- Chủ đầu tư Le Mont Resort & Spa được quản lý, kinh doanh trong thời hạn 53 năm. Đổi lại, Vườn quốc gia Ba Vì được nhận 8 tỷ đồng (bình quân 150 triệu đồng/năm). Tổng diện tích đất rừng mà doanh nghiệp được sử dụng là 56,05ha.

Đó là những nội dung chủ chốt trong bản hợp đồng liên kết số 112 ký ngày 22/8/2008 giữa Ban quản lý (BQL) Vườn quốc gia (VQG) Ba Vì và Công ty TNHH Phát triển Công nghệ (CFTD).

Thời hạn sử dụng đất đến 2061

Hợp đồng có tên đầy đủ là “Hợp đồng liên kết kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái kết hợp bảo vệ và phát triển rừng”.

{keywords}
Le Mont Resort & Spa đã hoàn tất các hạng mục và chuẩn bị khai trương thì bị đình chỉ.

Trong nội dung hợp đồng, các quyền lợi, nghĩa vụ của bên A (BQL VQG Ba Vì) nhận được từ CFTD (bên B) gồm: 200 triệu đồng đóng góp chi phí ban đầu về việc sử dụng hạ tầng chung của Vườn (giao thông, cấp điện…). 

Trong thời gian xây dựng (3 năm, từ 2008-2011), CFTD sẽ được xây dựng và VQG Ba Vì sẽ bị hạn chế việc khai thác lợi ích từ diện tích này. Đổi lại, CFTD đóng góp bù đắp cho VQG Ba Vì 100 triệu đồng/năm (tổng 300 triệu đồng).

Trong thời gian liên kết kinh doanh (thời hạn 50 năm), VQG Ba Vì sẽ được nhận 150 triệu đồng/năm, tương đương 7,5 tỷ đồng.

Như vậy, tổng thời gian phía CFTD được quản lý, kinh doanh tại VQG Ba Vì là 53 năm. Tổng giá trị hợp đồng tròn 8 tỷ đồng. Thời điểm hiện tại, VQG Ba Vì đã nhận đủ số tiền trên từ chủ đầu tư và đã dùng vào việc bảo vệ, quản lý rừng.

Đổi lại, CFTD được chủ vườn bàn giao 53ha (khu vực độ cao 600m đến 700m) và 3,05ha ở độ cao 800m (bao gồm vật kiến trúc, rừng và đất lâm nghiệp). Tổng diện tích CFTD khai thác và sử dụng là 56,05ha, thời hạn 53 năm tính đến ngày 10/9/2061.

Không làm mất rừng?

Trao đổi với VietNamNet, ông Đoàn Hữu Thế, Phó giám đốc BQL VQG Ba Vì nói: “Đây là dự án quy mô lớn nhất từ trước đến nay tại khu du lịch sinh thái VQG Ba Vì”.

{keywords}
Khu nghỉ dưỡng 4 sao nằm trong khu vực VQG Ba Vì đã sắp đi vào hoạt động thì các cơ quan chức năng mới biết là 'xây không phép' sau khi báo chí phản ánh.

Theo ông Thế, các hạng mục, công trình từ trước đến nay mà VQG Ba Vì kinh doanh, khai thác du lịch do nhà nước đầu tư, đã xuống cấp và không đồng bộ.

“Phòng nghỉ cho khách qua đêm tại VQG Ba Vì ở tình trạng ẩm mốc, nhỏ hẹp. Thiết bị sử dụng hầu hết đã cũ kỹ, lạc hậu và không được tái đầu tư, nâng cấp. Nếu đánh giá hiệu quả khai thác, kinh doanh thì đúng là rất kém, không tương xứng với thế mạnh mà VQG Ba Vì đang có” - ông Thế nói.

PGĐ Vườn cũng nói thêm là "nếu như không có hợp đồng liên kết với CFTD, chưa biết đến bao giờ VQG Ba Vì mới có thể “xử lý” được những phế tích để lại từ các biệt thự đổ nát còn lại từ thời Pháp thuộc".

Hiện tại, trong khu vực cao độ từ 600m đến 800m, có khoảng 200 nền biệt thự cũ còn sót lại. Cỏ dại, cây bụi theo thời gian đã phủ lấp, trùm lên những nền móng cũ.

“Chủ đầu tư đã xây dựng, cải tạo khoảng hơn chục nền biệt thự cũ theo hợp đồng liên kết. Việc liên kết kinh doanh du lịch sinh thái với CFTD không làm mất quyền sở hữu của Nhà nước đối với tài nguyên rừng và các tài nguyên khác ở trên mặt đất và nằm dưới lòng đất tại VQG Ba Vì” - PGĐ Đoàn Hữu Thế phân trần.

Trả lời câu hỏi "ngoài số tiền 8 tỷ đồng mà VQG đã nhận được từ CFTD, VQG còn được hưởng lợi gì khi dự án này đi vào hoạt động", ông Thế nói: “Chúng tôi sẽ có thêm nguồn thu từ việc bán vé cho khách vào tham quan. Ngoài ra, khu nghỉ dưỡng này cũng mang lại nhiều công ăn việc làm cho lao động địa phương”.

Mục e, Điều 6 về Quyền và nghĩa vụ của bên B (CFTD) ghi tại hợp đồng liên kết giữa CFTD và VQG Ba Vì quy định:

Sau khi hoàn thiện công tác đầu tư, các công trình đưa vào khai thác sử dụng, sẽ áp dụng trích hoa hồng vé vào cổng đối với khách do bên B khai thác:

- Đoàn khách từ 15-30 người, tỷ lệ trích 10%.

- Đoàn khách từ 31-100 người, tỷ lệ trích 20%.

- Đoàn khách trên 100 người, tỷ lệ trích 30%.

- Đối với khách thuê lâu dài trên 3 tháng, bên B (CFTD) đăng ký với Vườn và thống nhất mức thu theo thỏa thuận, có thể thu theo quý hoặc năm.

Kiên Trung - Hoàng Sang