Nhiều trường học trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi quy định học sinh (HS) không được sử dụng điện thoại khi đang học trên lớp nếu không được giáo viên cho phép. Sau một thời gian triển khai giờ học không điện thoại đã mang lại kết quả tích cực.
Sân trường náo nhiệt
Hồi trống báo hiệu giờ ra chơi vang lên, HS Trường THPT số 1 Nghĩa Hành (Nghĩa Hành) ùa ra sân trường chơi các trò chơi dân gian. Tiếng cười đùa rộn rã, reo hò cổ vũ của các nhóm HS đang tham gia chơi đá cầu, nhảy dây... vang khắp sân trường. Những hình ảnh này gần như “vắng bóng” trong một thời gian dài tại nhiều trường học trên địa bàn tỉnh.
“Trong giờ học không sử dụng điện thoại, chúng em tập trung học và tiếp thu kiến thức tốt hơn. Ngoài giờ học, thay vì ngồi một chỗ để sử dụng điện thoại như trước đây, chúng em tương tác, trò chuyện để hiểu nhau, thân thiết với nhau và đoàn kết hơn”, em Hồ Thị Nhật Hạ, lớp 11B2, Trường THPT số 1 Nghĩa Hành cho biết.
Theo Nhật Hạ, trước đây, lớp có thành tích học tập ở mức khá. Nhiều bạn sử dụng điện thoại trong lớp làm ảnh hưởng đến điểm thi đua. Vì vậy, khi trường phát động thực hiện thí điểm quy định HS không được sử dụng điện thoại di động, các thiết bị khác khi đang học tập trên lớp, tập thể lớp 11B2 đã đề xuất với cô giáo chủ nhiệm đăng ký tham gia.
“Những ngày đầu thực hiện, một số bạn chưa quen nên tỏ ra mệt mỏi trong giờ giải lao. Song chỉ sau vài ngày, các bạn đã quen và bắt đầu ra sân trường tham gia các hoạt động, các trò chơi dân gian. Sau 1 tuần thực hiện, lớp đã vươn lên dẫn đầu toàn trường. Kết quả đó được duy trì trong nhiều tuần liên tiếp", Nhật Hạ phấn khởi nói.
Quy định HS không được sử dụng điện thoại khi đang học tập trên lớp đã mang lại kết quả tích cực. Học sinh không phụ thuộc vào thiết bị điện tử trong giờ học. Ngoài giờ học, các em có thời gian tương tác với nhau giúp phát triển kỹ năng giao tiếp. Mối quan hệ giữa thầy và trò cũng trở nên gắn kết hơn thông qua việc HS thường xuyên tương tác với thầy, cô giáo.
“Những hôm thời tiết thuận lợi, chúng em mang theo bóng chuyền để rèn luyện sức khỏe trong giờ ra chơi. Chơi thể thao hay các trò chơi dân gian khác giúp chúng em gắn kết với nhau, tạo nên tình bạn đẹp của tuổi học trò", em Nguyễn Hữu Khoa, lớp 11B1, Trường THPT số 1 Nghĩa Hành bộc bạch.
Nâng hiệu quả dạy và học
Theo Phó Hiệu trưởng Trường THPT số 1 Nghĩa Hành Chu Anh Tuấn, việc ban hành quy định HS không sử dụng điện thoại khi đang học tập trên lớp không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép xuất phát từ ý kiến của phụ huynh HS các lớp tại cuộc họp phụ huynh HS đầu năm học 2024 - 2025. Nhà trường đã triển khai và lấy ý kiến của cha mẹ HS để xây dựng kế hoạch thực hiện từ đầu tháng 10/2024.
Sau 2 tuần thực hiện thí điểm tại lớp 11B2 đã có những chuyển biến rõ rệt. Nhà trường đã mời lớp trưởng và mời ngẫu nhiên một HS của lớp lên phát biểu tại tiết chào cờ đầu tuần. Các em đã nói lên những mặt tích cực của việc thực hiện quy định này. Từ đó, trường tiếp tục phát động và triển khai đại trà trong toàn trường.
“Nhà trường không cấm HS mang điện thoại đến trường mà chỉ yêu cầu các em sử dụng điện thoại theo quy định. Trong các tiết học, khi giáo viên bộ môn đăng ký tiết học cho phép HS sử dụng điện thoại hỗ trợ học tập, nhà trường vẫn cho các em sử dụng điện thoại để tra cứu thông tin theo kế hoạch bài dạy của giáo viên.
Đối với những trường hợp phụ huynh cần liên lạc với HS hay ngược lại thì sẽ thông qua số điện thoại của trường đã được công bố. Theo thống kê, sau 14 tuần triển khai, trong buổi học, toàn trường chỉ có từ 5 - 7 trường hợp phụ huynh liên lạc với HS thông qua số điện thoại của trường và ngược lại”, thầy Tuấn cho biết thêm.
Năm học 2024 - 2025 là năm thứ hai Trường Phổ thông Dân tộc nội trú (PTDTNT) THPT tỉnh triển khai quy định HS không sử dụng điện thoại trong giờ tự học và buổi học chính khóa trên lớp.
Theo Phó Hiệu trưởng Trường PTDTNT THPT tỉnh Nguyễn Trà, xuất phát từ thực tiễn HS sử dụng điện thoại quá nhiều làm ảnh hưởng đến tiết học, năm học 2023 - 2024, trường triển khai thực hiện quy định HS không sử dụng điện thoại trong giờ tự học và buổi học chính khóa trên lớp. Tại lớp học có bố trí tủ đựng điện thoại.
Đến giờ học, các em cất điện thoại vào tủ đến khi hết buổi học. “Tác dụng lớn nhất đối với việc không sử dụng điện thoại trong giờ học đó là khi không sử dụng điện thoại, các em có thời gian giao tiếp với bạn bè và tương tác với giáo viên thông qua việc phát biểu xây dựng bài. Giờ ra chơi, các em chơi các trò chơi dân gian như đá cầu, đá bóng… Qua đó, góp phần giúp HS phát triển toàn diện”, thầy Nguyễn Trà nhấn mạnh.
Phần lớn HS của Trường PTDTNT THPT tỉnh là đồng bào dân tộc thiểu số. Rào cản lớn nhất của các em đó là kỹ năng diễn đạt bằng tiếng Việt. Vì vậy, việc không sử dụng điện thoại để tăng cường giao tiếp giúp các em tăng cường kỹ năng diễn đạt để trình bày vấn đề tốt hơn.
“Sau gần 2 năm triển khai không sử dụng điện thoại trong giờ học, HS có thái độ học tập tốt hơn. Các em dần ý thức trong việc quản lý thời gian sử dụng điện thoại. Những hôm thời tiết không thuận lợi, các em sáng tạo những trò chơi mới như phân vai phân nhiệm tổ chức trò chơi trong lớp học. Trong giờ học, các em tập trung nghe giáo viên giảng bài thay vì làm việc riêng như trước đây, tạo cho giáo viên hứng thú hơn trong giờ dạy, nâng dần chất lượng giáo dục”, cô giáo Đoàn Thị Thanh Tuyền, chủ nhiệm lớp 12C4, Trường PTDTNT THPT tỉnh, chia sẻ.
Theo xu thế phát triển công nghệ số toàn cầu, HS tiếp cận với điện thoại thông minh là điều cần thiết. Bởi HS sử dụng điện thoại đúng mục đích sẽ đem lại nhiều mặt tích cực tác động đến việc hình thành kỹ năng, nhân cách và đặc biệt là kỹ năng mềm. Điều quan trọng là các em có ý thức, trách nhiệm với việc sử dụng điện thoại đúng nơi, đúng lúc.
Giáo viên cũng phải thay đổi
Theo Phó Hiệu trưởng Trường THPT số 1 Nghĩa Hành Chu Anh Tuấn, nhà trường đang tạo cho HS nếp sử dụng điện thoại đúng mục đích. Muốn vậy, giáo viên phải đổi mới phương pháp giảng dạy để thu hút HS vào hoạt động học, tự nghiên cứu, qua đó hình thành năng lực, phẩm chất đáp ứng mục tiêu Chương trình Giáo dục phổ thông mới.