Giáo sư Mona Khoury, Phó Chủ tịch trường Đại học Hebrew tại Jerusalem (Israel) đã chia sẻ về tầm quan trọng của bình đẳng và đa dạng trong giáo dục.
"Chúng ta cần tạo cơ hội bình đẳng trong tiếp cận giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng cho tất cả người học dù có sự khác biệt về điều kiện kinh tế, vùng miền, ngôn ngữ, chủng tộc, tôn giáo...", Giáo sư Mona Khoury cho biết tại Hội thảo Đa dạng và Hoà nhập trong giáo dục đại học, do Đại sứ quán Israel tại Việt Nam và Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam tổ chức
Theo giáo sư, vấn đề kinh tế ảnh hưởng đến các sinh viên như thế nào?
Thực tế, khả năng kinh tế không phải là vấn đề lớn bằng nền giáo dục, sự hỗ trợ của cha mẹ, quan hệ cha mẹ-con cái, cộng đồng xung quanh. Dù bạn có sống trong một gia đình giàu có, nhưng môi trường xung quanh lại đầy bạo lực, tiền bạc cũng không ngăn được bạn trở nên bạo lực hơn so với những người khác.
Về hỗ trợ tài chính, tại Israel chúng tôi có một chương trình hỗ trợ quốc gia, trao học bổng chính phủ cho các nhóm thiểu số, như cho người Arab, người Ethiopia, người Chính thống giáo… Họ có thể nộp đơn, đáp ứng các điều kiện, dù số lượng có hạn, ngoài ra sinh viên cũng có thể nhận học bổng từ trường đại học.
Tại Việt Nam, có trẻ em thậm chí cha mẹ không khuyến khích đi học, nhưng nhiều em vẫn cố gắng đi học và đạt được thành công, bà đánh giá gì về vấn đề này?
Các em cần một ai đó để tin tưởng và chính những người đó mới là người sẽ giúp đỡ các em. Trong các nghiên cứu của tôi về bạo lực và phạm tội của thanh thiếu niên, chỉ cần một giáo viên ở trường học là đủ để giúp đỡ các đối tượng như vậy.
Họ nói nếu một người tin vào các em có thể sẽ khiến các em thay đổi. Đôi khi, trong gia đình, người như vậy là ông bà hay họ hàng chứ không phải cha mẹ. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, đó sẽ là người ở trường học bởi họ dành nhiều thời gian hơn với học sinh.
Nếu chúng ta kiên trì đưa các học sinh có hoàn cảnh như vậy tới trường, nhiều em nữa sẽ tiếp bước bởi họ tin rằng đã có những người đi trước trong cộng đồng của mình đạt được thành công, đã đổi đời. Ngày càng nhiều cha mẹ sẽ cho con đi học, sẽ có sự thay đổi mang tính thế hệ.
Nhắc đến sự đa dạng, có một đối tượng ít được nhắc tới là trẻ phạm tội và được giáo dục trong các trường giáo dưỡng. Vậy đâu là cách để các em hòa nhập trong môi trường trường học và xã hội?
Bạn cần cho các em nền tảng giáo dục để sau đó được vào đại học. Ở Israel, tài xế taxi của phải hoàn thành 12 năm học. Bạn phải chuẩn bị cho các em kĩ năng để kiếm việc làm trong tương lai.
Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của chúng tôi, phần nhiều các vấn đề phải được giải quyết trước khi vào trường đại học, trong cộng đồng, hệ thống giáo dục hay an sinh xã hội.
Ở Việt Nam, học sinh ở các vùng khó khăn như miền núi thường được cộng điểm trong các kì thi. Có ý kiến cho rằng việc này cũng tạo ra sự bất bình đẳng nhất định. Vậy kinh nghiệm của Israel trong vấn đề này là gì?
Israel cũng có cách làm tương tự. Theo luật, mỗi khoa ở đại học có thể nhận tới 5% số sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt khi còn học phổ thông. Không nhất thiết là vì năng lực kinh tế của các em, mà có thể là vì ai đó trong gia đình như cha mẹ các em qua đời, hay do các em mắc bệnh.
Chúng tôi xem xét những lí do ảnh hưởng tới điểm số của các em. Các em vẫn thi và lấy điểm. Tiếp đó chúng tôi mới tiếp nhận các em theo từng diện. Đó là một quá trình khách quan và trường đại học không liên quan đến việc cộng điểm của các em.
Nhưng chúng tôi coi đó là số lượng sinh viên bổ sung. Các em này không hề lấy chỗ của các sinh viên bình thường khác. Ví dụ trong ngành công tác xã hội, chúng tôi có 120 suất cho sinh viên mới và sẽ có thêm 6 suất nữa cho các em thiểu số. Các em buộc phải đáp ứng điều kiện đầu vào rồi mới được xét duyệt cho số lượng 5% đó.
Một điều hay của chương trình này là nó không chỉ áp dụng cho những nhóm nhất định. Trợ cấp hoàn toàn có thể dành cho học sinh nhà giàu nhưng gặp vấn đề về gia đình khi đang đi học phổ thông. Trong rất nhiều trường hợp, nếu bạn chỉ định hỗ trợ cho một nhóm riêng biệt, điều đó thực tế sẽ tạo ra nhiều sự phản đối. Bạn cần bao quát nhiều nhóm trong xã hội nhất có thể.
Theo bà, sự đa dạng hay sự bình đẳng quan trọng hơn trong cơ sở giáo dục?
Hai điều này có thể coi là ngang nhau. Nhưng theo tôi, bình đẳng là một điều rất quan trọng. Ở Việt Nam có nhiều sinh viên học sinh nghèo. Nếu các em vào đại học mà không được hỗ trợ, khoảng cách giữa họ và sinh viên giàu có càng rõ ràng hơn. Chúng ta cần phải hỗ trợ các em để họ thành công.
Hoài Sa