Nhiều người biết đến thầy giáo trẻ Hà Văn Thắng qua chương trình truyền hình thực tế “Thầy cô chúng ta đã thay đổi” và ấn tượng với phương pháp giảng dạy rất hiện đại của anh.
Với tinh thần cầu thị, thầy giáo sinh năm 1986 tham gia chương trình với mong muốn được các chuyên gia phân tích, đánh giá những giờ giảng của mình, từ đó đưa ra các giải pháp để học sinh được trải nghiệm những tiết học giàu kiến thức và thực sự lý thú.
Thầy giáo trẻ Hà Văn Thắng |
Anh Thắng được đánh giá là một giáo viên hiện đại, biết cách sử dụng nhiều thiết bị công nghệ hỗ trợ bài giảng. Những phương pháp giảng dạy mới như thảo luận theo nhóm, chơi trò chơi, xem video… được anh đưa thường xuyên vào bài giảng của mình.
"Một giáo viên yêu nghề", "tâm huyết với nghiệp giảng dạy", "luôn tìm kiếm, thay đổi bản thân" - nếu theo dõi trang cá nhân của thầy giáo này, có thể thấy những dòng nhận xét rất tuyệt vời của các em học sinh, sinh viên, những người bạn cùng học sư phạm dành cho anh.
Chia sẻ về những điều nhận thấy sau khi tham gia chương trình “Thầy cô chúng ta đã thay đổi”, anh Thắng nói: “Lâu nay, tôi vẫn đề cao tầm quan trọng việc truyền đạt kiến thức cho học sinh mà không chú trọng đến việc duy trì và phát triển mối quan hệ giữa người dạy và người học. Sau khi tham gia chương trình, tôi đã nhận ra là mình cần phải làm điều đó”.
Với việc tích cực áp dụng các phương pháp giáo dục hiện đại, sử dụng nhiều công cụ hỗ trợ, anh Thắng cho rằng cái “được” nhiều nhất là học sinh thích thú với môn học hơn, kiến thức trở nên nhẹ nhàng và thú vị hơn, thay vì hàn lâm và nhồi nhét. Hiệu quả sẽ tăng lên cùng sự thay đổi đó. Mặc dù những thay đổi này có thể khiến giáo viên mất nhiều thời gian hơn cho việc chuẩn bị, tìm tòi, thiết kế, nhưng bù lại sẽ tiết kiệm thời gian khi điều chỉnh, thông tin cập nhật nhanh.
Giáo viên cần có năng lực đổi mới, cập nhật
Anh Thắng vừa là giáo viên ở Trường Trung học thực hành (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM), vừa là giảng viên môn phương pháp giảng dạy môn Địa lý của trường.
Theo anh Thắng, năng lực thường xuyên cập nhật, thay đổi là một năng lực rất quan trọng của người thầy. Tuy nhiên, có một thực tế mà thầy giáo trẻ nhận thấy là nhiều giáo viên phổ thông ngại thay đổi. “Yêu cầu đổi mới thì liên tục, nhưng nhiều giáo viên giống như bị đóng băng. Họ không tha thiết với đổi mới lắm”.
“Nhưng đôi khi lỗi lại không ở giáo viên. Nếu môi trường làm việc quá nhiều gò bó về chương trình, điểm số, thi cử… sẽ khiến cho giáo viên ngán ngẩm chuyện đổi mới. Ví dụ như giáo viên có thể dạy rất nhiều thứ hay ho bên ngoài, nhưng khi kiểm tra đánh giá thì lại đánh giá chung cả hệ thống, học trò sẽ bị điểm thấp hơn so với chuẩn chung. Mà điểm của học sinh lại là cơ sở đánh giá hiệu quả giảng dạy của giáo viên, vì thế, giáo viên không muốn mạo hiểm. Đó là một rào cản”.
Là một giảng viên sư phạm, thường xuyên được tiếp xúc với những đổi mới, anh Thắng tự tin khi nói về những thách thức trước mắt mà ngành giáo dục đặt ra cho người giáo viên. Anh nói những thách thức này có thể khiến các giáo viên gặp “khủng hoảng” nếu đã quá quen với cách dạy “ăn sẵn” sách giáo khoa và sách giáo viên.
Cơ hội luôn có với những người yêu nghề
Về công tác ở Trường ĐH Sư phạm TP.HCM từ năm 2008 ngay sau khi tốt nghiệp, 9 khóa sinh viên đã đi qua, anh Thắng nhận thấy sự khác biệt rõ rệt về chất lượng đầu vào giữa sinh viên những khóa đầu tiên và hiện tại. “Chất lượng sinh viên sư phạm từ thời tôi đi dạy khoảng 9 năm về trước cho đến bây giờ có sự giảm sút rất rõ ở riêng ngành của tôi”.
“Sinh viên sư phạm bây giờ yếu nhất là khả năng sáng tạo và tự thích nghi. Khi dạy, tôi nhận thấy sinh viên gặp rất nhiều khó khăn khi được yêu cầu sáng tạo ra một cái gì đó. Các em chỉ làm tốt khi lặp lại, mô phỏng lại những gì giảng viên đã thực hiện” – anh nói.
Chất lượng đầu vào sinh viên sư phạm giảm sút là do các em cho rằng cơ hội việc làm bị thu hẹp, điều đó theo anh Thắng là đúng. Tuy nhiên, anh cũng nhìn thấy một thực tế từ chính những bạn cùng học ngành sư phạm và những sinh viên đã tốt nghiệp.
“Bạn bè tôi học sư phạm trước đây đa phần đều đi dạy, công việc ổn định, nhiều người thăng tiến rất tốt, có tư duy đổi mới và yêu nghề. Còn với những sinh viên tôi dạy, đa phần các em học tốt, có kỹ năng, và thực sự muốn theo đuổi nghề nghiệp đều tìm được chỗ làm tốt. Còn những sinh viên nào nửa vời, không thực sự muốn theo nghề, thì các em sẽ rẽ sang ngành nghề khác. Các em cũng tự bị đào thải ra khỏi hệ thống và bản thân các em cũng không muốn trở lại nghề nữa. Có những sinh viên 3 năm sau khi ra trường mới xin được việc”.
“Tôi nghĩ là sinh viên không chấp nhận thử thách nên cứ bỏ lại hết cơ hội, chứ không phải là không có cơ hội việc làm” – thầy giáo trẻ khẳng định.
Nguyễn Thảo