qua 3 quốc gia “cùng hợp tác” đệ trình là Trung Quốc Kazakhstan và Kyrgyzstan là di sản thế giới.
Duy Chiến thực hiện
[1] Toà án Công lý Quốc tế (tiếng Anh: International Court of Justice – ICJ) là một phân ban trực thuộc Liên Hiệp Quốc, được thành lập vào năm 1945 với tiền thân là Toà án Thường trực Công lý Quốc tế (Permanent Court of International Justice) có từ năm 1922. Tòa bắt đầu chính thức nhận hồ sơ, thụ lý và giải quyết tranh chấp các vấn đề giữa các quốc gia thành viên có liên quan, cũng như làm công tác cố vấn pháp luật cho Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc và Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, cũng như các ủy ban khác trực thuộc Liên Hiệp Quốc như đã ghi rõ trong Hiến chương Liên Hiệp Quốc từ 1946.
Tòa án công lý Quốc tế tọa lạc tại thành phố Den Haag (La Haye – tiếng Pháp), Hà Lan.