Những ngôi nhà tầng mọc san sát, những chiếc xe hơi, xe tải đậu kín đường là những gì mà mọi người vẫn nói sự sầm uất và cuộc sống giàu sang ở đất Thổ Tang. Song, ít ai biết được rằng, sâu bên trong cuộc sống sầm uất đó lại là một Thổ Tang không ngủ.
Cả làng đi buôn
Về Thổ Tang những ngày cận Tết Nguyên đán, từ đầu phố mới cho đến khu vực chợ Thổ Tang (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc), chúng tôi phải đi mất đúng 1 tiếng đồng hồ bởi xe ô tô lớn nhỏ đậu kín đường, người người hối hả bốc dỡ hàng lên xuống để kịp cho những chuyến hàng cuối năm, kể cả khi vào buổi trưa – không phải giờ cao điểm làm việc.
Người quanh vùng gọi Thổ Tang là phố dù chưa được công nhận. Nhưng với người lần đầu đến đất Thổ Tang sẽ tưởng mình đang lạc vào một thành phố sầm uất, theo đúng nghĩa. Nhà cao 4-5 tầng mọc san sát, xe hơi, xe tải xếp hàng. Dọc hai bên đường, nhà nào cũng bày bán la liệt hàng hóa, từ cái kim sợ chỉ cho đến máy móc công nghiệp lớn chẳng thiếu thứ gì.
Xã Thổ Tang sầm uất với những ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát |
Rẽ vào ngôi nhà 2 tầng được xây theo lối cổ, đúng lúc ông Nguyễn Văn Dậu - nhà gần đình Thổ Tang, cũng vừa kết thúc công việc dọn dẹp cửa hàng để chuẩn bị giờ cơm nước buổi trưa. Thấy chúng tôi, dù chẳng biết là ai, song ông Dậu vẫn nở nụ cười thân thiện và mời vào nhà uống nước.
Thấy chúng tôi muốn nghe kể chuyện về nghề buôn ở Thổ Tang, ông Dậu vỗ đét một cái vào đùi rồi cười khà khà: “Tôi năm nay đã 80 tuổi, chuyện lớn chuyện nhỏ gì trong làng này tôi đều biết hết”.
Vừa pha trà, ông Dậu vừa kể, nghề buôn ở đất Thổ Tang này đã có từ nhiều đời nay, giống như nghề cha truyền con nối. Nhưng, mỗi đời lại đi buôn một cách khác nhau. Như thời xưa, người dân làng Thổ Tang buôn bán nhỏ lẻ theo kiểu buôn thúng bán mẹt, đi bộ gánh hàng từ Thổ Tang xuống Hà Nội cả 60-70km, còn giờ thì chở hàng bằng xe máy, ô tô.
Nghề buôn ở đây dường như đã ăn vào máu. Những đứa trẻ vừa mới lớn lên, học chưa hết cấp một đã biết tính toán chuyện buôn bán, thậm chí có người không biết đến con chữ nhưng trong buôn bán tính toán lượng hàng hay tính tiền còn nhanh và chính xác hơn cả máy tính.
Theo ông Dậu, sở dĩ người Thổ Tang gắn với nghiệp đi buôn là vì ruộng đất nông nghiệp ít, làm không đủ ăn, cuộc sống đói kém nên họ mới đi buôn để tăng thêm thu nhập, sau đó thành cái nghiệp cho đến tận bây giờ.
Những nhà nằm ở mặt phố thì mở cửa hàng, làm đại lý kinh doanh tại nhà, những nhà trong làng thì đi buôn xa trong tỉnh ngoại tỉnh, không có nhà nào là không theo nghề buôn.
Như gia đình ông Dậu cũng có mấy thế hệ theo nghề buôn. Từ thời ông bà, bố mẹ, cho đến đời ông và nay 6 người con cả trai lẫn gái đều buôn bán. Mỗi đứa buôn một mặt hàng khác nhau, có đứa buôn chỉ một mặt hàng, có đứa buôn hàng theo mùa vụ, tùy tình hình.
Với những nhà khác, nghề buôn đã giúp nhiều gia đình thành tỷ phú, xây nhà lầu, mua xe hơi như thế nào thì ông không biết. Nhưng với nhà ông, nghề buôn này giúp cuộc sống được sung túc, có của ăn của để.
Nhìn lên ngôi nhà 2 tầng xây theo lối cổ, ông Dậu khoe, đây là thành quả mà ông có được từ cuối những năm 80 nhờ vào nghề buôn bán của vợ chồng ông. Lúc đó, để xây được ngôi nhà như thế này thì tiền phải hết hàng bao tải, còn vàng thì phải tính bằng ca (dụng cụ để đong gạo thời đó).
Ông Dậu cho hay đứa cháu gái ông sau khi tốt nghiệp Đại học Dược Hà Nội cũng quyết định quay về đi buôn vì đồng lương công chức không đủ sống. Sau một thời gian, thu nhập của nó giờ gấp cả 10-20 lần lương công chức.
Nghề đi buôn đem lại cuộc sống đầy đủ vật chất nhưng cũng lắm cực nhọc |
Thổ Tang không ngủ
Dù đem lại ấm no, giàu sang cho các gia đình nơi đây, song, ông Dậu cũng thừa nhận rằng nghiệp buôn bán không phải chuyện an nhàn như mọi người vẫn tưởng.
Làm công chức, viên chức còn có thứ 7, chủ nhật nghỉ ngơi, làm nông dân cấy cày cũng chỉ vất vả vào thời điểm mùa vụ, còn “ngày ba tháng tám” nông nhàn thì vừa làm vừa chơi. Riêng với nghề buôn, 365 ngày đều như một, lúc nào cũng đầu tắt mặt tối. Thậm chí, vào ngày lễ Tết, dân buôn còn phải làm việc với cường độ gấp 3-4 lần ngày thường.
Chẳng thế mà ở đây có câu ca: “Phụ nữ Thổ Tang ăn cơm nửa bữa, ngủ với chồng nửa đêm”. Ý chỉ, công việc bận rộn có khi ngày chỉ ăn được nửa bữa cơm, ăn tạm bợ cho qua bữa, còn đêm, thay vì ngủ 6 tiếng thì chỉ được ngủ đúng 2-3 tiếng rồi lại phải dậy đi buôn bán, ông chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Minh ở thôn Bắc Cường – người cũng theo nghiệp buôn bán cả mấy chục năm nay thừa nhận: công việc buôn bán dù kiếm được nhiều tiền hơn nghề khác, giúp người dân Thổ Tang có cuộc sống sung túc nhưng cũng vất vả bội phần. Thế nên, Thổ Tang được gọi là đất không ngủ đúng theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng.
Bà Minh cho hay, để có nhà lầu xe hơi, người Thổ Tang làm việc không ngừng nghỉ, cả ngày lẫn đêm. Công việc buôn bán nhộn nhịp, diễn ra ban ngày từ 4-5 giờ sáng và kết thúc lúc 10 giờ đêm ở khu phố mới đến đình làng. Còn trong chợ Thổ Tang hoạt động này diễn ra xuyên đêm ngày, không ngừng nghỉ. Ban đêm họ buôn bán các mặt hàng nông sản, ban ngày cũng mặt hàng đó tiểu thương lại tranh thủ bán lẻ.
Cả năm, thời điểm Thổ Tang bình yên nhất có lẽ là vào mùng 1 và mùng 2 Tết. Lúc ấy, các cửa hàng buôn bán vẫn mở, nhưng chỉ mở hàng cho vui chứ ít người mua bán ngoại trừ các hàng hoa quả, bánh kẹo. Đến mùng 3 Tết, cuộc sống nhộp nhịp, cảnh buôn bán đầu tắt mặt tối lại diễn ra như thường.
“Song, người Thổ Tang chưa bao giờ có ý định bỏ nghề. Đời này qua đời khác, nghiệp buôn bán theo kiểu cha truyền con nối vẫn tiếp diễn, như cơm ăn nước uống hàng ngày”, bà Minh nói.
Bảo Phương