Năm Giáp thìn 2024 đã về trên khắp cả nước cùng bao ước vọng. Trong cảm xúc trời đất giao hòa, xin chia sẻ một số kỳ vọng về ngành giáo dục ở năm mới:

Trường học tạo hạnh phúc cho giáo viên: Trường học phải đảm bảo phát huy dân chủ, đem lại hạnh phúc cho thầy và trò, để không còn xảy ra tình trạng thầy cô xúc phạm thân thể, danh dự học sinh và cũng không còn việc bạo lực xảy ra trong học đường, để tinh thần “Tôn sư trọng đạo” vẫn là truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta, học sinh phải biết kính trọng, vâng lời thầy cô.

Muốn vậy, hiệu trưởng trên hết và trước hết phải là người thực sự có tâm, có tài, có tầm nhìn chiến lược, có những quyết sách nhanh và đúng. Hiệu trưởng phải là người lãnh đạo tốt, quản lý giỏi, người quản trị tài… giáo viên, học sinh mới được hạnh phúc.    

Đời sống thầy cô được cải thiện: “Có thực với vực được đạo” là điều không thể phủ nhận. Tất cả thầy cô đều mong muốn từ 1/7/2024, khi thực hiện thang bảng lương mới, trả lương theo vị trí việc làm, thầy cô sẽ sống được bằng lương như mong ước bấy lâu nay. Để thầy cô chuyên tâm giảng dạy không còn phải bận tâm chi phối ảnh hưởng, tác động của chuyện cơm áo gạo tiền, phải dạy thêm tràn lan, bán hàng online... 

Khi thực hiện chính sách tiền lương mới vào ngày 1/7/2024, các cơ sở giáo dục có điều kiện hơn để chăm lo đến đời sống của giáo viên động viên, khích lệ tinh thần đối với các nhà giáo.

Chất lượng dạy – học thực chất: Năm 2024-2025, theo lộ trình hoàn thành Chương trình giáo dục phổ thông 2018, tuy nhiên một số băn khoăn thầy cô mong được sớm tháo gỡ. Đó là môn dạy tích hợp: Lịch sử và Địa lý; Khoa học tự nhiên nếu không có đủ lực lượng giáo viên giảng dạy môn tích hợp theo đúng chương trình yêu cầu, Bộ GD-ĐT cần sớm xem lại có nên tách các môn tích hợp Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học.

Điều này giúp các trường thuận lợi hơn trong việc quản lý, phân công giảng dạy… chất lượng giảng dạy chuyên môn sâu hơn khi dạy học đơn môn.

hocsinh.jpg
Ảnh: Hoàng Hà

Giảm tải áp lực học đường: Thực hiện 12 nhiệm vụ trọng tâm ngành giáo dục đề ra trong năm học 2023-2024 là cơ bản trọng tâm, là thách thức, áp lực với ngành giáo dục nói chung, thầy cô nói riêng. Nhưng không thể nói đây là nhiệm vụ bất khả thi nếu thầy cô đồng tâm, hiệp lực và ngành giáo dục tạo động lực cho thầy cô thực hiện sẽ hoàn thành sứ mệnh trồng người vẻ vang này. 

Hiện giáo viên THCS, THPT có kế hoạch giáo dục của giáo viên; Kế hoạch bài dạy; Sổ theo dõi và đánh giá học sinh; Sổ chủ nhiệm (đối với giáo viên làm công tác chủ nhiệm lớp). Theo thầy cô chỉ cần Kế hoạch bài dạy; Sổ theo dõi và đánh giá học sinh, còn Kế hoạch giáo dục của giáo viên chuyển thành kế hoạch của trường thực hiện để theo dõi quản lý, để thầy cô có thời gian nghiên cứu đầu tư cho tiết học, đổi mới phương pháp giảng dạy có chất lượng, hiệu quả tốt hơn. 

Đồng thời, Bộ GD-ĐT cần cắt giảm tinh gọn những phong trào cuộc thi nặng hình thức, phong trào như giáo viên dạy giỏi, chủ nhiệm giỏi, tổng phụ trách giỏi, vô vàn cuộc thi trực tuyến buộc giáo viên phải tham gia: Tìm hiểu Luật phòng chống ma túy; Tìm hiểu Luật bảo vệ môi trường; Tìm hiểu Luật an ninh mạng… đã lấy đi không ít thời gian của giáo viên.

Còn học sinh vô số cuộc thi tạo áp lực không cần thiết, không chỉ gây tốn kém kinh phí mà còn khiến học sinh mất đi cơ hội phát triển toàn diện, nhất là những cuộc thi có gắn mác quốc tế.

Đổi mới thi: Cải tiến việc thi theo hướng tinh gọn, nhất là kì thi tốt nghiệp THPT nên giao về cho các địa phương tổ chức thi hoặc xét để công nhận tốt nghiệp. Hiện nay, mới có 23 trường đại học công lập được quyền thí điểm thực hiện tự chủ đại học, các trường đại học còn lại vẫn đang được hoạt động theo cơ chế chủ quản. 

Việc thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 chỉ còn 4 môn, với 2 môn bắt buộc Toán, Ngữ văn và 2 môn tự chọn được dự đoán sẽ tác động đáng kể đến xu hướng chọn môn của học sinh ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khác nhau. Đây là hướng đi đúng phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông 2018, phát huy phẩm chất, năng lực, định hướng nghề cho các em ngay từ đầu cấp THPT là khoa học phù hợp xu thế, thực tế.

Năm Giáp Thìn 2024 đã đến, mang theo nhiều kỳ vọng của nhiều nhà giáo với giáo dục nước nhà sẽ có những đổi mới và nhiều thành tựu mới.

12 nhiệm vụ trọng tâm ngành giáo dục xác định trong năm học 2023-2024 gồm:

Hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về giáo dục (1); Thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên (2); Nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, giảng viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp (3);

Bố trí, phân bổ ngân sách nhà nước và huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho giáo dục (4); Tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, giáo dục quốc phòng an ninh (5); Tăng cường công tác giáo dục thể chất, hoạt động thể thao, y tế trường học (6); Bảo đảm an toàn trường học, chủ động phòng, chống và ứng phó hiệu quả với thiên tai, dịch bệnh (7); Quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục đại học, đẩy mạnh thực hiện tự chủ đại học, nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực gắn với nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo (8); Hội nhập quốc tế trong giáo dục (9);

Đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính trong toàn ngành. Tăng cường chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, dạy học và kiểm tra đánh giá (10); Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong lĩnh vực GD&ĐT (11); Tiếp tục thực hiện các phong trào thi đua trong toàn ngành (12).

Nguyễn Văn Lực (Trường THCS Trịnh Phong, Diên Khánh, Khánh Hòa)