Ký hợp đồng với các giáo viên trong gần 3 năm đến khi có văn bản nhắc nhở của thành phố, UBND huyện Sóc Sơn mới dừng việc này và chỉ "lấy làm tiếc". Trong khi đó, 185 giáo viên hiện đang rơi vào cảnh khốn cùng, bức xúc.

Không phải cá biệt

Tiếp sau sự việc gần 300 giáo viên ở Bắc Ninh bị đẩy ra đường hồi tháng 5/2014, gần 200 thầy cô ở Hà Tĩnh bất ngờ bị mất việc hồi tháng 5/2015 khiến dư luận xôn xao, đến cuối tháng 7/2015 VietNamNet tiếp tục nhận được đơn thư kêu cứu của 185 giáo viên mầm non ở Sóc Sơn phản ánh việc họ bất ngờ bị dừng hợp đồng ở các trường.

{keywords}
Các giáo viên trò chuyện với PV. (Ảnh: Văn Chung).

Ở cả ba sự việc, lãnh đạo các huyện là những người có trách nhiệm chính khi cho phép các trường ký hợp đồng với giáo viên trong thời gian dài mà không thông qua thi tuyển để lấy đủ người ở các vị trí việc làm.

Trước đó, trong sự việc ở Bắc Ninh, Bộ Nội vụ đã trực tiếp vào cuộc, nhiều cán bộ ở huyện Yên Phong, Bắc Ninh đã nhận những hình thức xử lí, kỉ luật khác nhau. Cho đến nay, đa số các giáo viên này (là những người có nhiều thành tích trong dạy học và công tác liên tục ở các trường từ 3 năm trở lên) đã được lãnh đạo Bắc Ninh tuyển dụng đặc cách.

Đến sự việc ở Hà Tĩnh, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn trong buổi họp báo thường kỳ tháng 5/2015 cũng cho biết Bộ này sẽ kiểm tra vụ việc. Vụ việc có những dấu hiệu sai phạm giống như ở Bắc Ninh đó là có chỉ tiêu tuyển dụng nhưng không tổ chức thi tuyển mà ký hợp đồng lao động trong nhiều năm.

Còn sự việc ở huyện Sóc Sơn, mặc dù trong mấy năm này đều có thi tuyển giáo viên để tuyển đủ ở những nơi thiếu nhưng không hiểu sao trong gần 3 năm qua lãnh đạo huyện Sóc Sơn vẫn cho phép các trường mầm non tiếp tục ký hợp đồng với các giáo viên.

Trong buổi họp với 185  giáo viên, ông Hồ Việt Hùng-Trưởng phòng Nội vụ huyện Sóc Sơn cho biết chỉ đến khi thành phố có văn bản yêu cầu, nhắc nhở các quân huyện chấm dứt sử dụng lao động hợp đồng, thay thế cho các viên chức – công chức thì huyện này mới tiến hành việc chấm dứt hợp đồng với 185 giáo viên.

Còn Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn, Lê Hữu Mạnh cho biết ông “lấy làm tiếc”phải thực hiện quyết định này.

“Lẽ ra việc này huyện phải làm cương quyết từ năm 2013 khi bắt đầu thi tuyển tất cả các hợp đồng sau khi thi xong không đỗ là chúng tôi ra quyết định cắt hợp đồng. Còn ký lại hay không là do nhu cầu công việc” – ông Mạnh nói.

Cuộc thi không công bằng

Hiện 185 giáo viên này đang rơi vào tình trạng hết sức khó khăn và cảm thấy bất công, bức xúc vì chưa biết cụ thể nội dung công việc tiếp theo của mình thế nào.

Chưa kể, 185 giáo viên trên đều vừa đi làm, vừa đi học để nâng cao trình độ đại học của bản thân, củng cố thêm kiến thức phù hợp với sự đòi hỏi tiêu chí của các giáo viên dạy giỏi.

Nói về những bất cập của kỳ thi tuyển giáo viên, theo các giáo viên với việc quy định cách tính điểm trúng tuyển = Điểm học tập (ĐHT) + Điểm tốt nghiệp (ĐTN) + Điểm thực hành x 2 thì... đến thi 100 lần cũng không thể đỗ mà vẫn là các thí sinh tự do ra trường sau mới đỗ. Lí do đa phần các giáo viên có bằng tốt nghiệp trung bình hoặc trung bình khá vì việc học, cấp bằng nghiêm túc. Về sau đa phần sinh viên ra trường đều có bằng giỏi.

Theo cách tính điểm này: Bằng tốt nghiệp hạng Trung bình hoặc không xếp hạng: ĐHT = ĐTN = 50 điểm; Bằng tốt nghiệp hạng Trung bình khá: ĐHT = ĐTN = 60 điểm; Bằng tốt nghiệp hạng Khá: ĐHT = ĐTN = 70 điểm; Bằng tốt nghiệp hạng Giỏi:ĐHT = ĐTN = 80 điểm; Bằng tốt nghiệp hạng Xuất sắc:ĐHT = ĐTN = 90 điểm.

Như vậy ngay khi bước vào kỳ thi các giáo viên đã thua sinh viên mới ra trường ít nhất từ 20-30 điểm trở lên. Các giáo viên khẳng định nếu có một kỳ thi công bằng, đánh giá năng lực giáo viên ở việc đứng lớp, soạn giáo án hay xử lí tình huống họ sẵn sàng “thi đấu” và không ngại các sinh viên mới tốt nghiệp loại giỏi. Suốt thời gian qua các cô đa phần đều được đánh giá hoành thành xuất sắc nhiệm vụ và có chuyên môn tốt.

Chiều 30/7, trao đổi với VietNamNet, ông Nguyễn Văn Xuất, Chủ tịch Công đoàn ngành giáo dục huyện Sóc Sơn cho rằng công đoàn ngành không thể có tiếng nói gì bảo vệ giáo viên khi tất cả các cô kí hợp đồng với nhà trường. Điều khoản cũng nêu về trường hợp giáo viên bị cắt hợp đồng nếu không đáp ứng được đủ điều kiện.

Hiện tại, hầu hết các giáo viên đều ở vào những hoàn cảnh hết sức khó khăn. Nhiều cô sinh năm 1980, 1981 đến 1985 đã có 2-3 con nhỏ sau khi có thông báo dừng hợp đồng đã chạy vạy đi xin làm công nhân ở khu công nghiệp gần nhà nhưng không được nhận vì đã quá tuổi. Có cô giáo hiện giờ phải đi bán hoa tươi, bán cá hoặc ai có việc gì nhờ có trả tiền thì đi làm.

Nhiều người cũng đã tính chuyện vào trung tâm thủ đô đi làm ô-sin hoặc tìm các nhà trẻ có thuê người trông giữ các cháu.

Liên quan đến sự việc, VietNamNet đã liên hệ với văn phòng và lãnh đạo UBND huyện Sóc Sơn nhưng tới nay vẫn chưa có hồi âm chính thức.

  • Văn Chung