Một phụ huynh ở Trung Quốc đã phản ánh việc hàng chục học sinh trong lớp của con anh bị giáo viên xử phạt 300 lần squat. Ba trẻ phải đi cấp cứu, trong đó có 2 em bị tiêu cơ vân, đe dọa đến tính mạng.
Theo phụ huynh này, sự việc xảy ra ở một trường tiểu học thuộc thành phố Ôn Lĩnh, tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc). Người đàn ông còn tiết lộ thêm rằng, 2 học sinh bị tiêu cơ vân đã được chuyển đến Hàng Châu để điều trị tích cực. Phản ánh của vị phụ huynh ngay lập tức thu hút sự chú ý của truyền thông địa phương.
Tờ Hoa Thương Nhật Báo của Trung Quốc xác nhận thông tin trên đúng sự thật. Theo truyền thông địa phương, nhóm học sinh bị xử phạt đang học lớp 5. Cuối tháng 9, các em có bài kiểm tra nhảy dây trong tiết thể dục. Hơn chục học sinh không đạt yêu cầu nên giáo viên đã phạt các em thực hiện 3 đợt squat, mỗi đợt 100 lần.
Sau khi tan học, 3 học sinh phải đi bệnh viện vì cảm thấy cơ thể khó chịu. Tại đây, bác sĩ xác định có 2 bệnh nhi bị tiêu cơ vân và phải nằm viện điều trị dài ngày. Tiêu cơ vân thường xảy ra sau khi tập luyện quá sức đi kèm với các triệu chứng như đau nhức cơ, mệt mỏi, nước tiểu màu sẫm. Biến chứng của bệnh có thể là suy thận cấp, phải điều trị lọc máu thận, trường hợp nặng hơn có thể dẫn đến tử vong.
Sau khi báo chí đưa tin vào ngày 29/9, trường tiểu học trên đã ra thông báo thừa nhận sự việc trong tiết học thể dục. Tuy nhiên, nhà trường cho hay giáo viên có yêu cầu học sinh khởi động và nghỉ ngơi, giãn cơ giữa mỗi đợt squat. Nhà trường nhấn mạnh giáo viên thể dục không ép học sinh thực hiện liên tục 300 lần squat.
Đại diện nhà trường cũng cho hay họ đã thông báo các bộ phận liên quan và sẽ xử lý vụ việc theo quy định của pháp luật dựa trên kết quả điều tra. Trường tiểu học cũng tăng cường công tác quản lý giảng dạy tại các lớp học để đảm bảo an toàn và sức khỏe cho học sinh. Phòng Giáo dục Thành phố Ôn Lĩnh cho biết đã mở cuộc điều tra nhưng không tiết lộ chi tiết cụ thể.
Sự việc này gây xôn xao trên các nền tảng mạng xã hội Trung Quốc. Nhiều người bày tỏ sự lo ngại về những hình phạt quá nặng nề đang được áp dụng ở một số trường học hiện nay, có thể đe dọa đến sự an toàn thậm chí tính mạng của học sinh.