Chia sẻ với VietNamNet, bà Nguyễn Phương Ngân - Hiệu trưởng Trường Mầm non Ngôi Sao Xanh (Hà Nội) cho biết, tại trường tư này, giáo viên “cứng”, làm lâu năm có thu nhập 11-12 triệu/tháng, bao gồm lương đứng lớp chính khoảng 10 triệu, phụ cấp chuyên cần, sĩ số, chế độ bảo hiểm...
Theo bà Ngân, tại trường tư, mỗi đơn vị có chế độ khác nhau và điều này là thỏa thuận giữa nhà trường và người lao động.
Với giáo viên công tác từ năm thứ 2 trở đi, mỗi tháng, lương cứng khoảng 8 triệu đồng; ngoài ra còn có phụ cấp trông trưa 300 nghìn, phụ cấp ăn trưa 30 nghìn x 22 ngày, phụ cấp nếu có học sinh chuyên cần 200-300 nghìn. Bên cạnh đó, nếu quy định của trường mỗi lớp 15 học sinh trong khi sĩ số thực là 17, cô nhận thêm 100 nghìn/học sinh/tháng, tức tổng thu nhập khoảng hơn 9 triệu đồng. Mỗi năm, các cô được tăng 300-500 nghìn, tùy người. Giáo viên mới ra trường có thu nhập khoảng 7-7,5 triệu.
"Nhìn chung, thu nhập của giáo viên mầm non đến từ lương và phụ cấp, ngoài ra không có dạy thêm nên về cơ bản khá khó khăn để duy trì cuộc sống tại thành phố lớn. Thực tế tại trường tôi, giáo viên phải làm thêm nhiều nghề như bán hàng online, nấu đồ ăn bán tại chung cư...”, bà Ngân cho hay.
Bà Trương Thị Ngọc Bích, Hiệu trưởng Trường Mầm non 10/10 (Hà Nội) cho biết, tại trường này, giáo viên có thu nhập cao nhất là 17-18 triệu với 32 năm trong nghề, đã bao gồm các loại phụ cấp chăm sóc bán trú, hỗ trợ trẻ ăn sáng, làm ngày thứ 7. Giáo viên thu nhập thấp nhất mới vào nghề, khoảng 7 triệu đồng.
Còn bà Vũ Ngọc Dự, Hiệu trưởng Trường Mầm non Ánh Sao (Hà Nội) thông tin, giáo viên mới ra trường lương cơ bản 2,14 x 2,340 triệu cộng 35% phụ cấp nghề có thu nhập khoảng 6 triệu/tháng.
Theo bà Dự, các cô giáo cứ 5 năm trong nghề được thêm 5% phụ cấp thâm niên (mỗi năm tăng 1%). Tại trường, người có bậc cao nhất 4,98 x 2340 cộng 35% phụ cấp nghề thu nhập khoảng hơn 15 triệu. Hiện nay, giáo viên mầm non đang hưởng mức lương thấp nhất, thu nhập cũng thấp so với các cấp học khác (vì không có dạy thêm theo nhu cầu phụ huynh). Trong khi đó, cường độ làm việc cao, thời gian lao động dài hơn quy định (có khi lên tới 10 tiếng/ngày).
"Thực ra thu nhập hiện nay so với trước đây cải thiện nhiều, nhưng so với mặt bằng xã hội vẫn thấp, vì thế nhiều giáo viên mầm non phải bán hàng, may vá, thiết kế đồ chơi... để tăng thu nhập. Tôi chỉ mong có chế độ ưu đãi dành cho cô giáo mầm non để họ thấy được quan tâm hơn, đỡ vất vả...”, bà Dự nói.
Còn tại miền núi, vùng khó khăn, bà Ngô Thị Mai, Hiệu trưởng Trường Mầm non Tân Lập (Bắc Quang, Hà Giang) cho biết, hiện nay cô giáo có mức thu nhập cao nhất tại trường là 19 triệu/tháng với 18 năm công tác; thấp nhất là cô giáo mới ra trường với 11,5 triệu/tháng.
“Trường tôi thuộc vùng 3, cô giáo thu nhập cao nhất được tính lương trên hệ số thu nhập 3,66; phụ cấp chức vụ 0,35; phụ cấp thâm niên 0,68; phụ cấp thu hút: 2,8. Ngoài ra còn hệ số khu vực và hệ số ưu đãi. Tất cả các loại hệ số cộng lại là 10,806 triệu x 1,8 triệu (hệ số lương cơ bản) = 19,450 triệu đồng, chưa trừ bảo hiểm.
Giáo viên thu nhập thấp nhất cộng hệ số 6,684 triệu (hệ số lương, thâm niên nghề, ưu đãi, lâu năm) x 1,8 triệu = 12,031 triệu, với 11 năm công tác.
Hiện tại, giáo viên trường tôi vẫn hưởng lương vùng kinh tế đặc biệt khó khăn (vùng 3) nhưng sắp tới được công nhận chuẩn nông thôn mới, mức lương quay về với hệ số vùng 1, như vậy giáo viên lương cao nhất sẽ bị trừ các hệ số, từ hơn 19 triệu xuống còn chưa đầy 13 triệu”, bà Mai nói.
Theo nữ hiệu trưởng này, mức lương với giáo viên vùng khó khăn nhìn tưởng là cao nhưng có những người hàng ngày đi về 80km, chi phí xăng xe và sửa xe không ít, chưa kể có những cung đường khó đi nên di chuyển rất vất vả.
"Nếu lương thấp quá, vùng khó khăn sẽ không thu hút được giáo viên biệt phái, khiến nhà trường gặp trở ngại khi phân công giáo viên đứng lớp", bà Mai bày tỏ.