Theo hãng tin Sputniks, các nhà khoa học thuộc một viện nghiên cứu liên kết với công ty khí đốt quốc gia Turkmengaz đã đưa ra một kế hoạch nhằm dập tắt "cổng địa ngục"này.
Giám đốc viện nghiên cứu, ông Bayrammyrat Pirniyazov cho biết đang có ý tưởng khoan một cái giếng tại cánh đồng Chaldzhulba - vùng lãnh thổ có hố khí đang bốc cháy. Kế hoạch này đề cập tới việc khoan một cái giếng mới để hút khí thừa từ nguồn khí cung cấp cho hố khí đang bốc cháy. Sau đó, các nhà khoa học tin rằng họ có thể dập tắt ngọn lửa trên bề mặt. Và rằng, kế hoạch hành động này sẽ cho phép loại bỏ hoàn toàn lượng khí thải không thể kiểm soát được đi vào khí quyển.
Ngọn lửa trong "cổng địa ngục" đã cháy suốt hơn 5 thập niên. Tháng 1/2022, Chính phủ Turkmenistan đã quyết tâm giải quyết vấn đề này và yêu cầu các công ty năng lượng trong nước phải dập tắt hố khí.
"Cổng địa ngục" nằm cách thủ đô Ashgabat của Turkmenistan khoảng 260km về phía bắc. Nó rộng 60m và sâu 20m. Trang tin tức Turkmenportal cho biết, "cổng địa ngục" hình thành vào năm 1971 khi các nhà địa chất Liên Xô khoan phải một hố khí tự nhiên khổng lồ, nằm dưới một tầng đất mỏng và làm nó sập xuống. Họ bắt đầu đốt lửa ở đó để loại bỏ lượng khí dư thừa vì nhầm tưởng rằng nó sẽ bị dập tắt trong một thời gian ngắn.
Tuy nhiên, vài thập niên sau, ngọn lửa vẫn cháy rực, giống như cái tên cổng địa ngục mà mọi người vẫn gọi. Năm 2018, Tổng thống Turkmenistan ra lệnh đổi tên nó thành "Ánh sáng của Karakum".
Hoài Linh