Giáo sư Nhiễu Nghị sinh năm 1962 tại huyện Nam Thành, TP Phúc Châu (Giang Tây, Trung Quốc), trong gia đình có truyền thống theo ngành y. Do đó, tham gia kỳ thi tuyển sinh đại học năm 1979, ông chọn Học viện Y Giang Tây (nay thuộc Đại học Nam Xương) để tiếp nối truyền thống gia đình. 

Vượt qua kỳ thi khắc nghiệt, ông trở thành tân sinh viên trường Y ở tuổi 18. Đỗ đại học danh giá, thời điểm đó, ông là tấm gương sáng ở huyện Nam Thành.

Nhiễu Nghị bước chân vào đại học trong sự mong đợi của mọi người. Ý thức được trách nhiệm của bản thân, chàng sinh viên 18 tuổi bắt đầu hành trình hiện thực hóa lý tưởng ngay khi vào trường.

Biết việc theo đuổi con đường y học là khó khăn, nên ông học tập chăm chỉ mỗi ngày. 4 năm đại học, chàng sinh viên gần như không có phút giây giải trí. Phần lớn thời gian, Nhiễu Nghị ở phòng thí nghiệm hoặc thư viện để nghiên cứu.

02-nhieu-nghi.jpg
Giáo sư Thần kinh học Nhiễu Nghị. Ảnh: Baidu

Tốt nghiệp đại học năm 1983, ông rời Giang Tây đến Thượng Hải học thạc sĩ. Năm 1985, sau khi nhận bằng thạc sĩ của Học viện Y Thượng Hải, Nhiễu Nghị sang Mỹ học tiến sĩ. Ông học ngành Khoa học thần kinh tại Đại học California (Mỹ). 

Quá trình học Nhiễu Nghị thực hiện nhiều nghiên cứu với các giáo sư của Viện Hàn lâm Khoa học Mỹ. Tại đây, ông tiến hành các nghiên cứu và thí nghiệm liên quan đến DNA và hệ thần kinh. Có cơ hội làm việc với các chuyên gia hàng đầu Mỹ về y khoa đã giúp ông tích lũy nhiều kiến ​​thức. 

Sau khi tốt nghiệp tiến sĩ năm 1991, ông được mời đến Đại học Harvard với vai trò là nhà nghiên cứu tại Khoa Hóa sinh và Sinh học phân tử.

Tại đây, ông tập trung nghiên cứu sự phát triển của hệ thống thần kinh, đặc biệt là quá trình hình thành khớp thần kinh. Năm 1994, ông đến Đại học Washington để giảng dạy tại Khoa Giải phẫu và Sinh học.

Năm 2004, ở tuổi 42, ông chính thức trở thành giáo sư Thần kinh học tại Đại học Northwestern. Đồng thời, ông cũng giữ chức Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thần kinh học của trường. Sau hơn 20 năm học tập, nghiên cứu và làm việc ở Mỹ, năm 2007, giáo sư quyết định về nước.

03-nhieu-nghi.jpg
Sau hơn 20 năm ở Mỹ, năm 2007, giáo sư Nhiễu Nghị quyết định về nước làm việc. Ảnh: Baidu

Ông cho hay, trước khi về đã cân nhắc nhiều yếu tố, trong đó có gia đình, sự nghiệp và quê hương. "Với tôi đây là sự lựa chọn đúng đắn và tất yếu". Lý do khác khiến ông về nước là do môi trường nghiên cứu. Ở Mỹ, bên cạnh những thuận lợi cũng có nhiều hạn chế.

"Để có được sự đột phá trong nghiên cứu khoa học tại đây rất khó. Vì nó bị ràng buộc bởi các nguyên tắc và quy ước nên không thể chệch khỏi khuôn mẫu", giáo sư cho hay. Ông cho rằng, nghiên cứu khoa học ở Trung Quốc được tự do sáng tạo, nhưng cũng có nhiều cơ hội và thách thức hơn.

Từ bỏ mức lương cao tại Đại học Northwestern, về nước năm 2007, ông được bổ nhiệm làm Viện trưởng Viện Khoa học Đời sống thuộc Đại học Bắc Kinh. Thời gian này, ông tiếp tục nghiên cứu về Sinh học thần kinh phân tử (Molecular Neurobiology) và Khoa học thần kinh hành vi. 

Năm 2011, được sự hỗ trợ của chính phủ Trung Quốc, ông tham gia thành lập Trung tâm Khoa học Đời sống Thanh Hoa - Bắc Đại (TPLSC). Đây là trung tâm liên kết giữa 2 đại học hàng đầu Trung Quốc, mục tiêu trở thành nơi nghiên cứu khoa học đời sống hàng đầu thế giới. 

Năm 2012, ông thành lập Viện Nghiên cứu Não IDG/McGovern tại Đại học Bắc Kinh. Đến tháng 6/2016, giáo sư được bổ nhiệm làm Giám đốc học thuật tại trường. 6 tháng sau, ông giữ chức Viện trưởng Viện Nghiên cứu cao cấp Hồ Tây Chiết Giang. Năm 2018, ông thành lập Trung tâm Nghiên cứu Não và khởi xướng giải thưởng 'Khám phá khoa học' với vai trò là nhà tài trợ. 

01-nhieu-nghi.jpg
Ở tuổi 57, ông được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng Đại học Y khoa Thủ đô (Bắc Kinh). Ảnh: Baidu

Với loạt đóng góp nổi bật có vai trò thúc đẩy sự phát triển của nền Y học nước nhà, tháng 6/2019, ông được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng Đại học Y khoa Thủ đô (Bắc Kinh). Hiện tại, đây là một trong những ngôi trường đào tạo Y học hàng đầu Trung Quốc. 

Để đạt được thành quả này, 5 năm qua, ông không ngừng thúc đẩy nhiều cải cách trong nghiên cứu khoa học và giảng dạy. Đến nay, ngoài giữ chức vụ hiệu trưởng ông còn là thành viên của Viện Khoa học Y học Trung Quốc.

Một số giải thưởng danh giá của giáo sư Nhiễu Nghị nhận được:

   Giải thưởng quốc tế

 - Giải thưởng Humboldt (2003): Giải thưởng khoa học danh giá nhất thế giới, đánh dấu những cống hiến phi thường của ông trong lĩnh vực Thần kinh học.

- Giải thưởng Fyssen (2005): Ông ứng dụng Vật lý vào nghiên cứu Y học để làm rõ cơ chế hoạt động của thị giác, thính giác và xúc giác.

- Giải thưởng Brain Prize (2011): Ông có đóng góp đột phá trong nghiên cứu cấu trúc và chức năng của não bộ, cụ thể là nhận thức và trí nhớ.

- Giải thưởng Kavli (2014): Ông là người tiên phong lĩnh vực nghiên cứu về nhận thức, trí nhớ và học tập.

  Giải thưởng trong nước

- Giải thưởng Quỹ Khoa học Quốc gia Trung Quốc (1998): Giải thưởng trao cho nhà khoa học trẻ xuất sắc.

- Giải thưởng Thanh niên Xuất sắc Trung Quốc (1997): Giải thưởng dành cho thanh niên có thành tích vượt trội trong nhiều lĩnh vực khác nhau.

- Giải thưởng Đột phá Khoa học và Công nghệ Trung Quốc (2006): Giải thưởng khoa học cao nhất của Trung Quốc.