Gần năm học mới, không chỉ gấp rút chuẩn bị giáo án, kế hoạch năm học, cô Phạm Thị Hợp -Trường Tiểu học Tình Húc, Tiên Yên, Quảng Ninh còn rất bận rộn với vai trò giáo viên cốt cán, có nhiệm vụ tham gia tập huấn và hướng dẫn lại cho hơn 60 giáo viên đại trà trong huyện, để các giáo viên có thể tiếp cận với chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
“Sau khi được tập huấn trực tiếp với các giảng viên từ trường ĐH Sư phạm Hà Nội, tôi về địa phương hướng dẫn, hỗ trợ các đồng nghiệp tự học trên Hệ thống bồi dưỡng trực tuyến. Việc tập huấn cho giáo viên đại trà được thực hiện trực tuyến. Các giáo viên lập nhóm trên zalo, facebook để cùng trao đổi, bất kể ngày đêm, lúc nào cần, các thầy cô cũng có thể vào để cùng trao đổi. Ngoài ra, với một số xã khó khăn, điều kiện cơ sở vật chất còn hạn chế, chúng tôi phải đến tận nơi để trao đổi trực tiếp”, cô Hợp cho biết.
Cô Hợp chia sẻ, do phụ trách huyện có phần lớn dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, điều kiện khó khăn, nên quá trình tập huấn của cô cũng gặp không ít câu chuyện “dở khóc dở cười”.
“Khi liên hệ với nhiều giáo viên đại trà, họ không biết mình là ai, ban đầu nói thế nào cũng không tin, nhưng vẫn phải tiếp tục gọi điện thoại giải thích, thuyết phục, sau đó thầy cô mới gửi bài. Ban đầu khó khăn là thế, nhưng khi đã tham gia học, phần lớn các thầy cô đều chủ động, tích cực, nhận thức rõ được những thách thức với giáo viên trong chương trình mới và nỗ lực thay đổi phương pháp, kỹ năng giảng dạy để đáp ứng yêu cầu”, cô Hợp nói.
Với cô Lê Thị Thúy, giáo viên cốt cán môn Ngữ văn, trường THCS TP. Hạ Long, Quảng Ninh, đây là lần đầu tiên cô được tiếp cận với mô hình bồi dưỡng giáo viên mới của Bộ GD&ĐT. Cô Thúy chia sẻ, ban đầu được chọn làm giáo viên cốt cán, sau khi tham gia tập huấn trực tiếp, rồi tiếp tục bồi dưỡng lại theo phương thức trực tuyến cho hàng chục đồng nghiệp khác, bản thân cô cũng không khỏi áp lực, lo lắng. Với phương châm, khó đến đâu, gỡ đến đó, chủ động học hỏi, nhờ hỗ trợ từ những giảng viên trường ĐH Sư phạm Hà Nội, đến nay, cô Thúy đã tự tin thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
Theo cô Lê Thị Thúy, việc phải hỗ trợ cho 98 giáo viên đại trà ở các độ tuổi khác nhau, nhiều thầy cô còn hạn chế về trình độ CNTT đã gặp không ít khó khăn. Nhiều người còn quên mật khẩu, cách đăng nhập khi vào hệ thống để học trực tuyến. Nhưng sau vài buổi học online, các thầy cô đã dần cải thiện.
Cô Thúy chia sẻ, việc tập huấn giáo viên đại trà không chỉ là quá trình cho đi kiến thức, kỹ năng, mà bản thân các giáo viên cốt cán cũng có cơ hội được học thêm những kiến thức mới, cách làm hay từ những giáo viên đại trà từ nhiều trường khác nhau, từ đó áp dụng ngược trở lại công tác giảng dạy.
Công tác tại địa bàn còn nhiều khó khăn, cô Lã Thị Giang, người dân tộc Tày, giáo viên trường Tiểu học bán trú Đồng Tâm (Quảng Ninh) cho biết, bản thân ban đầu còn chưa thành thạo về CNTT, có khi quên cả tài khoản, nhưng qua quá trình hỗ trợ nhiệt tình của giáo viên cốt cán, đến nay, cô Giang không chỉ cải thiện được trình độ CNTT mà còn ứng dụng được vào trong quá trình giảng dạy học sinh. Vừa học, vừa bồi dưỡng, cô Giang cho biết, khi áp dụng những phương pháp mới vào giảng dạy, học sinh của cô có những chuyển biến tích cực, tự tin, mạnh dạn hơn. Quá trình bồi dưỡng cũng giúp nữ giáo viên học thêm được nhiều cách kiểm tra, đánh giá hay, các phương kháp khởi động lớp học, tạo hứng thú cho học sinh, giúp các em chủ động hơn trong tiết học.
Trước thềm năm học mới, cô Giang vẫn miệt mài tự bồi dưỡng cùng nhiều đồng nghiệp khác qua nhiều hình thức như trực tuyến, sinh hoạt chuyên môn để sẵn sàng cho chương trình Giáo dục phổ thông mới.
Phương Dung