Việt Nam - thị trường TNE giàu tiềm năng
Giáo dục xuyên quốc gia (transnational education, viết tắt: TNE) mở ra cơ hội hội nhập cho sinh viên Việt Nam, hình thức nổi bật của TNE là đại học liên kết quốc tế, chương trình liên kết đào tạo... Rút ngắn khoảng cách, các rào cản địa lý trong chương trình học tập hiện đại, TNE là bước tiến quan trọng và cần thiết để đảm bảo chất lượng đào tạo nhân lực, phù hợp hơn với bối cảnh biến đổi toàn cầu hiện nay.
Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường TNE lớn thứ 3 ở Đông Nam Á đối với Vương quốc Anh với 7.125 sinh viên theo học (số liệu 2021) với con số tiếp tục gia tăng mỗi năm. Theo báo cáo “Hướng tới môi trường giáo dục quốc tế cạnh tranh hơn tại Việt Nam” do Hội đồng Anh thực hiện, Việt Nam đang cho thấy nhu cầu và sức chịu chi cao cho những tiêu chuẩn giáo dục tiên tiến; đồng thời có nhiều tiềm năng hợp tác giáo dục với Vương quốc Anh.
Tại Diễn đàn ThinkTNE tổ chức ngày 19/10/2023 ở Hà Nội, bà Donna McGowan - Giám đốc Việt Nam, Hội đồng Anh nhận định về sức cạnh tranh của Việt Nam trong lĩnh vực TNE so với khu vực: “Hiện nay, Việt Nam là một trong những thị trường giáo dục năng động và hứa hẹn nhất ở Đông Nam Á với nhu cầu giáo dục quốc tế mạnh mẽ. Thang đo về năng lực cạnh tranh của Việt Nam hiện được hình thành bằng cách so sánh khung pháp lý trong nước với 7 quốc gia khác tại châu Á. Trên cơ sở các quốc gia được chọn đáp ứng 2 tiêu chí (quy mô các chương trình TNE đang có trong nước; mức độ phát triển kinh tế và sự phát triển TNE tương đồng), Việt Nam đang giữ một vị thế nổi bật... Đặc biệt là trong các chính sách mở cửa cho hình thức chi nhánh đại học nước ngoài (international branch campus)”.
Nâng cao chất lượng giáo dục đại học
Đảm bảo chất lượng đào tạo quốc tế với chi phí dễ chịu hơn so với du học, hay còn được ví như “du học tại chỗ", giáo dục xuyên quốc gia không chỉ tạo điều kiện học tập rộng mở hơn cho sinh viên, mà còn góp phần thúc đẩy các tiến trình quốc tế hóa giáo dục, học tập và đào tạo trong nước.
Với sinh viên, việc tham gia vào các chương trình TNE đòi hỏi năng lực học tập quốc tế. Điều này có nghĩa, người học cần đảm bảo năng lực đầu vào với những chương trình học tập chất lượng ngay tại địa phương, trước khi thực sự tham gia vào TNE. Nhu cầu đăng kí theo học TNE tăng, sinh viên cần đáp ứng nhiều tiêu chuẩn cao trước khi tham gia TNE… đặt ra yêu cầu về chất lượng giảng dạy tại các địa phương, từ đó góp phần đổi mới tích cực trong công tác dạy và học thông thường.
Chương trình giáo dục xuyên quốc gia chỉ có thể được triển khai khi các đơn vị đào tạo trong nước “bắt tay” với các tổ chức giáo dục quốc tế uy tín. Thông qua tiến trình kiểm định chất lượng giảng dạy chặt chẽ, người dạy được trau dồi kĩ năng, các đơn vị giáo dục Việt cũng có cơ hội tích luỹ kinh nghiệm, nâng cao chương trình giảng dạy. Và đối tượng hưởng lợi từ sự thay đổi đó chính là người học và những thế hệ sau này. Theo bà Donna McGowan, để đong đếm về hiệu quả, những tác động tích cực của TNE lên người học, nguồn lực địa phương hay năng lực giáo dục địa phương cần thêm 5 -10 năm nữa.
Nhìn về cơ hội cải cách giáo dục trong tương lai, với quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Anh quốc, bà Donna đánh giá: “Kể từ năm 2019, thoả thuận hợp tác song phương giữa hai quốc gia và giữa Hội đồng Anh với Bộ Giáo dục và Đào tạo đã và đang tạo ra những khung chương trình toàn diện hơn cho TNE; trong đó việc kiểm định chất lượng là chủ đề được đặt lên hàng đầu. Việc kiểm định chất lượng hứa hẹn thu hút nhiều quan hệ đối tác quốc tế hơn nữa”.
Bên cạnh các khung chương trình đang được lên kế hoạch triển khai, hiện Hội đồng Anh đã phối hợp Cục Quản lý Chất lượng (thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo) thực hiện đối sánh hệ thống quản lý, nhằm nâng cao hệ thống đảm bảo chất lượng và kiểm định theo tiêu chuẩn quốc tế. Tư vấn chuyên môn cho hoạt động này được thực hiện bởi Tổ chức Kiểm định Đại học Vương quốc Anh (QAA). Hiện việc thí điểm tự đánh giá đã được hoàn thành tại 5 trường đại học Việt Nam.
Bích Đào