
Đa số quốc gia mắc kẹt trong bẫy thu nhập trung bình
Tại tọa đàm, ông nhận xét rằng sự phát triển kinh tế của Việt Nam kể từ Đổi mới năm 1986 là rất ấn tượng, với mức tăng trưởng trung bình hằng năm đạt 6,6% trong giai đoạn 1986–2023. Thu nhập GDP bình quân đầu người đã tăng từ 238 USD năm 1985 lên 4.282 USD vào năm 2023. Việt Nam đã đặt ra mục tiêu đầy tham vọng trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045.
Trở thành quốc gia có thu nhập cao là khát vọng của Việt Nam cũng như của tất cả các quốc gia đang phát triển.
Tuy nhiên, đây là một tin không mấy vui cho Việt Nam: Tính từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai đến năm 2008, thời điểm Giáo sư Lâm nhậm chức Chuyên gia Kinh tế trưởng & Phó Chủ tịch Cấp cao của Ngân hàng Thế giới, chỉ có hai nền kinh tế trong số gần 200 nền kinh tế đang phát triển đã có bước nhảy vọt từ mức thu nhập thấp lên mức thu nhập cao.
Ngoài ra, cũng trong khoảng thời gian đó, chỉ có 13 nền kinh tế chuyển đổi thành công từ nước có thu nhập trung bình lên nước có thu nhập cao, phần lớn tập trung ở khu vực Đông Á.
“Phần lớn các quốc gia mắc kẹt trong bẫy thu nhập trung bình. Kết quả này thực sự đáng thất vọng”, ông nhận định.
Thực tế này rõ ràng là một thách thức không nhỏ đối với mục tiêu vươn lên thịnh vượng của Việt Nam trong 20 năm tới.

Mặc dù vậy, sau phần trình bày chi tiết, ông kết luận rằng: Bẫy thu nhập trung bình không phải là “định mệnh”. Nếu Nhà nước có những chiến lược và chính sách phát triển các ngành công nghiệp một cách hiệu quả, đúng tầm nhìn và dài hạn, thì GDP bình quân đầu người của Việt Nam hoàn toàn có thể tiệm cận mức thu nhập cao vào năm 2045.
Cần nhớ rằng, GDP bình quân hiện tại của Việt Nam tương đương với mức của Trung Quốc vào những năm 2005. Chỉ trong vòng 20 năm, nền kinh tế Trung Quốc đã có bước nhảy vọt, làm chủ công nghệ và chuyển đổi cơ cấu kinh tế thành công, với GDP bình quân đầu người năm 2024 đạt 13.873$, hoàn toàn có khả năng vượt ngưỡng thu nhập cao là 14.005$ ngay trong năm 2025.
Đó rõ ràng là lời động viên từ Giáo sư Lâm Nghị Phu, một trong những nhà tư tưởng kinh tế có ảnh hưởng của Trung Quốc hiện đại, với quan điểm kết hợp giữa thị trường và vai trò định hướng của nhà nước trong phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, để đưa ra lời động viên này, ông đã điểm qua các xu thế phát triển chính của thế giới hiện đại sau Thế chiến thứ hai.
Mô hình Kinh tế học Cấu trúc cũ (Structuralism) sau Thế chiến thứ hai
Sau Thế chiến thứ hai, nhiều quốc gia như Việt Nam đã giành lại độc lập từ các nước thực dân và trở thành các quốc gia đang phát triển. Vào những năm 50-60, các quốc gia này thường có thu nhập rất thấp và phải đối mặt thường xuyên với các vấn đề liên quan đến đói nghèo, lạc hậu và mất cân bằng cán cân thương mại.
Để phát triển nhanh chóng, họ đã cố gắng bắt chước cơ cấu của các quốc gia đi trước, như Mỹ hoặc Liên Xô, tập trung nhiều vào các ngành công nghiệp nặng, có tính thâm dụng vốn và công nghệ cao, cũng như nỗ lực thay thế hàng nhập khẩu bằng hàng sản xuất trong nước. Nhà nước đóng vai trò bảo hộ các ngành công nghiệp nội địa này thông qua các hàng rào thuế và thương mại một cách chủ quan, duy ý chí và thiếu tính chọn lọc hoặc chiến lược.
Tuy nhiên, kết quả lại không như mong đợi. Lãnh đạo các nước này dần nhận ra rằng khi đầu tư quá nhiều nguồn lực vào những ngành mà quốc gia đó không có lợi thế cạnh tranh, không có sự chuẩn bị về nguồn lực vốn, con người hay công nghệ, thì tăng trưởng chỉ đạt được trong một vài năm đầu.
Trong giai đoạn sau đó, sự trì trệ dần xuất hiện, các doanh nghiệp trong nước mất khả năng cạnh tranh, thậm chí dẫn đến khủng hoảng, gây áp lực lên ngân sách quốc gia và cán cân thương mại lại trở về tình trạng mất cân đối ban đầu. Châu Phi và Nam Mỹ đã từng áp dụng chính sách phát triển này. Tuy nhiên, sự thành công chỉ diễn ra trong vài năm nhờ chính sách bảo trợ và sự can thiệp của nhà nước. Sau đó, nền kinh tế trì trệ và khoảng cách thu nhập giữa các quốc gia đang phát triển và các quốc gia phát triển lại gia tăng. Mục tiêu ban đầu đã không đạt được. Có những quốc gia từng có sự khởi sắc nhưng rồi lại chững lại.
“Sự phát triển của họ không thực chất. Bài học từ họ chính là kim chỉ nam để chúng ta định hướng cho tương lai”, ông nói.
Chủ nghĩa Tân tự do những năm 70
Đến thập niên 1970–1980, một học thuyết mới hình thành từ các nhà kinh tế đến từ Đại học Chicago, Hoa Kỳ, nơi sản sinh ra nhiều nhà kinh tế đoạt giải Nobel nhất trên thế giới.
Theo lý thuyết kinh tế này, một trong những lý do khiến các nước nghèo không thể bắt kịp do chính phủ can thiệp quá nhiều vào thị trường. Ở nhiều quốc gia đang phát triển, chính phủ can thiệp quá sâu vào nền kinh tế, dẫn đến việc các nguồn lực và tài nguyên bị phân bổ không hiệu quả.
Từ đó, khuyến nghị của các nhà kinh tế là hãy tư nhân hóa, tự do hóa và bãi bỏ hoàn toàn các luật lệ kìm hãm sự hoạt động của thị trường ngay lập tức, để nền kinh tế ở các quốc gia đang phát triển vận hành tương tự như nền kinh tế ở các quốc gia đã phát triển như Mỹ hoặc châu Âu.
Chủ thuyết kinh tế này cũng được các tổ chức tài chính quốc tế áp dụng như kim chỉ nam suốt những năm 80, 90, và được gọi là Đồng thuận Washington (nơi đặt trụ sở của Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Bộ Tài chính Mỹ).
Nhiều nền kinh tế ở châu Phi, Đông Âu và Liên Xô đã áp dụng liệu pháp chuyển đổi theo “phương pháp sốc” này. Họ cố gắng cổ phần hóa, tư nhân hóa, bãi bỏ vai trò hỗ trợ, định hướng và giám sát của Nhà nước một cách tối đa và nhanh chóng nhất có thể, với hy vọng một nền kinh tế thị trường sẽ nhanh chóng hình thành và dẫn dắt toàn bộ nền kinh tế đi lên.
Tuy vậy, một nền kinh tế thị trường cạnh tranh lành mạnh đã không xuất hiện, thay vào đó là sự trì trệ, lũng đoạn và tham nhũng chính sách của các nhà tài phiệt, lợi dụng quá trình cổ phần hóa của Nhà nước để làm giàu cá nhân.
Môi trường đầu tư và thị trường tài chính cũng được mở cửa, tự do hóa một cách nhanh chóng, khiến hàng hóa và nguồn vốn từ các công ty nước ngoài đổ vào thị trường nội địa một cách mất kiểm soát, làm các công ty nội địa mất khả năng cạnh tranh.
Việc mở cửa vội vàng này đã dẫn đến hiện tượng giải công nghiệp hóa hàng loạt ở các nước châu Phi và Đông Âu gây suy yếu nội lực kinh tế và giảm khả năng chống chịu trước những đợt khủng hoảng tiền tệ, mà đỉnh điểm là cuộc khủng hoảng tài chính châu Á bắt nguồn từ Thái Lan những năm 1997-1998.
“Kỷ nguyên “tự do hóa” này còn gây ra nhiều mất mát hơn cho các nền kinh tế so với thời kỳ Nhà nước bảo hộ. Đó là bài học quan trọng mà chúng ta cần rút ra từ các mô hình phát triển duy ý chí trước đây”, ông nhấn mạnh.
Các con rồng châu Á
Cũng trong thời gian đó, mô hình phát triển của các quốc gia Đông Á như Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan đã chứng kiến nhiều “phép màu kinh tế”.
Các quốc gia và nền kinh tế này từng rất khó khăn, nhưng đã vươn lên mạnh mẽ, được gọi là những "con rồng châu Á". Họ là một trong số ít các quốc gia đã đuổi kịp các nước phát triển, nhưng lại không đi theo các mô hình hay lý thuyết chủ đạo vào thời điểm đó.
Thực tế, họ không tuân theo bất kỳ một mô hình cụ thể nào. Thay vào đó, họ nhìn thẳng vào thực tiễn và những khó khăn trong sản xuất để lựa chọn các ngành nghề và chiến lược hỗ trợ khác nhau trong các thập niên 1950, 1960, 1970 và vươn lên dựa trên các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và xuất khẩu.
Trong khi nhiều quốc gia khác cũng đã cố gắng bảo hộ quá mức các ngành công nghiệp non trẻ nhưng không thành công, chỉ có một vài quốc gia ở Đông Á đã làm được điều đó - bằng cách đi theo con đường riêng của mình, phối hợp nhịp nhàng giữa các công cụ của Nhà nước và thị trường để thúc đẩy các doanh nghiệp lớn mạnh. Các nhà kinh tế gọi đây là mô hình Nhà nước kiến tạo phát triển. Đến những năm 1980, 1990, các nền kinh tế này đã tạo ra sự thay đổi lớn.
Tóm tắt sơ lược các trào lưu phát triển kinh tế trên thế giới như trên, Giáo sư Lâm Nghị Phu tổng kết: “Rõ ràng là không có mô hình phát triển nào có thể áp dụng cho mọi nền kinh tế. Mỗi quốc gia nên tự tìm ra thế mạnh của mình và liên tục phát triển nó thành những lợi thế so sánh mới”.
Ông cho rằng, nền kinh tế thị trường cũng cần có những thể chế hỗ trợ để vận hành tốt và tạo ra cạnh tranh lành mạnh. Vì vậy, những quốc gia chuyển đổi tiệm tiến dựa trên thực tiễn của nước mình, liên tục cải cách thể chế để thị trường ngày càng vận hành đầy đủ sẽ thành công hơn những nước chuyển đổi dựa trên “liệu pháp sốc”. Ví dụ điển hình là Trung Quốc và Việt Nam. Khi vượt qua những rào cản ban đầu, hai quốc gia này đã tạo ra những thay đổi lớn trong nền kinh tế.
Trung Quốc, sau 45 năm cải cách, đã tạo ra sự khác biệt rõ rệt và hiện tại đã trở thành nền kinh tế lớn trên thế giới tính theo ngang bằng sức mua PPP. Việt Nam cũng là một trong những câu chuyện thành công, từ một quốc gia nghèo khó, bị bao vây và cấm vận đã vươn lên thành quốc gia có thu nhập trung bình, có quan hệ giao thương với tất cả các quốc gia trên thế giới.
Giáo sư Lâm tổng kết rằng, những quốc gia thành công là những nước có nền kinh tế thị trường, nhưng vẫn có vai trò tích cực và chủ động điều phối của Nhà nước, đặc biệt là trong giai đoạn đầu của phát triển. Một Nhà nước kiến tạo với vai trò điều phối chiến lược, sử dụng chính sách công nghiệp một cách linh hoạt và có mục tiêu rõ ràng là chìa khóa để Việt Nam và các quốc gia thu nhập trung bình thoát khỏi trì trệ và vươn lên nhóm nước thu nhập cao.
Ông cho rằng, khi Chính phủ đóng vai trò hỗ trợ đúng cách trong thị trường một cách hiệu quả, giúp chuyển hóa lợi thế so sánh tiềm ẩn thành hiện thực, thì Việt Nam hoàn toàn có thể tăng trưởng năng động, thậm chí nhanh hơn các nước phát triển.
Và đây là lý do chúng ta cần đến một khung lý thuyết phát triển kinh tế mới.
Kì tới: Giáo sư Lâm Nghị Phu và lời khuyên cho Việt Nam


Làm thế nào tăng trưởng ‘trên 10% trong 20 năm tới’?
