Xây dựng trường học hạnh phúc là mong muốn của nhiều người. Muốn trường học hạnh phúc phải có những giáo viên hạnh phúc nhưng thực tế các thầy cô chưa thật sự hạnh phúc bởi những lý do sau đây:
Quá tải với những công việc ngoài chuyên môn
Giai đoạn đầu năm học, việc thu các loại quỹ như học phí, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn… mất khá nhiều thời gian với giáo viên làm công tác chủ nhiệm. Trong điều lệ trường phổ thông và các thông tư quy định giáo viên không phải thực hiện nhiệm vụ này nhưng để đảm bảo tỉ lệ theo yêu cầu của cấp trên, cán bộ quản lý phải phân công thêm nhiệm vụ thu các loại quỹ cho giáo viên chủ nhiệm.
Bởi hơn ai hết giáo viên chủ nhiệm là người gần gũi học sinh và liên hệ trực tiếp với phụ huynh nhiều hơn là kế toán hay thủ quỹ nhà trường - những người có trách nhiệm với các khoản thu chi trong đơn vị.
Việc tổ chức các hoạt động khác trong nhà trường rất cần thiết với mục đích phát triển năng lực, phẩm chất cho học sinh nhưng thời gian gần đây giáo viên bị quá tải với những phong trào không chỉ của ngành, địa phương mà còn là những kế hoạch phối hợp của các ngành khác.
Chỉ đạo từ cấp trên ban hành xuống nếu không thực hiện chắc hẳn ảnh hưởng đến đơn vị, đặc biệt là vai trò người đứng đầu nên có đôi lúc phải “cam tâm thực hiện‘’ như tâm sự của không ít giáo viên. Không chỉ giáo viên mà ngay cả cán bộ quản lý cũng đôi khi mệt mỏi với những hội thi hay phong trào mà thật tình mà nói nhiều khi chỉ là hình thức chứ không mang lại hiệu quả giáo dục!
Lo sợ với những "phụ huynh trực thăng"
"Trăm sự nhờ thầy cô" hay "Cha mẹ biết gì đâu mà dạy" - chắc hẳn không ít lần các thầy cô giáo nghe những lời tương tự như thế từ các bậc phụ huynh. Ngoài nhà trường và xã hội, gia đình đóng một vai trò quan trọng trong việc giáo dục những người trẻ còn ngồi trên ghế nhà trường. Tuy nhiên không ít bậc cha mẹ lại lờ đi trách nhiệm khi phó thác tất cả cho nhà trường và khi con em mình chưa được như kỳ vọng lại quay sang đổ lỗi cho thầy cô.
Ở một góc độ khác, có nhiều vụ việc, phụ huynh chỉ nghe thông tin một chiều thế là có những hành vi khiếm nhã với thầy cô để rồi gây hệ luỵ không phải cho mình mà cho cả những đứa trẻ. Những cái "đầu nóng" của không ít phụ huynh đã tạo một khoảng cách không nhỏ trong việc kết hợp giáo dục học sinh giữa gia đình và nhà trường.
Thuật ngữ Helicopter parent "cha mẹ trực thăng" được ra đời dùng ám chỉ các phụ huynh luôn muốn nắm quyền kiểm soát cuộc sống của con, từ việc lựa chọn quần áo, ăn uống đến định hướng tương lai, nghề nghiệp.
Không chỉ vậy, nhiều phụ huynh không ngại theo sát, can thiệp vào việc quản lý, dạy dỗ học sinh của giáo viên. Những "phụ huynh trực thăng" như thế không hiếm trong thời buổi hiện nay.
Cơm áo không đùa với thầy cô!
Dù đã có những chính sách điều chỉnh lương nhưng đến nay các thầy cô giáo chưa thực sự an tâm với đồng lương của mình. Xã hội tôn vinh nhà giáo với biết bao lời nói "có cánh" nhưng điều đơn giản nhất lại chưa làm được đó là ổn định cuộc sống cho giáo viên.
Hàng ngày, sau giờ đứng lớp, chúng tôi phải làm đủ mọi chuyện để xoay xở cho cuộc sống trong thời buổi đắt đỏ hiện nay. Phải thừa nhận bỏ qua những tiêu cực, dạy thêm là một việc làm mà giáo viên có thể kiếm được những đồng tiền chính đáng bằng sức lao động của mình.
Ở vùng nông thôn, sau giờ dạy, các bạn đồng nghiệp của tôi phải ra đồng chăm sóc cho luống rau, thửa ruộng để có thêm thu nhập. Khi ra chợ, chúng tôi phải cân đong đo đếm cho bữa ăn hàng ngày của mình. Bao nhiêu người thấu hiểu nỗi lòng của các thầy cô giáo khi nhận những đồng tiền thưởng ít ỏi vào những dịp lễ, Tết mà không dám khoe với bạn bè, người thân?
Trong sự tận tâm của lòng yêu nghề, các thầy cô giáo cố gắng mang lại những niềm vui nhỏ bé cho học trò dù trong lòng mình không ít băn khoăn. Muốn tạo niềm vui và hạnh phúc cho người khác, bản thân mình phải hạnh phúc. Nhưng các thầy cô vẫn chưa thực sự hạnh phúc với môi trường làm việc hiện nay sao toàn tâm toàn ý trong việc cùng nhau chung tay xây dựng trường học hạnh phúc?
Hy vọng trong tương lai sẽ có những định hướng tích cực để các thầy cô giáo yên tâm với nghề và cùng chung tay xây dựng một môi trường giáo dục tích cực cho học sinh.
Lê Tấn Thời (Giáo viên Trường THCS Nguyễn Đăng Sơn, An Giang)