Kể từ năm 2001, 20 năm qua, ngày 28/6 hàng năm được chọn là ngày Gia đình Việt Nam. Đây là ngày để mọi người cùng quan tâm đến nhau và cùng nhau vượt qua sóng gió để có một gia đình hạnh phúc "Xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc".
Gia đình thời hiện đại, đặc biệt là ở các thành phố lớn, đông dân cư, có sự giao lưu văn hoá lớn đang phải đối mặt với những thách thức mới. Bảo tồn các giá trị gia đình truyền thống đang bị thách thức bởi lối sống hiện đại khi các thành viên trong gia đình ngày càng ít có thời gian dành cho nhau. Cách cư xử của con người trong gia đình cũng thay đổi. Đây cũng là lý do Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch xây dựng một bộ tiêu chí ứng xử riêng.
Tiêu chí ứng xử chung được xây dựng trên 4 nguyên tắc: Tôn trọng, Bình đẳng, Yêu thương và Chia sẻ. Theo đó, bộ tiêu chí này đặt ra cho các mối quan hệ vợ chồng (Chung thủy; Nghĩa tình); cha mẹ với con, ông bà với cháu (Gương mẫu; Yêu thương); con với cha mẹ, cháu với ông bà (Hiếu thảo; Lễ phép); anh, chị, em (Hòa thuận; Chia sẻ). Tất cả những tiêu chí này đều được lấy từ những chuẩn mực ứng xử bao đời trong quan hệ gia đình của người Việt dựa trên nền tảng cơ bản là sự thương yêu và đùm bọc nhau.
Sau khi được ký ban hành cuối năm 2017, 2 năm qua, "Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình" được triển khai thí điểm tại 12 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương gồm: Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng, Quảng Ninh, Hà Nội, Thái Bình, Thừa Thiên - Huế, Bình Thuận, Lâm Đồng, Đắk Lắk, An Giang, thành phố Hồ Chí Minh, từ thành phố lớn đến vùng núi.
Sự đa dạng, phong phú về hình thức thực hiện "Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình" đã giúp những mỗi người tham gia có ý thức hơn về việc giữ gìn hạnh phúc trong gia đình mình cũng như ý thức hơn về cách hành xử trong gia đình. Đã có sự tác động quan trọng đến nhận thức của các gia đình tham gia thí điểm, làm họ thay đổi suy nghĩa hành động trong cách cư xử trong gia đình mình, từ đó lan toả tới những người khác.
Qua 2 năm triển khai thực hiện thí điểm Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình, công tác quản lý nhà nước về gia đình đã được các cấp chính quyền địa phương quan tâm hơn, hoạt động có hiệu quả hơn, có sự chuyển biến tích cực về nhận thức trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Tuy nhiên nhiều nơi vẫn chỉ làm theo phong trào.
Theo Báo cáo về tình hình thí điểm Bộ tiêu chí từ 2019 - 2020 đã có 12/12 (100%) tỉnh, thành thuộc diện thí điểm của Bộ và 23 tỉnh, thành khác tiến hành tổng kết, đánh giá hoạt động thí điểm Bộ tiêu chí.
Qua tổng hợp báo cáo của các tỉnh, thành việc triển khai thực hiện đã được nhiều kết quả trên nhiều phương diện. Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch thống nhất đánh giá, việc thực hiện thí điểm Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình đã góp phần đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình thông qua những chuẩn mực đạo đức, cách ứng xử giữa các thành viên trong gia đình. Công tác thông tin, tuyên truyền về Bộ tiêu chí được chú trọng, bằng nhiều hình thức phong phú, cụ thể, thiết thực, phù hợp với các nhóm đối tượng, độ tuổi, tâm lý, sở thích tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, nâng cao trách nhiệm của các cấp, ngành, gia đình và cộng đồng về công tác gia đình, giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình.
Nhân dân trên địa bàn thí điểm cơ bản đã nắm rõ nội dung, ý nghĩa, mục đích của việc thực hiện các tiêu chí ứng xử trong gia đình và cam kết thực hiện, từ đó đã góp phần thay đổi ý thức, có sự điều chỉnh về hành động, cách ứng xử giữa các thành viên trong gia đình, góp phần giảm thiểu tình trạng bạo lực gia đình, đẩy lùi tệ nạn xã hội, xây dựng, gìn giữ hạnh phúc bền vững của mỗi gia đình hướng tới sự ổn định, văn minh cho toàn xã hội.
Kết quả thí điểm Bộ tiêu chí ứng xử trong 2 năm (2019-2020) cho thấy, hầu hết các hộ gia đình đăng ký đã thực hiện và đánh giá cần thiết thực hiện tiêu chí ứng xử trong gia đình. Nội dung Bộ tiêu chí đúc kết ngắn gọn những giá trị tốt đẹp trong văn hóa ứng xử của gia đình Việt Nam, dễ hiểu, dễ tiếp cận, có tính khả thi khi triển khai vào thực tế, tạo tiền đề quan trọng cho việc thực hiện Bộ tiêu chí trong những năm tiếp theo. Báo cáo cũng chỉ ra nguyên nhân của việc triển khai thực hiện thành công Bộ tiêu chí, đồng thời cũng nêu ra những tồn tại, hạn chế và bài học kinh nghiệm khi thực hiện. Đồng thời cũng nêu những phương hướng thực hiện Bộ tiêu chí trong giai đoạn tiếp theo.
Trong bối cảnh hiện nay, phát huy giá trị nền nếp gia phong sẽ trở thành cốt lõi, là nền tảng để gia đình truyền thống phát triển bền vững, chống lại những suy thoái của lối sống thực dụng, vị kỷ. Chính gia đình được củng cố, kiện toàn và xây dựng với chủ đề là ấm no hạnh phúc, tiến bộ, bình đẳng và bền vững sẽ đóng góp cho việc xóa đói, giảm nghèo để giải quyết các vấn đề xã hội và tạo ra hưng phấn trong các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là các thành viên của gia đình".
Bởi lẽ, gia đình là tế bào của xã hội. Chỉ khi một gia đình khoẻ mạnh thì mới tạo nên một xã hội khoẻ mạnh.
Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đề xuất, kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo đưa việc tổ chức thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình là một trong những nhiệm vụ chính của Chương trình giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình đến năm 2030.
Vũ Lụa, Tư Giang, Minh Khuê
05/12/2021 03:14