- Nửa năm làm nghề bán sách rong, bán sách của chính mình dịch hoặc viết, tôi đã có cơ hội nhìn lại bản thân và cuộc sống xung quanh, tránh được “sốc văn hóa ngược’ sau khoảng thời gian dài ở nước ngoài.

Tết đã đến gần sát sau lưng. Ra ngoài đường thấy ai cũng hối hả…

Vậy ra tôi đã làm nghề bán sách rong được nửa năm. Nửa năm, kể từ khi học xong ở Nhật về, tôi đã trực tiếp mang sách của mình (viết và dịch) đến bán cho các khách hàng ở hầu khắp các quận nội thành của Hà Nội, cho dù có quận trong nửa năm ấy cũng chỉ có… một người mua.

Tôi cũng đã gửi sách cho những khách hàng-bạn đọc khác ở các tỉnh trên cả nước. Mỗi lần gửi cho khách ở tỉnh nào, tôi đều đánh dấu trên bản đồ để làm một nghiên cứu nho nhỏ xem bạn đọc của mình phân bố ở đâu.

Thời gian để làm quen

Bây giờ, gặp ai kể cả người quen lâu hay mới quen, khi được hỏi “Anh dạo này làm gì?”, tôi đáp “Em/mình bán sách rong” một cách rất tự nhiên. Gia đình và bạn bè cũng đã quá quen với chuyện đó, đến độ thay vì trước kia gọi điện hay nhắn tin hỏi “Hôm nay cậu ở nhà hay đi đâu?” thì giờ sẽ là: “Này, hôm nay trải chiếu ở đâu đấy?”.

Mọi chuyện nghe có vẻ trơn tru, tự nhiên, nhưng cái sự khởi đầu vô cùng ngượng ngập. Bán sách của chính mình viết ra hay chuyển ngữ! Một việc có thể xếp vào hàng những việc lương thiện nhưng có lẽ ít người làm.

Trên thực tế có lẽ cũng có những tác giả, dịch giả làm điều đó nhưng thường thì họ sẽ bán cho thư viện, các cửa hàng sách, nếu là giáo viên-giảng viên thì bán cho học trò một cách âm thầm, lặng lẽ, hoặc thời nay thì giới thiệu qua trang cá nhân. Dường như chưa thấy mấy ai là người viết sách, dịch sách lại tự rao bán sách mình và mang đến tận tay khách hàng một cách “công nhiên” vậy cả.

Bởi thế, ban đầu dù đã rất quyết tâm tự động viên “mình đâu có làm việc gì xấu”, tôi cũng từng viết rồi lại xóa không biết bao lần những dòng chữ rao bán sách mình trên Facebook.

Sự ngượng ngùng ấy làm tôi nhớ lại một truyện ngắn có tên “Thời gian để làm quen” hình như của nhà văn Nguyễn Trọng Oánh. Truyện kể về một anh bộ đội phải tập đi buôn để bán những thứ xã hội đang lùng sục lúc bấy giờ như sữa, thuốc lá... để mưu sinh. Khi đi bán, anh buộc lòng phải chường mặt ra đường, phải tiếp xúc với “con phe”, phải học cách nói điêu. Ban đầu anh ngượng chín mặt mỗi lần đi bán phải trốn tránh người quen lén lút như thằng ăn trộm, nhưng rồi anh quen dần với sự bán mua.

Tôi không phải đối diện với con phe, cũng không phải cố gắng khen sách mình nhưng thú thật, vượt qua được nỗi sợ, cảm giác xấu hổ vô hình là không dễ.

Đôi khi ngồi đọc sách và ngẫm ngợi, tôi tự nghĩ, mình làm một việc 30% mưu sinh, 70% trải nghiệm còn “sợ” thế này, thì quả thật phải nể trọng và biết ơn những người đã dám vượt qua định kiến xã hội và số đông để làm những việc có ích và lớn lao biết nhường nào. 

{keywords}
Đi bán sách rong giúp tôi hiểu rõ hơn nỗi vất vả của những người bán hàng rong. Ảnh minh họa: Nguyễn Cảnh Tùng

Bán sách rong đâu giản đơn…

Thắng được nỗi sợ hãi tinh thần là một chuyện, đối mặt với những phiền toái, khó khăn khi đi bán sách rong lại là chuyện khác. Nếu chỉ ngồi trong văn phòng bật máy lạnh rồi nhìn ra cửa sổ thấy những người bán hàng rong rồi động lòng thương cảm, bạn sẽ không thật sự hiểu rõ nỗi nhọc nhằn của họ.

Từ khi đi bán sách rong, tôi bỏ xe máy chuyển sang đi xe buýt và đi bộ. Đi bộ ở Hà Nội không phải chuyện đơn giản. Hè đường phần lớn bị lấn chiếm để giữ xe hoặc buôn bán. Người đi bộ phải đi xuống lòng đường xe cộ chạy vun vút. Những vạch trắng sang đường dường như vô tác dụng trước những tay lái vô cảm và vội vã, khiến tôi dù ngó trước nhìn sau vẫn không khỏi rùng mình lo sợ. 

Đa phần những người mua sách rất dễ thương và đáng mến nhưng không phải lúc nào cũng gặp những người như thế. Có người trước khi mua còn ra điều kiện “Anh cứ gửi sách cho tôi đọc. Tôi đọc thấy hay sẽ mua”.Nhưng những khó khăn đó đôi khi không gây khó chịu bằng những cái nhìn soi mói, giễu cợt của những người xung quanh trong đó có cả những quen. Nhiều người thậm chí nói ra miệng tôi là “thằng khùng”, “điên”.

Cũng có khi sự phiền phức phát sinh từ sự hiểu lầm, do giao dịch diễn ra trên mạng, không quen nhau ngoài đời nên nhiều người chuyển tiền mua sách xong mà sách chưa đến thì sợ bị lừa, v.v…

…nhưng vượt lên trên tất cả là niềm vui

Cuộc sống là một bức tranh muôn màu! Dù làm giáo viên, phiên dịch, tiếp xúc với rất nhiều người ở những vị trí, nghề nghiệp khác nhau, tôi vẫn cảm thấy ngạc nhiên và thú vị khi gặp gỡ người khác trong vai anh bán sách rong.

Rất nhiều con người thú vị và tốt bụng. Cái hay của việc tự mình bán sách của mình là có thể biết được những ai quan tâm và đọc sách của mình. Hơn nữa, nhờ sự kết nối tuyệt vời của Facebook, thư điện tử, điện thoại di động, tôi còn có thể biết được cảm nhận, phản hồi, nhận xét của độc giả đối với các cuốn sách của mình: khen, chê, chỉ trích.

Nhờ bán hàng rong, tôi đã quen biết thêm rất nhiều người khác làm nghề “bán hàng trên mạng” hay bán hàng rong. Đôi khi chúng tôi bán hàng cho nhau hoặc trao đổi hàng như một cách tặng quà. Giao tiếp với họ đem lại cho tôi những trải nghiệm rất đời mà nếu như nấp mình trong giảng đường hay thư viện, tôi khó lòng có được.

Trong số những khách hàng đã mua sách, có nhiều người để lại ấn tượng khó quên: Có bạn học sinh rụt rè xòe số tiền tiết kiệm ít ỏi để mua một cuốn tản văn viết về những kỉ niệm thời thơ ấu của tôi. Có những người không có điều kiện đi ra ngoài hay muốn gặp mặt người viết còn cho địa chỉ nhà riêng để tôi mang sách đến và thường ở đó, chúng tôi đã có những cuộc trò chuyện rất thú vị xoay quanh chủ đề đọc sách và trải nghiệm cuộc sống, v.v… 

{keywords}
trải nghiệm “bán sách rong” giúp tôi có cái nhìn đa chiều và “từ dưới lên” về sự phát triển của văn hóa đọc ở Việt Nam. Ảnh minh họa: Mỹ Hòa

Bởi thế, quan hệ giữa tôi và bạn đọc là quan hệ khá “phức tạp” và thú vị: vừa là quan hệ giữa người bán hàng - khách hàng, tác giả (người dịch) - độc giả, lại vừa là bạn bè. Nhiều người đầu tiên là khách hàng sau đó thành bè bạn và ngược lại có cả những người vốn là bè bạn trở thành độc giả - khách hàng trung thành.

Một lần khi đi trên xe buýt có hai cô gái cứ nhìn tôi rồi vừa nói chuyện vừa cười. Đi vài bến thì một cô xuống, cô còn lại vẫn ngồi yên. Đến vài bến nữa thì đột nhiên cô gái quay sang hỏi tôi: “Anh có phải là anh Vương?”. Tôi gật đầu. Cô gái bảo “Em thấy anh mà sợ không dám hỏi. Anh có mang sách theo không bán cho em một cuốn”. À ra thế! Cảm động nữa là cô gái ấy đã đi quá tới tận 3, 4 bến xe buýt để mua sách để rồi sau đó phải nhờ bạn tới đón quay ngược trở lại.

Sáu tháng làm nghề bán sách rong, tôi đã có cơ hội nhìn lại chính mình và cuộc sống ở xung quanh. Những người ở nước ngoài lâu như tôi khi trở về rất dễ rơi vào trạng thái chán nản, không tìm thấy động lực làm việc khi trải nghiệm “sốc văn hóa ngược”. Bản thân tôi cũng là “một người bơ vơ giữa hai thế giới”. Thoát ra khỏi cảm giác đó và tìm thấy niềm vui có ích trong cuộc sống thường ngày đã trở thành thử thách lớn không kém thử thách mưu sinh.

Mỗi sáng thức dậy, kiểm tra tin nhắn xem có ai nhắn tin đặt sách không đã trở thành niềm vui hàng ngày của tôi. Ở góc độ một người nghiên cứu, bình luận về giáo dục và văn hóa đọc, trải nghiệm “bán sách rong” giúp tôi có cái nhìn đa chiều và “từ dưới lên” về sự phát triển của văn hóa đọc ở Việt Nam.

Trong công việc, nếu chỉ đặt tất cả động lực vào việc kiếm tiền, người ta sẽ không sống hạnh phúc hay khó theo đuổi công việc lâu dài. Khi vừa viết, dịch sách và bán sách rong, một lần nữa, tôi tái xác nhận điều đó bằng trải nghiệm của chính bản thân.

Nguyễn Quốc Vương

Chuyện ông Lý Quang Diệu xử lý bán hàng rong

Chuyện ông Lý Quang Diệu xử lý bán hàng rong

“Chúng tôi không được coi là một xã hội có học thức, có văn hóa nếu chúng tôi không xấu hổ để bắt đầu cố gắng trở thành một xã hội có học thức, có văn hóa trong thời gian ngắn nhất có thể”.

‘No bụng’ rồi mới cần nghĩ đến văn hóa?

‘No bụng’ rồi mới cần nghĩ đến văn hóa?

Chúng ta sẽ còn phải đối mặt với nhiều khó khăn nếu tiếp tục xếp văn hóa lên một trong những dòng đầu trong các văn bản và xuống gần cuối trong cách thực thi.

Làm sạch vỉa hè cũng cần văn hóa

Làm sạch vỉa hè cũng cần văn hóa

Những vỉa hè rộng mà vẫn đảm bảo không gian đi bộ, thực thi luật buộc các công trình xây dựng ở mặt đường phải có đủ chỗ chứ không phải không quản lý được thì thực hiện bằng biện pháp “cấm”.