Được định danh với hình ảnh “Giáo sư Cù Trọng Xoay” hài hước và mang tính giải trí cao, nhưng sắp tới Đinh Tiến Dũng sẽ trở thành người dẫn dắt cho một "talk show" kể chuyện hậu ly hôn của những người nổi tiếng. Anh chia sẻ, khi dẫn chương trình và lắng nghe những câu chuyện của các vị khách mời, đôi khi thấy câu “Sau cơn mưa trời lại sáng” không còn đúng nữa, sau cơn mưa có khi trời lại bão…

Để lý giải cho sự “chuyển hướng” bất ngờ này, MC của Ai là triệu phú đã có một cuộc trò chuyện cởi mở về vai trò mới cũng như hé lộ những câu chuyện hôn nhân gia đình chưa từng được nhắc đến.

{keywords}
Đinh Tiến Dũng trở thành người dẫn chuyện cho một chương trình về hậu ly hôn.

Không lấy người nổi tiếng để câu view

- PV: Lý do gì khiến anh quyết định làm “host” một "talk show" kể về những cuộc ly hôn?

Đinh Tiến Dũng: Thực ra, chương trình này cũng là một điều tôi ấp ủ từ lâu, bởi vì bạn bè, anh em xung quanh tôi ly hôn nhiều lắm. Trong đó có rất nhiều bạn bè, đám cưới của họ là do mình dẫn chương trình. Tỷ lệ những cặp đôi mà mình làm MC đám cưới, sau đó “toang”, cũng khá cao. Nên mình cũng cảm thấy có chút áp lực (cười).

Thế nên, tôi mới nghĩ rằng “à, cũng nên có một chương trình dành cho đối tượng đấy”. 

Mục đích của chương trình này, trước tiên là mang tới cho những người đang bế tắc sau ly hôn biết rằng mê cung đau khổ ấy có lối ra và đã có những người thoát được ra rồi. Biết đâu khi họ chú tâm đến những thứ xung quanh mình, họ sẽ tìm được lối ra. Đó cũng là lý do chúng tôi đặt tên cho "talk" là Lối ra.

Thứ hai, chúng tôi mong muốn thế hệ đi trước hãy nhìn chuyện ly hôn với con mắt cảm thông hơn. 

Thứ ba, với những người đang đối mặt với việc có nên ly hôn hay không, khi xem chương trình, họ sẽ phải cân nhắc bởi vì bản thân khách mời cũng chia sẻ những hậu quả của việc ly hôn không hề nhẹ nhàng. Điều đó sẽ khiến cho những người đang có ý định sốc nổi cũng phải nghĩ lại lần nữa.

Còn với những người thấy họ đã hội tụ đủ điều kiện để ly hôn rồi thì họ cũng lường trước được việc sẽ phải đi qua một giai đoạn như vậy, để không cảm thấy cuộc sống quá bế tắc.

Cũng không thể nói khi xem xong chương trình này, người ta ly hôn nhiều hơn hay ít hơn. Tôi nghĩ, mục tiêu của chương trình là để cho mọi người có thêm góc nhìn chân thực hơn về những cuộc ly hôn.

- Thách thức lớn nhất của anh khi dẫn chương trình này là gì?

Tôi vốn dĩ được định dạng là một nhân vật mang tính giải trí, hài hước, đến nỗi đi đám ma, gia quyến còn nhìn nhau chỉ trỏ “giáo sư Xoay kia kìa” trong khi mình còn đang bận đau buồn.

Nhưng tôi nghĩ có khi đấy là một cái hay bởi vì tôi luôn chọn cách làm việc biến điểm yếu thành điểm mạnh.

Tôi cũng không muốn mình bị chìm vào không khí nặng trĩu của câu chuyện và bị mặc định cứ xem là khóc, mặc dù có lúc lòng mình chùng xuống thật. Bởi vì mục đích cuối cùng của chương trình vẫn là “lối ra” khỏi cuộc hôn nhân, là sự lạc quan, vui vẻ sau ly hôn. Tất nhiên, mình không đùa một cách vô duyên là được.

Tuy vậy, tôi nghĩ rằng cũng có nhiều người đến đây chỉ để giãi bày, để có một người ngồi nghe họ nói. Vì thế, phần lớn trong 8 số đã quay, đa phần tôi chỉ ngồi gật đầu thôi, chứ không nói nhiều lắm (cười).

Điều chúng tôi phải trăn trở nhiều hơn, đó là người xem. Cuộc hôn nhân của khách mời cũng đã qua rồi, họ chia sẻ xong là xong. Nhưng họ mang đến chương trình rất nhiều thứ, vậy thì thứ nào sẽ có lợi cho người xem. Đấy là cái mà người dẫn chương trình sẽ bị thách thức.

{keywords}
Đinh Tiến Dũng đang là MC cho chương trình gameshow Ai là triệu phú

- Tại sao ê-kíp lại chọn khách mời là những người nổi tiếng? Để thu hút nhiều người xem hơn chăng?

Khách mời là người nổi tiếng bởi vì họ vẫn có những hấp dẫn nhất định và công chúng vẫn quan tâm đến đời sống của họ, thay vì anh A chị B nào đấy mà họ không biết trước. 

Khi sang mùa 2 - từ tập 21 trở đi, chúng tôi sẽ chọn những người có thể không phải nổi tiếng nhưng là người thành công, thành đạt trong các lĩnh vực khác nhau. Bởi vì một người bước ra khỏi cuộc hôn nhân và thành công thì có tính truyền cảm hứng nhiều hơn. 

Không phải ai đã ly hôn rồi cũng đều lên được. Chúng tôi phải xem người đó thực sự đã thoát được đau khổ chưa. Có nhiều người vẫn đang chìm đắm trong những cảm xúc tiêu cực thì chúng tôi cũng không dám mời vì sẽ khơi lại vết thương của họ.

Lối ra cũng sẽ không đề cập đến bạn đời cũ của họ, trừ khi khách mời tự nói ra và ở trong phạm vi tôn trọng người kia. Chúng tôi không muốn đưa lên những chi tiết về người thứ 3 mà chúng tôi không thể kiểm chứng.

- Nhưng liệu có kém hấp dẫn hơn không khi nói về cuộc ly hôn mà không nhắc tới người còn lại?

Tôi biết đó là một miếng bánh hấp dẫn trong việc lôi kéo khán giả nhưng nó cũng kéo theo những nạn nhân không mong muốn, như là những đứa trẻ. Nói gì thì nói trẻ con là những người vô can trong việc này. Bằng chứng là cả 8 khách mời mà chúng tôi đã làm, có người thì 100%, có người thì 70-80% những quyết định, lo lắng của họ đều vì những đứa con. Kể cả việc họ quyết định “buông súng” - không đấu tranh, tranh giành nữa cũng là vì họ nghĩ đến những đứa con.

Chúng tôi xác định đây là chương trình làm lâu dài. Nếu mình lấy nỗi đau của họ ra kiếm view thì cũng làm được một vài số, nhưng sau đó sẽ chẳng mời được ai tham gia nữa.

- Anh có thể tiết lộ một chút về 8 nhân vật đã ghi hình?

Chúng tôi đã quay 8 số đầu tiên với nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến, diễn viên Thu Quỳnh, vận động viên Wushu Thuý Hiền, KOL Hằng Túi, nhà báo Thu Hà (mẹ Xu Sim), ca sĩ Thái Thuỳ Linh, ca sĩ Giang Trang và diễn viên Thuỳ Dương.

- Vợ anh có góp ý gì khi biết anh làm chương trình này không?

Tôi nói chuyện với vợ từ khi bắt đầu xây dựng format. Vợ tôi cũng rất quan tâm đến vấn đề tâm lý, hôn nhân gia đình. Cô ấy có khuyên một điều là nên chọn khách mời là đàn ông. Bởi vì khách mời là đàn ông thì bản thân đàn ông cũng xem, mà phụ nữ cũng xem nhiều.

Tuy nhiên, thực sự mời đàn ông rất khó. Có vẻ như đàn ông không muốn nói lại việc này dù họ đã đi qua rồi.

Thế nhưng, với đa phần phụ nữ, mặc dù không trách cứ chuyện cũ, họ vẫn chia sẻ được nhiều vì câu chuyện của họ còn có những đứa con. 

Hôn nhân là những cuộc đối thoại thẳng thắn

{keywords}
"Sau 9 năm, hôn nhân của chúng tôi vẫn ổn".

- Anh cho rằng những yếu tố nào để giữ một cuộc hôn nhân bền vững?

Tôi nghĩ chuyện này cũng không nói mạnh được (cười).

Có vô vàn lý do khiến người ta ly hôn. Tôi rút ra một điều là đừng bao giờ tham vọng khuyên nhủ ai đó nên hay không nên ly hôn, bởi vì mỗi người có một câu chuyện riêng.

Nhưng tôi nghĩ rằng có một thứ cần trong hôn nhân mà vợ chồng tôi cũng đang làm, đó là nên đối thoại. Những cuộc ly hôn xảy ra đều xuất phát từ việc cả hai bên không đối thoại được với nhau.

Tôi và vợ luôn ý thức được điều đó, cho nên 2 vợ chồng luôn có những đoạn buộc lòng phải đối thoại, những cuộc đối thoại mà đối phương không được đánh giá là nó có buồn cười hay nhỏ mọn hay không. Chủ đề mà chúng tôi đối thoại liên quan tới tất cả các vấn đề trong cuộc sống hôn nhân, từ tiền bạc, tình cảm, đến cách nuôi dạy con cái, cách đối nhân xử thế…

Sau cuộc nói chuyện ấy là chúng tôi bỏ qua, “xé nháp”, sẽ không bao giờ nói lại chuyện đấy nữa.

Trộm vía, sau 9 năm hôn nhân, tôi nghĩ chúng tôi vẫn đang ổn.

- Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!

Nguyễn Thảo (thực hiện)