Theo thống kê của UBND TP Hà Nội, cuối năm học 2023-2024, Hà Nội có 2.875 trường khối tư thục chiếm 20,6% với 330.000 học sinh. Ở bậc THPT, tỷ lệ học sinh trường tư là hơn 25%. Hiện nay, khối trường tư thục chia làm một số nhóm:
- Trường tư mang “màu sắc” quốc tế là những trường có mức học phí cao, khoảng trên 25 triệu/tháng, được đầu tư về cơ sở vật chất bài bản.
- Trường tư được UBND TP cấp đất, giao đất (khoảng 30-40 trường).
- Số còn lại là trường tư phải đi thuê cơ sở vật chất.
Theo ông Nguyễn Công Sở - Hiệu trưởng Trường THPT Lê Văn Thiêm (Hà Nội), khi nhắc tới thu nhập của giáo viên trường tư, phải xem họ đang “đầu quân” cho nhóm trường tư thục nào.
“Trường THPT Lê Văn Thiêm được giao đất và hoạt động 30 năm nay, tuyển sinh ổn định với tổng số 1.700 học sinh. Lương của giáo viên tính theo thâm niên và đánh giá bằng kết quả công tác giảng dạy, thay đổi chất lượng giáo dục.
Tại trường tư, sự tiến bộ của học sinh chính là thước đo đánh giá giáo viên, trong đó học sinh cũng tham gia đánh giá và góp ý cho giáo viên vào cuối năm học. Mức lương nhà trường trả cho giáo viên dao động 150-200 nghìn đồng/tiết”.
Ông Sở cho biết, nhà trường xếp không quá 5 lớp/giáo viên, những môn cơ bản khác tùy định mức. Ngoài ra, giáo viên kiêm chủ nhiệm sẽ được nhận thêm 4 triệu/tháng. Như vậy thu nhập trung bình của giáo viên sẽ dao động 15-25 triệu đồng/tháng.
Về khoản thu nhập khác, hiệu trưởng Trường THPT Lê Văn Thiêm cho biết, trường nghiêm cấm giáo viên dạy thêm với khối lớp 10, vì thời điểm này học sinh cần xác định môn học, lựa chọn theo xu hướng nghề nghiệp.
Với khối 11 và 12, giáo viên được phép dạy thêm nhưng phải cam kết không dạy quá 2 ca/tuần, ngoài ra cũng không được thu quá 60 nghìn đồng/ca. Nhà trường đặt ra quy định này để bảo vệ quyền lợi của học sinh.
Cô Nguyễn Thu Hà, giáo viên một trường tư thục tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội kiêm nhiệm cả giáo viên chủ nhiệm và hoạt động đoàn. "Tôi chủ nhiệm 2 lớp, nhận 7 triệu, cộng thêm 2 triệu kiêm nhiệm vai trò phó bí thư. Số tiết dạy thực tế là 50 tiết/tháng. Ngoài ra, những giáo viên khác không kiêm nhiệm, dạy khoảng 68 tiết/tháng theo quy định. Nếu số tiết nhiều hơn mức trên, chúng tôi được nhận 200 nghìn/tiết. Tổng thu nhập của tôi khoảng hơn 20 triệu/tháng", cô Hà chia sẻ.
Theo cô, nhiều người nhìn mức thu nhập này nghĩ là cao nhưng thực tế họ phải đối mặt với “núi” việc không tên. "Tiêu chuẩn nhà trường và phụ huynh rất cao. Nhà trường thường xuyên kiểm tra sổ sách, chuyên môn, cứ 3 tháng/lần... Ngoài giáo án giấy, chúng tôi phải chuẩn bị thêm giáo án điện tử; chưa kể các hoạt động ngoại khóa, kiểm tra, khảo sát học sinh...”, cô nói.
Ông Nguyễn Quang Tùng - Hiệu trưởng Trường THCS và THPT M.V.Lômônôxốp cho biết, trường tính lương theo tiết dạy thực tế. Chẳng hạn: Một giáo viên được trả 250 nghìn/tiết. Trong tháng 9, giáo viên dạy 100 tiết tổng lương theo số tiết là: 250 nghìn đồng x 100 = 25 triệu đồng. Ngoài dạy theo tiết thực tế, giáo viên còn có lương chủ nhiệm 5 triệu đồng nên tổng lương là 30 triệu.
“Tại Trường THCS và THPT M.V.Lômônôxốp, mức lương cao nhất tháng 9/2024 là 42 triệu của một giáo viên dạy rất giỏi và có nhiều kinh nghiệm, mức thấp nhất là 16 triệu là của một giáo viên trẻ đang thử việc.
Mức lương của giáo viên được xếp theo các tiêu chí: Năng lực chuyên môn; Ý thức, thái độ và khả năng đóng góp xây dựng nhà trường; Mức độ hỗ trợ và giúp đỡ các giáo viên trẻ; Khả năng hoàn thành nhiệm vụ được giao, nhiệm vụ đột xuất...
Ngoài ra, có một số yếu tố khác được nhà trường xem xét xếp lương như: Có cam kết gắn bó lâu dài với nhà trường; Có phản hồi tốt từ học sinh và cha mẹ học sinh; Nhu cầu học của học sinh và phụ huynh....”, ông Tùng cho hay.
Ông Tùng cho biết thêm, ngoài 2 khoản lương tiết dạy và chủ nhiệm, giáo viên còn có phụ cấp trách nhiệm nếu là tổ trưởng, tổ phó, khối trưởng chuyên môn; Phụ cấp cho Ban chấp hành Công đoàn; Lễ Tết; chế độ bảo hiểm...