Phải thừa nhận rằng tôi chưa từng quá chú ý đến webcam trên chiếc MacBook Pro 2019 của mình. Cho đến khi dịch bệnh Covid-19 ập đến và tôi phải sử dụng nó để gọi trực tuyến nhiều giờ liền. Tôi đã phải nhìn khuôn mặt của mình với những đốm vỡ hình, thiếu sáng, hình ảnh kém chất lượng cả ngày như vậy. Sau vài tuần, việc ngắm nhìn những hình ảnh như vậy đã khiến tôi không thể chịu đựng được nữa.

Ảnh: T3 Magazine/Getty Images

Giống như những người khác làm trên lĩnh vực công nghệ chia sẻ trên Twitter, tôi đã phải mua ngay một chiếc webcam rời để cải thiện chất lượng hình ảnh. Tôi đã chọn Logitech Brio với giá khoảng 200 USD và chất lượng đã cải thiện rất lớn khi nó cho độ phân giải lên đến 4K. Ngoài ra, một số khác cũng tìm ra cách để sử dụng máy ảnh trên điện thoại hay máy ảnh DSLR để làm việc qua Zoom, tuy nhiên với tôi thì việc này hơi rắc rối.

Những trăn trở này đã khiến tôi phải suy nghĩ, tại sao webcam trên laptop vẫn còn "nát" như vậy? Qua tìm hiểu, tôi phát hiện được hai nguyên nhân chính. Một là laptop ngày càng mỏng và hai là nhà sản xuất giảm chi phí mua linh kiện thấp nhất có thể.

Một trong những vấn đề khó nhất mà webcam trên laptop phải đối diện là khoảng không gian giới hạn cho phần cứng. Qua nhiều năm, laptop đang ngày càng mỏng hơn, màn hình tràn viền hay viền siêu mỏng đang là xu hướng. Vì thế, việc đưa webcam vào khu vực màn hình là một vấn đề nan giải trong thiết kế máy. Huawei đã giải quyết bằng cách giấu webcam vào bàn phím hay Dell chọn đưa webcam xuống viền dưới màn hình thay vì viền trên.

Hầu hết laptop, gồm cả MacBook Pro sử dụng cụm webcam 720p do công ty Micron sản xuất. Cụm webcam này cần khoảng không gian chỉ 7mm để lắp vừa tất cả các bộ phận. Tuy vậy, màn hình ngày càng lớn hơn nhờ thu hẹp phần viền thì việc gắn vừa cụm webcam chỉ 7mm thậm chí cũng gặp khó khăn. Ví dụ với Dell chẳng hạn, họ đã phải làm việc trực tiếp với nhà sản xuất webcam để tạo ra một cụm camera có kích thước chỉ 2,5mm dành cho dòng laptop mới nhất của hãng. Tuy nhiên chất lượng của nó thì còn tệ hơn nhiều những cụm có kích thước lớn hơn.

Cụm camera trên MacBook Pro 17-inch (Ảnh: iFixit)

Do phải giảm kích thước nên các nhà sản xuất buộc phải thu nhỏ cảm biến và ống kính. Đây là một vấn đề lớn vì kích thước cảm biến càng lớn thì chất lượng ảnh càng cao. Cảm biến có kích thước càng nhỏ thì ảnh càng bị vỡ, mờ và bắt sáng kém, bạn sẽ có cảm giác như đang xem phim tài liệu về tội phạm trên TV ngày xưa vậy.

Vật liệu chế tạo ống kính cũng rất quan trọng vì nó đóng vai trò vào độ nét của hình ảnh và độ sâu trường ảnh giữa vật thể (là bạn) và khung cảnh nhìn thấy ở phía sau. Một ống kính lớn cho khẩu độ thấp hơn, vật thể ở gần sẽ được tập trung lấy nét và phần hậu cảnh sẽ được làm mờ một cách tự nhiên. Đó là lý do tại sao hình ảnh từ máy ảnh DSLR và trên webcam lại có khác biệt lớn đến như vậy. Kích thước lớn của ống kính cho phép thu nhận độ sâu trường ảnh tốt hơn và độ nét cao hơn.

Với máy tính xách tay, trong khoảng không gian chỉ vài milimet trống trên màn hình sẽ không có quá nhiều biện pháp để khắc phục ngoài việc trang bị camera ống kính lồi như chúng ta thấy trên các dòng điện thoại flagship gần đây.

Trong chiếc điệu thoại thông minh mới nhất, camera trước đã có thể quay phim ở độ phân giải 4K và quan trọng là chúng có thể vừa với khoảng không gian nhỏ như trên laptop. Dù vậy, lý do thứ hai webcam trên laptop vẫn còn "tối cổ" là giá thành linh kiện.

Cụm camera trước của iPhone 11 có kích thước khá nhỏ (Ảnh: iFixit)

Với những nhà sản xuất laptop, việc tăng chất lượng webcam sẽ làm tăng giá thành sản phẩm một cách không cần thiết vì khách hàng của họ tập trung hơn vào hiệu năng và các tính năng riêng chứ không phải chất lượng webcam. Mặt khác, khách hàng chắc hẳn sẽ chi nhiều tiền hơn để có chất lượng ảnh selfie tốt hơn là dùng webcam trên laptop.

MacBook của Apple là một ví dụ điển hình. Apple đã không thay đổi webcam sử dụng trên MacBook từ năm 2012, khi Apple lần đầu tiên ra mắt màn hình Retina và camera 720p đang dùng hiện nay, dù đã có nhiều thay đổi về tổng thể thiết bị kể từ thời gian đó. Nhiều hãng khác như Dell, Lenovo và HP cũng đang sử dụng cảm biến với chất lượng tương đương.

Tất nhiên, vẫn có một số laptop được trang bị webcam chất lượng cao, vì hãng sẵn sàng trả nhiều tiền hơn để có sản phẩm tốt hơn. Ví dụ như Surface Pro 7 và Surface Pro X của Microsoft chẳng hạn, hai thiết bị này được trang bị webcam Full HD 1080p với chất lượng tốt hơn hẳn MacBook Pro. Dù chất lượng không thể nào so sánh với máy ảnh DSLR nhưng đây vẫn là một bước tiến vượt bậc so với đại đa số sản phẩm trên thị trường laptop. Khi tôi sử dụng Surface để gọi video call, ai cũng hỏi sao hình ảnh của tôi tốt như vậy.

Hầu hết chúng ta đều không quan tâm đến webcam khi chọn mua laptop. Nhưng dịch bệnh lần này đã khiến hàng triệu người phải làm viêc tại nhà thông qua video call. Do vậy, những chiếc webcam cần được chú ý đến nhiều hơn.

Cũng có thể những nhà sản xuất laptop đang phải mắc kẹt tại nhà và buộc phải dùng chính cái webcam "đồng nát" của họ để làm việc. Và cuối cùng, họ sẽ để ý đến và ưu tiên cải tiến webcam trong những thiết bị thế hệ tiếp theo, thay vì để nó trông như máy ảnh trên chiếc điện thoại Nokia từ năm 2012 như vậy.

(Theo VnReview, Medium)

 

Với giá bán dưới 20 triệu đồng, laptop Acer Swift 3S có những ưu điểm gì để thuyết phục người dùng chọn mua?

Với giá bán dưới 20 triệu đồng, laptop Acer Swift 3S có những ưu điểm gì để thuyết phục người dùng chọn mua?

ictnews Đâu còn cái thời laptop mạnh là phải cồng kềnh và kém sang, giờ đây người dùng có thể thỏa thích chọn mua những chiếc laptop siêu mỏng nhẹ mà không còn ngại cấu hình bên trong chỉ đủ dùng. Acer Swift 3S chính là sự kỳ vọng của người dùng ở kỷ nguyên số 4.0.