- Lương thấp, lại thêm ý kiến cho rằng "giáo viên không nên đặt nặng vấn đề thưởng Tết" khiến những người trong cuộc đã tỏ ra bất bình về sự vô cảm này.


Ảnh minh họa: Lê Anh Dũng

Cái gì cũng cắt, lương thì không tăng

Số đông giáo viên cho rằng không nên đánh đồng sự cao quý của nghề giáo với việc đương nhiên phải chấp nhận lương thấp, thưởng không có.

“Giáo viên chúng ta là thần thánh mà! Mà đã là thần thánh thì cần gì phải ăn mà sống, cứ sống theo kiểu thần thánh thôi. Và gia đình, con cái của GV cũng phải thần thánh nốt” – độc giả Ngô Dung than vãn trong bức xúc.

Một độc giả khác thì ví von đầy tủi thân: “Nhà giáo chỉ khác nhà sư là được lấy vợ, nhưng lại không có tiền nuôi con”.

“Giáo viên có là người không? Có lao động không? Có cần ăn để sống không? Xa lắm rồi giáo viên có lương tháng 13. Bây giờ cái gì cũng cắt giảm, siết chặt: cắt tiền chấm bài, siết chặt dạy thêm, không được dạy vượt chuẩn 200 tiết/ năm... Bộ sẽ còn siết chặt giáo viên như thế nào nữa? Giáo viên trông chờ vào sự hảo tâm của doanh nghiệp ư?” – bạn đọc Ngô Đồng đặt ra những câu hỏi khó có lời đáp.

Cô giáo Ngô Thanh Ngọc cũng chia sẻ với nỗi niềm này: “Chúng ta chắc sẽ phải sống bằng niềm tin, húp không khí rồi hừng hực khí thế và lý tưởng để đào tạo ra những công dân có đức, có tài thôi quý thầy cô ạ!”

“Giáo viên không phải là người sao? Không cần ăn, không cần mặc sao? Hay chỉ hít khí trời mà sống? Trong khi đó giáo viên không chỉ làm việc trên lớp mà về nhà còn bao nhiêu việc phải làm. Muốn cống hiến mà ăn không đủ, ra ngoài xã hội thì thiệt thòi đủ đường, vậy giáo dục có còn là quốc sách nữa không? Người trong ngành thì muốn bỏ nghề hoặc là phải lao ra làm trái ngành để trang trải cuộc sống, vậy thì ai còn muốn làm giáo viên nữa?” – giáo viên Nguyễn Thị Thúy trăn trở.

“Giáo viên ốm đến bệnh viện mà không có tiền liệu có được chữa bệnh? Đi xe máy có phải nộp thuế đường bộ không? Đi chợ có được giảm giá không?”…

“Kinh doanh, sản xuất tạo ra sản phẩm. Ngành giáo cũng tạo ra sản phẩm mà còn là sản phẩm đặc biệt, là nhân cách con người. Nếu so sánh sản phẩm để tính đến chuyện thưởng tết chẳng lẽ nhân cách của con người không thể bì được với những sản phẩm, lợi nhuận kia sao?” - thầy giáo Bùi Chí Tuyển đặt câu hỏi ngược trở lại.

Coi 3 tháng hè là món quà: thật nực cười!

Trước ý kiến của một nhà giáo cho rằng "hãy coi 3 tháng hè là một món quà của mỗi GV" - nhiều thầy cô giáo đã phản bác. Bởi từ lâu thời gian nghỉ hè đã không còn được 3 tháng, người cao nhất cũng chỉ 2 tháng.

Độc giả Bùi Chí Tuyển đưa ý kiến: “Nói là nghỉ 3 tháng không lương cũng không đúng vì thực tế ngành giáo chỉ nghỉ được 2 tháng,1 tháng đi tập huấn chuyên môn nghiệp vụ và các công tác khác”. “Bản thân tôi cao nhất gần 2 tháng. 3 tháng hè mà coi là quà à? Thật là nực cười!” – cô giáo Ngô Thanh Ngọc phản bác.

Nhiều người trong cuộc khác cũng đồng tình với ý kiến này. Trong 3 tháng hè, các GV còn phải đi tập huấn, coi thi, soạn giáo án, chấm bài… Có những trường giữa tháng 8 đã phải đi dạy.

Một bạn đọc có mẹ là giáo viên chia sẻ GV ở quê chị phải dạy 2 buổi cho 2 khối lớp khác nhau. Mà đâu phải cứ một giáo án thôi là xong, nào là sáng kiến kinh nghiệm, nào là họp chuyên môn, những người làm tổ trưởng còn phải làm nhiều hơn thế mà có ai phụ cấp cho họ đâu! Nếu như GV ở thành phố thưởng Tết còn được đến 2 triệu/người, thì ở quê 100 ngàn cũng là quý rồi.

Thầy giáo Tùng Xuân khá hợp lý khi cho rằng cho dù có được nghỉ 3 tháng đi nữa thì GV vẫn phải chi các khoản phục vụ đời sống, chứ không thể nhịn. “Hơn nữa đó là đặc thù nghề nghiệp, sao lại đưa chuyện lương vào ở đây; còn nghỉ phép, lễ, Tết này nọ chẳng lẽ chỉ có giáo viên mới được nghỉ. Và chúng tôi là những người được gọi là được ưu tiên để phát triển đất nước thì sao lại phải sống vất vả với đồng lương thế này!”

Trong số nhiều chia sẻ của các nhà giáo, có những tâm sự thật rất đáng để các lãnh đạo ngành giáo dục phải trăn trở: “Vợ tôi lương hợp đồng không đủ mua sữa cho con”, hay “Ở trường tôi, chúng tôi mong ngóng từng ngày chờ lương nên chỉ cần có thông tin là có lương, đặc biệt là thưởng là như một luồng gió mới, làm cho tinh thần giáo viên phấn chấn làm việc”.

Đặc biệt, tâm sự của một giáo viên mầm non phải bỏ nghề có lẽ đáng buồn hơn cả: “Em là GV mầm non. Đi làm được 6 năm, ở Sài Gòn mà lương có 2,2 triệu thôi! Làm đủ 12 tháng nhé! Nghỉ 1 tháng là trừ vào lương tháng 13 liền. Giờ thì bỏ nghề đi buôn bán rồi”. Buồn hơn khi cô giáo mầm non này thừa nhận: “Nghe các thầy nói vậy em nghiệm ra 1 điều là mình bỏ nghề là đúng rồi!”

  • Nguyễn Thảo (Tổng hợp)