Đại diện đoàn làm phim thừa nhận thiếu sót, rút kinh nghiệm, khắc phục hậu quả và mong được thông cảm và tiếp tục tạo điều kiện cho đoàn phim được hoàn tất các cảnh quay.
Hình ảnh giếng cổ Đường Lâm - Giếng sau khi bị đoàn làm phim 'hoá trang' - Giếng sau khi đoàn làm phim khắc phục hậu quả.
Dù khắc phục hậu quả nhanh chóng nhưng nhiều người cho biết màu thời gian và rêu quanh giếng thì phải hàng tháng mới trở lại như cũ vì phải chờ mưa gột rửa lớp vôi ve ngấm vào thành giếng thì rêu mới mọc được.
Trước đó, chiếc giếng cổ kế bên đình làng Mông Phụ (Làng cổ Đường Lâm, Hà Nội) bị đoàn làm phim Tết bôi trát, làm mới nhằm tạo bối cảnh trong phim được đăng tải trên mạng xã hội gây bức xúc dư luận. Để giúp giếng trông như mới được xây dựng, các thành viên trong đoàn phim đã dùng lớp vôi ve màu đỏ, bút vẽ màu đen phủ trát, tô vẽ bên ngoài bề mặt giếng.
Ông Nguyễn Đăng Thạo - Trưởng Ban Quản lý di tích Làng cổ Đường Lâm sau khi nắm thông tin, chính quyền địa phương đã có mặt để xử lý. Ông Thạo cho hay, chỉ vì muốn tạo bối cảnh chiếc giếng đá ong trông như mới để hợp với bối cảnh quay phim nên đoàn làm phim đã làm như vậy. Trưởng Ban Quản lý di tích Làng cổ Đường Lâm cũng cho biết, thực tế đoàn phim chỉ mới vôi ve bên ngoài chứ không phải sơn sửa gì, có thể khắc phục bằng việc cọ rửa lại bằng nước.
Nét đặc trưng của giếng cổ Đường Lâm là miệng giếng ghép bằng những tảng đá ong sần sùi. Bên cạnh giá trị sử dụng, giếng còn mang ý nghĩa tâm linh. Hai giếng bên đình Mông Phụ, tượng trưng cho đôi mắt rồng thiêng liêng của ngôi làng. Về mặt kiến trúc, những chiếc giếng ở Đường Lâm không phải kè thành như giếng ở các vùng đất khác do loại đá dưới lòng đất rất cứng. Giếng thường rộng từ 3-5 m, sâu trên 10 m.
Theo năm tháng, đời sống vật chất của con người ngày càng được nâng cao, giếng khoan và nước máy dần dần thay thế giếng cổ. Nhiều chiếc giếng trăm tuổi ít người qua lại nên nước tù đọng, bị cây cỏ dại bao phủ.
Tình Lê
Bức xúc giếng cổ ở Hà Nội bị đoàn làm phim tô trát, làm mới đóng hài Tết
Chiếc giếng cổ kế bên đình làng Mông Phụ (Làng cổ Đường Lâm, Hà Nội) bị một đoàn làm phim sản xuất hài Tết dùng vôi ve, bút vẽ tô trát, làm mới để tạo bối cảnh.