Nhà nghiên cứu âm nhạc Bùi Trọng Hiền là học trò cưng của GS.TSKH Tô Ngọc Thanh. Ông Hiền coi vị giáo sư không những là người thầy mà còn là người cha, người bạn vong niên, có thể chia sẻ mọi điều, không có khoảng cách thầy trò.
VietNamNet xin trích đăng bài chia sẻ của nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền về GS.TSKH Tô Ngọc Thanh - người vừa qua đời ngày 24/4.
Sau khi ông đi, Thảo giật tus trên Zalo: “Vậy là tráng sĩ đã bay về miền ánh sáng! Tạm biệt bố!”.
Cùng gia đình, chúng tôi dù đã chuẩn bị trước giây phút tạo hóa vô thường, nhưng không khỏi bật trào những xúc cảm như trẻ thơ vừa mất bố - vị tráng sĩ của núi rừng Tây Bắc, Trường Sơn - Tây Nguyên thủa nào.
Với cả nghìn học trò trên cả nước, GS. Tô Ngọc Thanh là người thầy vĩ đại. Bởi không chỉ truyền dạy tri thức, kỹ năng làm nghề, ông còn có thể trao truyền cả nghiệp lớn cho các thế hệ tiếp nối. Tất cả những nhà nghiên cứu âm nhạc dân tộc, văn hóa dân gian Việt Nam thế hệ sau ông ít nhiều đều lĩnh hội, thụ hưởng kiến thức từ GS. Tô Ngọc Thanh - như một cây đại thụ lớn của nền khoa học xã hội Việt Nam hiện đại.
Tương phản với dáng người nhỏ thó là khí phách ngang tàng, ánh mắt rực lửa khi giảng bài, chất giọng đanh thép, ngôn từ luôn gãy gọn, không thừa, không thiếu, có thể coi đó là những nét phác họa chân dung Tô Ngọc Thanh.
Không chỉ như một người thầy, một học giả lớn với khối lượng công trình đồ sộ có tính tiên phong, bọn hậu sinh chúng tôi còn tìm thấy ở ông một đồng nghiệp lớn - một bạn nghề vong niên hiếm có, sẵn lòng chấp nhận mọi sự tranh cãi sòng phẳng, không phân biệt thế hệ. Đặc biệt với các học trò thân cận, sẽ dễ dàng thấy ông như một người cha/chú ruột rà thân thương với vô số những kỷ niệm không thể nào quên.
Thời ông sống một mình ở khu tập thể Nghĩa Tân, có những lúc khủng hoảng, gọi điện than thở, ông nói ngay: “Mày vào đây với chú!”. Thế là lọ mọ cả ngày ở bên thầy như chú cún con tìm chỗ che chở. Tự tay ông pha cafe sáng, rồi dắt tôi đi chợ, nấu nướng các món ngon, buôn chuyện đến tận tối khuya để giải tỏa, sốc lại tinh thần cho học trò.
Ông còn lục tìm nhiều kỷ vật cho tôi xem, như những bản dân ca Thái do ông ký âm, chép tay, nét bút xanh tím thủa những năm còn sống trên Sơn La, đẹp đến lạ lùng; Hay những thủ bút trên những mảnh giấy ố vàng, có cả biên bản kiểm điểm Tô Ngọc Thanh thời trai trẻ vì cái tội “tối đến không chịu sinh hoạt hòa đồng với anh em bạn bè mà chỉ lo… tự học ngoại ngữ, làm lợi cho riêng mình…”.
Quãng đầu năm 1996, thấy tôi dạy ở Nhạc viện mấy năm mà không được vào biên chế, ông gọi điện bảo: “Mày bỏ Nhạc viện đi, sang đây với chú”, thế là tôi về đầu quân cho Viện Văn hóa nghệ thuật, mở ra một chân trời mới.
Trong những cuộc điền dã xuyên Việt, bao giờ ông cũng xếp tôi ngủ cùng phòng, đơn giản để cùng trà lá, buôn chuyện với học trò. Hay ông cũng sẵn lòng dành cả một buổi chiều lục tìm kho sách đồ sộ của mình để tìm tài liệu cho tôi…
Nhiều người nói ông cưng chiều tôi như con ruột, kể cũng không sai! Mỗi lần đi công tác nước ngoài, bao giờ ông cũng mua quà cho tôi, ngang bằng với con trai Tô Ngọc Thảo và con gái Tô Thị Lê Thu.
Sau đợt phong tỏa Covid-19, mấy lần buộc phải tiêm vaccine, sức khỏe ông xuống trông thấy. Có lần đi cấp cứu, Thảo kể “trong viện bố toàn nói tiếng Pháp, chắc đã tổn thương vùng nào đó trong não!”.
Tháng 11/2022 khi tôi vừa ở Kon Tum ra, nghe ông đổ bệnh nặng liền gọi điện ngay, Thảo bảo tôi đừng đến, “bố không nhận ra ông đâu, bố có lúc còn không nhận ra tôi nữa”, nhưng tôi vẫn đến.
Lên phòng, mở video cồng chiêng trên điện thoại, ghé tai ông nói: “Con vừa dự Liên hoan cồng chiêng ở Kon Tum…”. Nghe thấy tiếng nhạc chiêng quen thuộc, mắt ông chợt bừng sáng.
Bà hỏi: “Bố có nhận ra ai đây không?”, ông nhìn tôi thều thào nói ngay: “Ông Hiền chứ gì”. Rồi một lúc sau ông gượng ngồi dậy, cho tôi biết ông đang viết dở một công trình bằng tiếng Anh trên máy tính, cần chép các ví dụ nhạc... Còn ra chỉ thị: “Anh in nhanh sách Ả đào để tôi còn trích dẫn…”. Thật đáng kinh ngạc, một bộ não không chịu ngơi nghỉ, chấp nhận bệnh tật tuổi già!
Cuối năm 2023, sau những dự án cồng chiêng trên Tây Nguyên, trở ra Hà Nội hay tin ông bị ngã đập đầu phải mổ cấp cứu, hai vợ chồng tôi vào viện ngay. Sau khi nghe học trò khoe mấy vụ tập huấn chỉnh âm cồng chiêng và khôi phục dàn cồng chiêng Jrai hùng mạnh năm xưa, xem video, phút chốc ông như biến thành người khác, ánh mắt trở nên cương nghị, lấp lánh niềm vui khôn xiết.
Thế rồi cả buổi thăm người trọng bệnh mà toàn xoay quanh chủ đề cồng chiêng với Ả đào… Cao hứng, trên giường bệnh, ông còn giao nhiệm vụ cho vợ tôi như thể phải thay ông chăm sóc - nâng niu cậu học trò cưng của mình. Đến chừng 19h, quên mất mình đang là bệnh nhân nặng, ông quay sang bảo bà: “Bây giờ nhà mình xuống đường tìm quán nào ăn cái gì không chúng nó đói…”.
Vậy đó, “bay về miền ánh sáng”, vị tráng sĩ của núi rừng năm xưa đã để lại cả một di cảo đồ sộ những công trình lớn rực rỡ ánh hào quang. Lịch sử nghiên cứu văn hóa nghệ thuật, văn hóa dân gian Việt Nam sẽ mãi in đậm dấu ấn 3 chữ TÔ - NGỌC - THANH như một một tấm gương lớn về sống - học tập - lao động cống hiến không biết mệt mỏi đến tận phút chót!
Bùi Trọng Hiền