Anh Nguyễn Hoài Nhớ, một giáo viên ở Hậu Giang đã gửi tới VietNamNet trao đổi với tác giả bài viết Nên đưa tác phẩm “ Chí Phèo “ ra khỏi chương trình Ngữ văn 11?. Anh đặt câu hỏi:"Phải chăng chính Sóng Hiền đã rơi vào cái “phiến diện và mang tính áp đặt” mà chính anh đã phê phán các nhà phê bình văn học trước đó, hay anh đang tự mâu thuẫn với chính mình?".
Dưới đây là bài viết của tác giả Nguyễn Hoài Nhớ.
Nên đưa tác phẩm “ Chí Phèo “ ra khỏi chương trình Ngữ văn 11?
"Tôi cho rằng cần cân nhắc kỹ tác phẩm này liệu có giá trị thật sự về mặt giáo dục hay không nếu vẫn tiếp tục giữ trong chương trình Ngữ văn phổ thông".
Đưa "Chí Phèo" khỏi sách Ngữ văn: Một góc nhìn hớt váng!
Đọc "Chí Phèo", tôi luôn trân trọng tấm lòng đối với con người của nhà văn Nam Cao, hiểu được thái độ dũng cảm đối mặt hiện thực của một nhà văn chân chính.
1. Trong bất kỳ ngành học nào việc có những ý kiến trái chiều, những quan niệm mới mẽ là điều hết sức cần thiết, đối với môn Ngữ văn cũng vậy
Tác phẩm văn chương vốn có nhiều tầng nghĩa, khi tác giả đặt bút chấm dấu chấm cuối cùng và “gửi” tác phẩm mình cho độc giả thì độc giả, tùy vào thời đại, kinh nghiệm sống, kiến thức cá nhân... có quyền hiểu tác phẩm theo cách riêng của mình. Chính điều đó đôi khi làm cho tác phẩm trở nên giá trị.
Nếu hiểu ở góc độ này thì ý kiến của Nguyễn Sóng Hiền cũng cần được trân trọng, bởi lẽ Nguyễn Sóng Hiền đã đưa ra những ý kiến mới khi tiếp nhận Chí Phèo.
2. Tuy nhiên, văn học có một thế giới riêng, nó "vừa là đời mà vừa không phải là đời". Đọc bài viết của Nguyễn Sóng Hiền, có nhiều điều mà tôi cảm thấy băn khoăn.
Thứ nhất, Nguyễn Sóng Hiền đặt ra câu hỏi “Chí Phèo đại diện cho ai?”.
Chúng ta nhớ lại, Chí Phèo mặc dù là một đứa trẻ bị bỏ rơi và “không ai biết đứa chết mẹ nào đẻ ra hắn” nhưng ở một cái làng “xa phủ xa tỉnh” như làng Vũ Đại thì chắc “đứa đẻ ra Chí Phèo” hẳn không thể là một người có xuất thân khác ngoài tầng lớp nông dân.
Xuất thân là nông dân thì đã rõ, nhưng Chí có phải là một “đứa trẻ không được giáo dục”như Sóng Hiền đã viết?
Ngay từ nhỏ đến năm 20 tuổi, Chí “hết đi ở cho nhà này lại đi ở cho nhà nọ” mà Chí đâu có để lại điều tiếng gì cho mình? Cả làng Vũ Đại cũng đâu ai chê trách Chí? Thậm chí khi bà ba gọi đến bóp chân, “hắn thấy nhục hơn là thấy thích”. Bản thân Chí cũng đã từng ước mơ “có một gia đình nho nhỏ. Chồng cuốc mướn cày thuê, vợ dệt vải, chúng lại bỏ một con lợn nuôi để làm vốn liếng. Khá giả thì mua dăn ba sào ruộng làm”. Thử hỏi, một đứa bé vô giáo dục thì tại sao lại sống bằng chính sức lao động của mình và có những suy nghĩ như thế?
Chính Sóng Hiền cũng thừa nhận “Khi còn là đứa trẻ, Chí vẫn là một đứa trẻ tốt”, vậy cái tốt ấy có phải tự dưng mà Chí có được hay là nó được hình thành nhờ tình người của làng Vũ Đại dành cho Chí?
Sau khi đã “xem xét kỹ toàn bộ tác phẩm”, tác giả Sóng Hiền cho rằng “Chí đơn giản chỉ là một đứa trẻ không được giáo dục và không thể là đại diện hay điển hình cho một tầng lớp nào trong xã hội ấy”. Đứa bé có xuất thân từ nguồn gốc nông dân, sống với dân làng và được dân làng cưu mang từ nhỏ, vậy Chí không đại diện cho tầng lớp nông dân thì đại diện cho ai? Khẳng định như thế, phải chăng chính Sóng Hiền đã rơi vào cái “phiến diện và mang tính áp đặt” mà chính anh đã phê phán các nhà phê bình văn học trước đó, hay anh đang tự mâu thuẫn với chính mình?
Thứ hai, “Chí Phèo là người tốt hay xấu”?
Tác giả nêu hai vấn đề: Một là việc Chí Phèo trở thành con quỷ dữ của làng Vũ Đại là hiện tượng tất yếu (kể cả Chí được sinh ra ở xã hội hiện nay). Vậy anh Sóng Hiền giải thích như thế nào về sự xuất hiện của các tiền bối của Chí Phèo là Binh Chức và Năm Thọ?
Việc anh Sóng Hiền khẳng định “nếu không sống ở xã hội đó mà xã hội có văn minh hơn đi nữa, những đứa trẻ bị bỏ rơi như Chí cũng khó để đón nhận được sự đối đãi công bằng từ xã hội. Thậm chí, còn bị ngược đãi và lạm dụng, vì thân cô thế cô không ai bảo vệ"... Tôi không biết anh Sóng Hiền có phải đang làm đề tài nghiên cứu về tình trạng ngược đãi trẻ em trẻ em mồ côi, lang thang cơ nhỡ nên có những số liệu cụ thể về vấn đề này không mà lại khẳng định chắc chắn như thế? Còn nếu thắc mắc của tôi là không đúng, thì có lẽ anh Hiền đang xem xét vấn đề một cách phiến diện, võ đoán.
Xin thưa với anh Sóng Hiền rằng đâu phải đứa trẻ nào bị bỏ rơi cũng bị đối đãi không công bằng, “bị ngược đãi và lạm dụng”! Nếu tác giả chịu tìm hiểu một chút thì sẽ thấy rằng ở nước ta hiện nay ngày càng có nhiểu tổ chức, cá nhân nhận giúp đỡ, chăm sóc những trẻ mồ côi, lang thang, cơ nhỡ và nuôi dạy các em, cho các em ăn học đàng hoàn. Nhận xét của Sóng Hiền không những phiến diện, võ đoán mà còn xúc phạm đến những tấm lòng nhân ái của nhiều người trong xã hội và khơi dậy nỗi đau, làm ảnh hưởng đến niềm tin, khát vọng vươn lên trong cuộc sống ở các em.
Chí Phèo, con quỷ dữ của làng Vũ Đại và Thị Nở, một người đàn bà dở hơi, xấu “ma chê, quỷ hờn”... Hai người tận cùng nỗi đau ấy gặp nhau, họ “ăn nằm” và thành “vợ chồng” với nhau. Một kẻ từ lâu đã bị dân làng loại khỏi xã hội loài người, một người thua cả con vật, họ đến với nhau và từ đáy bùn xã hội và dìu nhau trở lại thành người. Bao nhiêu giá trị nhân văn cao đẹp từ “mối tình” Chí Phèo - Thị Nở mà Nam Cao đã dày công xây dựng lại được anh Hiền xem xét một cách trần trụi rằng đó là một cuộc cưỡng hiếp của một “gã lưu manh” với một “cô gái vô tội”.Hai là việc Chí Phèo “ăn nằm” với Thị Nở là hành động “cưỡng bức”, “phạm tội” và để lại hậu quả là “sau này Nở lại mang bầu và lại ôm thêm nỗi khổ vào thân”.
Thứ ba: về vấn đề “Chí đáng thương hay đáng lên án?”
Anh Hiền cho rằng “Chí đã giết người trong lúc say, đó là hành vi không phải của một con người. Cho dù ở bất kỳ xã hội nào, những hành động đó đều đáng bị lên án và cách ly ra khỏi đời sống xã hội”.
Không biết khi viết những dòng này, anh Hiền đang tiếp cận văn bản Chí Phèo dưới góc nhìn của một độc giả đang cảm thụ tác phẩm văn chương hay là một nhà hành pháp đang nghiên cứu bản tường trình về một vụ án mạng để đưa ra phán quyết? Có thể lúc Chí Phèo giết Bá Kiến, Chí vần còn men rượu nhưng hơn lúc nào hết, Chí đã ý thức được “đứa chết mẹ nào đẻ ra thân hắn, đẻ ra cái thằng Chí Phèo!”.
Nếu Chí Phèo giết Bá Kiến là hành động bộc phát thì cá nhân tôi cho rằng hành động tự sát của Chí là hành động có chủ đích. Giết Bá Kiến chỉ giải quyết được mối thù cá nhân Chí, nhưng còn biết bao Bá Kiến khác và quan trọng hơn ai cho Chí làm người lương thiện?
Đối với dân làng Vũ Đại, Chí vẫn chỉ là con quỷ dữ vì thế chỉ có cái chết mới ngăn không cho Chí tiếp tục là nỗi sợ hãi của dân làng. Đau đớn lớn nhất đời người của Chí chính là ở chỗ đó, chính vì thế không quá khi có người nói “Chí Phèo chết ngay trên ngưỡng cửa trở về với cuộc sống lương thiện”.
Văn học là sự phản chiếu cuộc đời qua lăng kính chủ quan của nhà văn nhưng nhà văn phải là “người thư ký trung thành của thời đại”
Ngoài giá trị hiện thực, tác phẩm văn học phải là nhịp cầu kết nối trái tim đến với trái tim. Muốn vậy, tác phẩm văn học phải có giá trị nhân đạo sâu sắc. "Chí Phèo" của Nam Cao là tác phẩm như thế.
Tôi tin rằng ở bên kia bờ đại dương, cũng có nhiều người Việt hoặc học giả nước ngoài đang thụ hưởng nền giáo dục Tây phương nhưng họ không dửng dưng, vô cảm trước nỗi đau thân phận con người của Chí Phèo. Bởi ngôn ngữ, văn hóa có thể bất đồng nhưng trái tim nhân đạo thì bao giờ cũng hòa chung nhịp đập.
Nguyễn Hoài Nhớ (giáo viên Trường THPT Vị Thanh, thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang)
Ý kiến phản hồi Nghiên cứu sinh ngành Giáo dục học Nguyễn Sóng Hiền Tôi hoàn toàn không chủ ý phủ nhận các giá trị nghệ thuật của tác phẩm. Nhưng xét ở góc độ giáo dục thì nó tác động tiêu cực tới tâm lý của các em học sinh lớp 11, giai đoạn mà sự phát triển về tâm sinh lý khá phức tạp. Vì vậy, những cái xấu dễ bị tiêm nhiễm và tiêm nhiễm nhanh hơn những cái tốt. Vậy tác phẩm “ Chí Phèo” tác động tiêu cực như thế nào đến các em. Về quan điểm của các nhà phê bình và học giả đều cho rằng Chí là đại diện cho bần cố nông bị áp bức bóc lột và biến thành quỷ dữ: Chí xin đểu, đập phá, chửi bới, rạch mặt ăn vạ, cưỡng bức Nở, uống rượu say, giết người và tự sát. Vậy nếu chúng ta ủng hộ Chí, bảo vệ Chí, chúng ta sẻ lý giải với các em thế nào khi một kẻ cùng đường, quẩn bức ko lối thoát thì nên uống rượu say, cầm dao giết người rồi tự sát sao?...Chúng ta không nên và đừng bao giờ dùng cách nghĩ và tư duy của người lớn để áp đặt cho con trẻ. Độc giả Thương Lê Một góc nhìn văn chương bị những yếu tố phi văn chương và phi thời đại chi phối. Chí Phèo chẳng đại diện cho tầng lớp, giai cấp nào cả. Chí Phèo là hình tượng đậm đặc về những cái xấu có trong mỗi con người - như tôi hay bạn, mà nếu bị xô đẩy, tha hóa, nếu không đủ khả năng để tự thức được, cái xấu đó sẽ phát lộ một cách kinh hoàng. Tuy nhiên, đẹp đẽ và xấu xa là hai mặt của một tính cách con người. Chí đã từng đẹp đẽ, lúc xấu nhất cũng có thời khắc đẹp đẽ với tình yêu. Tình yêu đã cứu rỗi cuộc đời Chí, dù nó kết thúc bằng một án mạng bị thảm, vẫn tốt hơn nhiều so với quãng đời trước đó. Ý nghĩa giáo dục và nhân văn của tác phẩm là ở đó. Nhìn nhận tác phẩm bằng những góc nhìn phi văn chương chẳng khác nào nhận xét một bức tranh xấu vì nhân vật trong tranh ba vòng thiếu chuẩn mực. |