Chia sẻ với VietNamNet, cô Trần Thị Kim Tình, giáo viên Trường Tiểu học Đại An (huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định) cho hay, trong thời gian qua, rất nhiều phụ huynh ý kiến về nội dung sách giáo khoa mới.
Với 21 năm dạy trẻ lớp 1, đã từng dạy sách giáo khoa phổ thông trước đây, sách Công nghệ giáo dục và sách mới, cô Tình thừa nhận cách tiếp cận của chương trình phổ thông mới hơi gấp gáp trong phần xuất hiện âm ở môn Tiếng Việt. “Nhưng số đông học sinh theo được, chỉ có một vài học sinh chậm thì thực sự hơi khó để tiếp cận với chương trình”, cô Tình nói.
Cô Trần Thị Kim Tình, giáo viên Trường Tiểu học Đại An (huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định) trong một tiết học chương trình phổ thông mới. |
Cô Tình cho rằng, năm nay cũng là năm tương đối khó khăn bởi ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. “Trong thời gian đó, trẻ cũng không được đến trường mầm non. Bước vào năm học mới này, các giáo viên cũng không có tuần 0 (tuần đệm) để rèn luyện nề nếp học sinh lớp 1 như các năm học trước. Do đó vào năm học, vừa phải dạy kiến thức mới vừa phải rèn nề nếp cho học sinh nên cả cô và trò đều khá vất vả”.
Thế nhưng, theo cô Tình, điểm sáng là sách giáo khoa có nhiều hình ảnh đẹp, bắt mắt, kích thích sự hứng khởi, tư duy tò mò sáng tạo của học sinh.
Đặc biệt, môn Tiếng Việt được xây dựng một cách cụ thể hơn theo hướng từ các vật để trẻ bật được ra các tiếng, nẩy ra các âm cần học, chứ không trừu tượng.
“So với những chương trình với quan điểm “chân không về nghĩa” khi xuất hiện nhiều từ không có nghĩa, thì trong sách giáo khoa mới lần này đã trực quan hơn. Tức khi đã xuất hiện tiếng nào, từ nào thì phải gắn với nghĩa của tiếng, từ đó”.
Bà Mai Thị Ngọc Quỳnh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đại An (huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định) cho hay: “Vẫn còn một số phụ huynh bỡ ngỡ bởi việc thay sách. Từ trước đến nay, tỉnh Nam Định dạy học theo chương trình Công nghệ giáo dục, thậm chí, cách đánh vần từ ngày xưa đã in sâu vào tâm trí của nhiều phụ huynh. Nhiều phụ huynh tưởng rằng mình có thể tự dạy được cho con và về nhà cũng tự thêm thắt vào. Song cũng chính vì những điều đó đôi khi gây khó khăn cho nhà trường".
Bà Mai Thị Ngọc Quỳnh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đại An (huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định) |
Nói về chương trình, bà Quỳnh cho rằng một thứ rất mới, thực hiện chưa được 1 tháng rưỡi thì chưa thể kết luận rằng có nặng hay không. “Tôi có nghiên cứu và cũng được đi tập huấn thì biết rằng tổng thể số âm, số vần vẫn như vậy thì không thể nói là nặng được”.
Song, bà Quỳnh cho rằng, với một chương trình mới, vừa được đưa vào một thời gian ngắn, lại trong bối cảnh năm học ảnh hưởng bởi Covid-19, các giáo viên tự mày mò hoặc được tập huấn qua kênh trực tuyến, nên chắc chắn sẽ rất khó khăn.
Vì vậy, nhà trường tích cực tổ chức sinh hoạt chuyên môn. "Hai tuần trường tổ chức họp chuyên môn một lần. Riêng giáo viên dạy lớp 1 được tập huấn riêng và được đưa ra những thắc mắc trên thực tế để giải đáp", bà Quỳnh nói.
Nói về nội dung của SGK Tiếng Việt 1, cô Nguyễn Thu Trang (giáo viên chủ nhiệm lớp 1A3 Trường Tiểu học Trần Nhân Tông, TP Nam Định) cho hay: “Có ý kiến của một số phụ huynh cho rằng những bài tập đọc dài, không phù hợp khi chọn những từ ngữ chưa hay. Tuy nhiên, các bậc phụ huynh cũng cần hiểu rằng, để tạo được ra những bài tập đọc đó, các tác giả cũng đã rất cố gắng lựa chọn làm sao cho phù hợp nhất, làm sao trong bài tập đọc đó xuất hiện được nhiều nhất những từ ngữ mà các âm, vần mà các con đã được học; ngoài ra còn đảm bảo quy tắc không sử dụng những âm, vần mà các con chưa được học để đưa vào bài. Ví dụ như cụm “Thỏ nhá cỏ”, có phụ huynh ý kiến rằng tại sao không thay từ “nhá” bằng từ “nhai” vì phổ thông hơn. Nhưng các bậc phụ huynh cũng cần hiểu rằng là các con chưa học đến vần “ai”, do đó sách đã phải đưa vào tiếng “nhá” thay cho tiếng “nhai”. Lý đo đôi khi chỉ đơn giản là như vậy, nên cũng rất mong phụ huynh thấu hiểu và cùng đồng hành với giáo viên để giúp các con tiếp cận chương trình, sách giáo khoa mới được tốt nhất”.
Một giờ học Tiếng Việt theo chương trình phổ thông mới của học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Trần Nhân Tông, TP Nam Định. |
Sau 6 tuần dạy học, cô Trang cho rằng “chương trình phổ thông mới trao quyền chủ động hơn cho giáo viên trong việc lựa chọn kiến thức nào dạy trước hay sau, thậm chí có thể kết hợp với sách giáo khoa của các bộ khác để chắt lọc những từ ngữ, bài đọc hay để đưa vào dạy học sinh”.
Cô Trần Thị Phương Nhung cùng học trò trong giờ Giáo dục thể chất của Trường Tiểu học Trần Nhân Tông (TP Nam Định). Tiết học Giáo dục thể chất mà mình vừa tổ chức đã tích hợp cả các nội dung về Âm nhạc, Tiếng Việt, Tự nhiên xã hội, Bảo vệ môi trường và An toàn giao thông. |
Ông Nguyễn Thế Lâm, Trưởng phòng GD-ĐT TP Nam Định chia sẻ: “Việc một số phụ huynh cho rằng chương trình nặng có thể do phụ huynh chưa hiểu hết. Bởi chương trình mới là khung, còn sách giáo khoa chỉ là tài liệu để giáo viên tham khảo, vận dụng và triển khai. Trong sách giáo khoa cũng có thể có những “hạt sạn” nhưng điều đó cũng khó có thể tránh khỏi, bởi trong quá trình biên soạn các tác giả tập trung vào mục tiêu chuyên môn. Tuy nhiên, ngành giáo dục sẽ phải hướng tới việc lắng nghe, tiếp thu để làm sao vừa đạt được mục tiêu chuyên môn vừa đảm bảo phù hợp thực tiễn, thỏa mãn phụ huynh”.
Ông Lâm cho hay, ý kiến nặng hay nhẹ cần phải kết thúc học kỳ 1 khi có đánh giá tổng kết qua kết quả của các học sinh. “Tôi nghĩ cần phải có những ý kiến thì mới cho thấy tính mới, thay đổi của bộ sách. Tuy nhiên, trong quá trình đổi mới này, ngành giáo dục rất cần lắng nghe và có sự chắt lọc, phân tích có cơ sở khoa học để có quyết định điều chỉnh hay không”.
Ông Nguyễn Xuân Hồng, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Nam Định. |
Ông Nguyễn Xuân Hồng, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Nam Định cho hay, chương trình là cốt lõi của sự đổi mới, còn sách giáo khoa chỉ là công cụ giúp giáo viên thể hiện sự đổi mới phương pháp, ý tưởng bài dạy.
Theo ông Hồng, truyền thông tinh thần của chương trình phổ thông mới là điểm quan trọng.
“Học sinh lớp 1 vừa từ bậc mầm non lên nên còn bỡ ngỡ. Do đó, nếu phụ huynh không nắm được ý tưởng đổi mới, cốt lõi của chương trình thì dễ dẫn đến không hiểu rõ bản chất và dạy học sinh theo lối cũ gây va vấp, khó thống nhất, đồng bộ trong quá trình dạy học”.
Hải Nguyên
Phụ huynh 'hết hồn' với chương trình SGK lớp 1, các giáo viên nói gì?
Sau một tuần “làm quen” với SGK mới, giáo viên, học sinh và đặc biệt là phụ huynh đã có những cảm nhận bước đầu về sự đổi mới trong chương trình và phương pháp giảng dạy.
Nhiều giáo viên kêu 'đuối' khi dạy lớp 1
“Đuối” là tâm trạng của nhiều giáo viên dạy lớp 1 năm nay. Nhiều giáo viên dạy lớp 1 kể họ “vật lộn” với chương trình, với học sinh và đặc biệt lo lắng cho những em ở vùng cao, khó khăn.