- Thu hút nhân tài không thể dừng ở sự kêu gọi, mà đòi hỏi phải có hành động cụ thể theo hướng tích cực, trao cơ hội thăng tiến, giúp họ thực hiện thành công ý tưởng.
Ông Trương Nguyện Thành, người nổi tiếng sau câu chuyện “giáo sư quần đùi”, đã không được công nhận là hiệu trưởng Trường Đại học Hoa Sen vì “chưa đủ 5 năm làm quản lý ở cấp khoa/phòng” theo Điều 20 Luật giáo dục đại học của Việt Nam. Câu chuyện gây xôn xao dư luận khi một giáo sư được Mỹ công nhận với thành tích đáng kể lại không đủ tiêu chuẩn làm hiệu trưởng một trường đại học tư thục ở Việt Nam.
Đừng “trên trải thảm, dưới rải đinh”
Việc quy định điều kiện hay tiêu chuẩn cho từng vị trí là cần thiết ở mỗi tổ chức, cơ quan, đơn vị. Nhưng trong từng trường hợp cụ thể cũng nên quan tâm bản thân người được đề cử giữ vị trí đó có phẩm chất, đạo đức, uy tín khoa học, năng lực quản trị phù hợp để có thể mang lại những lợi ích thiết thực hay không thay vì một mực cứng nhắc chiếu theo quy định.
Ông Trương Nguyện Thành đã đạt những thành tựu nhất định được quốc tế công nhận. Ông là giáo sư, là tiến sĩ ngành hóa học và tính toán tại Đại học Minnesota, Mỹ, giành giải thưởng của Hội đồng Đại học Quốc gia Mỹ, từng là “một trong những nhà khoa học trẻ tuổi có nhiều triển vọng của Mỹ”. Ông được chính quyền TP.HCM mời về lập đề án thành lập Viện khoa học và công nghệ tính toán, sau đó tham gia giảng dạy, làm phó hiệu trưởng và một năm nay phụ trách Trường Đại học Hoa Sen.
Hội đồng quản trị trường này đã bầu ông giữ chức hiệu trưởng với số phiếu 16/18. Vậy nhưng ông vẫn không đủ tiêu chuẩn để được công nhận hiệu trưởng. Điều này cho thấy hội đồng quản trị nhà trường đã bị vô hiệu hóa bởi quyền lực của cơ quan nhà nước, trong khi Việt Nam đang hướng đến vai trò tự chủ giáo dục cho các trường đại học.
GS Trương Nguyện Thành mặc quần đùi trong giờ học về sáng tạo. Ảnh: Zing.vn |
Sự việc của ông Trương Nguyện Thành khiến nhiều người liên tưởng cách sử dụng nhân tài ở xứ ta chẳng khác nào “trên trải thảm, dưới rải đinh”, coi trọng thâm niên hơn năng lực. Điều này không những cản trở người tài giữ chức vụ trong ngành giáo dục, mà còn ảnh hưởng đến việc tìm người tài cho các tổ chức, cơ quan, đơn vị nhà nước. Xa hơn nữa, nó sẽ là rào cản với những trí thức du học sinh và Việt kiều mong muốn trở về đóng góp cho quê hương.
TP.HCM từng tiên phong trong sử dụng nhân tài, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo ở cơ quan nhà nước. Chẳng hạn, ông Lê Nguyễn Minh Quang, một người không phải đảng viên, chưa là công chức, chưa làm quản lý ở cơ quan nhà nước, Tổng giám đốc Công ty Bachy Soletanche Việt Nam, đã được bổ nhiệm giữ chức vụ Trưởng Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (tương đương giám đốc sở).
Lịch sử cho thấy nước ta từsớm đã có chủ trương thu hút và trọng dụng nhân tài, linh hoạt khi bổ nhiệm người giữ chức vụ quan trọng trong bộ máy nhà nước.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mời và trọng dụng trí thức ở nước ngoài về phục vụ đất nước như các ông Trần Đại Nghĩa, Tôn Thất Tùng… Người cũng quy tụ các nhân sĩ và trí thức kể cả của chế độ cũ phục vụ công cuộc kháng chiến, kiến quốc, điển hình là các ông Huỳnh Thúc Kháng, Bùi Bằng Đoàn, Nguyễn Văn Tố, Phan Kế Toại… Bằng sự chân thành và tin tưởng, Bác Hồ đã hướng các nhân sĩ và trí thức cống hiến tài năng, phục vụ cho đại nghĩa của dân tộc.
Từ xưa, ông cha ta có triết lý: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia”, “Chiêu hiền đãi sĩ”, “Tìm lẽ trị bình, lấy tuyển nhân tài làm gốc”. Tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám ở Hà Nội, trên tấm bia tiến sĩ có ghi: “Các bậc hiền nhân tài giỏi là yếu tố cốt tử đối với một chính thể. Khi yếu tố này dồi dào thì đất nước phồn thịnh. Khi yếu tố này kém cỏi thì đất nước suy yếu. Những người tài giỏi là một sức mạnh đặc biệt quan trọng đối với đất nước”.
Thu hút nhân tài không thể chỉ bằng hô hào
Hiện có nhiều người Việt Nam được đào tạo bài bản ở nước ngoài, đạt thành tựu nhất định trên trường quốc tế và đầy tiềm năng phát triển. Trong đó, có những người đang làm cho các tập đoàn nước ngoài, khi có điều kiện sẵn sàng đóng góp cho đất nước. Một quốc gia hơn 90 triệu dân như nước ta chắc không thiếu người tài, có chăng là thiếu cơ hội.
Người viết từng làm việc với một tập đoàn lớn của nước ngoài có nhiều du học sinh người Việt Nam. Khi được hỏi họ cũng cho biết, mong muốn làm việc cho cơ quan hoặc doanh nghiệp nhà nước, nhưng còn e ngại bởi những điều kiện và tiêu chuẩn mà họ không có. Nhiều nơi quy định làm quản lý phải là công chức, người được bổ nhiệm phải có lý lịch tốt, tham gia ban chấp hành hay cấp ủy, bằng cấp lý luận chính trị… Rồi đến những quy định bắt buộc có thâm niên như trường hợp ông Trương Nguyện Thành.
Ở đâu đội ngũ nhân tài cũng luôn là lực lượng lao động đặc biệt quan trọng trong tiến trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Trao cơ hội để người tài cống hiến phát triển chính là trực tiếp nâng tầm sức mạnh đất nước, bộ máy công quyền và các tổ chức xã hội, góp phần xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao.
Nhưng thu hút nhân tài không thể dừng ở sự kêu gọi, mà đòi hỏi phải có hành động cụ thể theo hướng tích cực, trao cơ hội thăng tiến, giúp họ thực hiện thành công ý tưởng. Đặc biệt, người sử dụng nhân tài phải vì lợi ích chung, có tầm có tâm với đất nước, có quyền quyết định và tự chịu trách nhiệm mà không bị ràng buộc bởi ý kiến chỉ đạo hay quy định chồng chéo nào khác, biết thuyết phục và bản lĩnh chấp nhận thử nghiệm những ý tưởng mới.
Nên chăng đã tới lúc dỡ bỏ các rào cản không còn phù hợp để người tài tham gia giữ chức vụ quan trọng. Ngoài ra cũng cần điều chỉnh cách thức tuyển dụng, chẳng hạn có thể tổ chức thi tuyển cạnh tranh chọn người để bổ nhiệm làm quản lý, điều hành. Trong lĩnh vực cụ thể là giáo dục đào tạo, trước tiên hãy bỏ bớt những rào cản về cơ chế, như cho phép hội đồng quản trị nhà trường được toàn quyền quyết định trong tuyển dụng và bầu bổ nhiệm và miễn nhiệm chức vụ hiệu trưởng.
Đỗ Ngô Trần
Bỗng dưng đỗ, bỗng dưng trượt, ‘bỗng dưng’ thành… Giáo sư
Có thể tạm hình dung ra bức tranh lớn hơn của ngành giáo dục xét ở góc độ chất lượng đào tạo, tuyển dụng và đạo đức của các nhà giáo và các nhà quản lý giáo dục.
"Giáo sư mặc quần sooc" và tính hai mặt của truyền thông
Biết đâu, khởi nghiệp sáng tạo của vị GS này ở Việt Nam lại có thành quả, bắt đầu từ chiếc quần .... sooc?
“Mợ không có tài nên mới phải làm quan”
Cho đến hôm nay, những ngày cuối của năm 2016, rất nhiều bậc cha mẹ, ông bà vẫn khuyến khích con cháu hiếu học mà không phải là hiếu làm.