Bộ Nội vụ đưa quan điểm về chứng chỉ nghề nghiệp giáo viên
Vấn đề vẫn thu hút sự quan tâm của giáo viên là chứng chỉ chức danh nghề nghiệp được nêu trong chùm thông tư của Bộ GD-ĐT về việc bổ nhiệm và xếp hạng giáo viên.
Đầu tuần này, đại diện Bộ Nội vụ đã đưa ra quan điểm.
Ông Nguyễn Tư Long - Phó Vụ trưởng Vụ Công chức - Viên chức (Bộ Nội vụ) |
Ông Nguyễn Tư Long - Phó Vụ trưởng Vụ Công chức - Viên chức (Bộ Nội vụ) cho rằng Bộ Nội vụ không khẳng định được bỏ hay không mà việc này phải lấy ý kiến rộng rãi của những người trực tiếp chịu tác động.
Theo ông Long, Bộ GD-ĐT là cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành thì hơn ai hết Bộ này phải rà soát lại và phải có chính kiến về việc bỏ hay không bỏ, có cần hay không cần chứng chỉ này và lý do của việc bỏ hay giữ là gì. Vấn đề nếu bỏ đi thì cũng phải xác định rất rõ phương thức quản lý sẽ như thế nào?... Cụ thể, TẠI ĐÂY
Trong khi đó, một lãnh đạo Bộ GD-ĐT lại cho rằng, ngành giáo dục đã nhiều lần nỗ lực trong việc đề nghị được thay các chứng chỉ này bằng các chứng chỉ chuyên ngành nhưng đây là quy định của Luật Viên chức và Nghị định 101 của Chính phủ nên không thể làm khác được.
Cơ quan quản lý Nhà nước về giáo dục cũng vừa ban hành văn bản 'quán triệt' tới các Sở GD-ĐT về việc này. Văn bản được kí ngày 12/3/2021, sau gần 1,5 tháng chùm thông tư được ban hành gây xôn xao trong giáo giới. Xem TẠI ĐÂY.
Nữ sinh đánh nhau dã man và học trò 'hỗn chiến' như phim
Ngày 12/3, một clip dài hơn 6 phút lan truyền trên mạng xã hội, ghi lại cảnh một số nữ sinh đang học lớp 10 tại trường này đánh nhau dữ dội ngay trong lớp học. Sự việc được xác nhận xảy ra tại Trường THPT Phan Đăng Lưu (quận Bình Thạnh, TP.HCM).
Nhà trường đã mời công an, phụ huynh và các học sinh liên quan đến làm việc và sẽ có biện pháp xử lý nghiêm khắc.
Còn ở Hà Nội, ngày 6/3 cũng xảy ra vụ đánh nhau giữa 5 nữ sinh của Trường THCS Sen Phương (huyện Phúc Thọ). Nguyên nhân được xác định là vì tin nhắn qua lại trên Facebook. Trước đó, 5 học sinh này là một nhóm chơi với nhau.
Nữ sinh rường THPT Phan Đăng Lưu (quận Bình Thạnh, TP.HCM) đánh bạn ngay trong lớp học. Ảnh cắt từ clip. |
Ngày 11/3, Công an phường Tân Hòa (TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) cho biết đã vào cuộc điều tra, làm rõ các đối tượng xuất hiện trong clip đánh hội đồng 1 nam sinh lớp 8 được đưa lên mạng xã hội. Bị hại là em N.T.H., học sinh lớp 8/6 trường THCS Võ Trường Toản.
Khoảng 11h30 trưa 5/3, em H. vừa ra khỏi cổng trường thì bất ngờ bị 1 nhóm đối tượng bên ngoài trường lao vào dùng chân tay đấm, đạp tới tấp vào người.
Trong khi đó, tối 4/3, vì mâu thuẫn trên mạng xã hội Facebook, 2 nhóm học sinh ở Đắk Lắk hẹn nhau ra quán nước rồi lao vào hỗn chiến. Hiện còn một số học sinh trực tiếp tham gia đánh nhau đã bỏ trốn nên Công an TP Buôn Ma Thuột đang tiếp tục xác minh.
Cô giáo bị phạt 7,5 triệu vì uống bia cùng học trò
Sau khi xuất hiện đoạn clip quay cảnh một nhóm học sinh đang cùng cô giáo uống bia đăng tải lên mạng xã hội, các phụ huynh của Trường THCS (có con em mình) đã làm đơn gửi cơ quan công an.
Người cùng uống bia với học sinh và quay clip là cô Nguyễn Thị X., giáo viên chủ nhiệm lớp 9A6, Trường THCS Ngư Lộc (huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa).
Cô giáo cùng học trò uống bia và quay clip ở Thanh Hóa bị phạt 7,5 triệu đồng. Ảnh cắt từ clip |
Cơ quan công an đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với cô giáo Nguyễn Thị X. 7,5 triệu đồng về hành vi “cho trẻ em sử dụng rượu, bia, chất kích thích”. Hội đồng kỷ luật nhà trường sẽ họp kỷ luật và sẽ có hình thức kỷ luật đối với giáo viên này.
Một sự việc đáng tiếc xảy ra vào chiều thứ ba (9/10), một cô giáo tiểu học ở Bình Thuận ngã từ lầu 1 xuống sân trường. Cô bị gãy tay và rạn xương chậu, phải chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) để điều trị.
Trước đó, cô giáo đang làm việc với Ban giám hiệu nhà trường, phụ huynh và học sinh vì bị phản ánh dùng thước đánh học sinh, để lại vết lằn trên bắp tay. Tại đây, cô K. xác nhận có dùng thước đánh vào tay học sinh và nhận lỗi trước Ban giám hiệu, phụ huynh.
Tại Hà Nội, một số phụ huynh lớp 3D, Trường Tiểu học Trung Hiền (quận Hai Bà Trưng) cũng đã gửi đơn thư tố cáo cô giáo dạy Tiếng Anh của trường này có hành vi dùng thước sắt đánh học sinh nhiều lần.
GS trẻ nhất 2014 thừa nhận sai sót trong nghiên cứu
Lần đầu tiên để xảy ra điều tiếng trong nghiên cứu, GS Phan Thanh Sơn Nam, Trưởng khoa Kỹ thuật Hóa học, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM nhìn nhận đây là bài học 'xương máu' cho mình.
GS Phan Thanh Sơn Nam |
Trước đó, trang Bách khoa toàn thư mở Wikipedia có đăng tải bài viết liên quan đến GS Phan Thanh Sơn Nam, trong đó có nội dung tố ông gian lận kết quả nghiên cứu bằng cách tái sử dụng cùng một phổ cộng hưởng từ của cùng một lần đo cho nhiều kết quả khác nhau trong một số bài báo khác nhau không liên quan.
GS Nam xác nhận công bố của nhóm ông để xảy ra tình trạng phần phụ lục (SI) của bài có một số phổ NMR (phổ cộng hưởng từ hạt nhân, một phương pháp bổ sung quan trọng với hoá học hữu cơ) giống với NMR trong phần phụ lục của bài khác của chính nhóm này.
Lỗi này chỉ xảy ra trong phần phụ lục, phần thông tin hỗ trợ cho bài báo.
Hà Nội “chốt” môn thi thứ 4
Thứ 6 (ngày 12/3), Hà Nội công bố môn thi thứ 4 trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm nay là Lịch sử - kết thúc sự chờ đợi, nóng ruột của học sinh và phụ huynh.
Như vậy, học sinh thi vào lớp 10 ở Hà Nội năm nay sẽ dự thi 4 môn gồm Toán, Ngữ Văn, Ngoại Ngữ và Lịch sử.
Phụ huynh bên con trước giờ thi lớp 10 ở Hà Nội năm học trước. Ảnh: Thanh Hùng |
Ông Phạm Văn Đại, Phó Giám đốc phụ trách Sở GD-ĐT Hà Nội cho rằng: “Quan điểm của Sở GD-ĐT Hà Nội là thi 4 môn, trong đó 1 môn tự chọn công bố sau để học sinh học đều tất cả các môn, tránh chuyện vì thi cử mà học lệch, học tủ”.
Mặc dù vậy, nhiều ý kiến cho rằng việc công bố môn thi thứ 4 vào giữa tháng 3 là quá trễ khi chỉ còn 2 tháng nữa là tới kì thi. Và cách làm này có thể khiến học trò học một cách đối phó, nhồi nhét, học để chọn đáp án đúng thay vì yêu thích?
Hai bộ sách giáo khoa đột nhiên "biến mất"
Cũng trong tuần này, thông tin hai bộ sách giáo khoa sẽ không còn được phát hành ở lớp 2 là Cùng học để phát triển năng lực và Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục, đều của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã gây bất ngờ cho không ít giáo viên và phụ huynh.
Việc hai bộ SGK không còn tiếp tục được triển khai đã gây ra ý kiến trái chiều. Trong khi một số giáo viên và phụ huynh băn khoăn thì đại diện Nhà xuất bản Giáo dục VN, Vụ trưởng Vụ Tiểu học (Bộ GD-ĐT) và một số lãnh đạo Sở GD-ĐT nói điều này sẽ không ảnh hưởng đến việc dạy và học của lớp 2 năm học tới.
Huế thí điểm khôi phục môn "Nữ công gia chánh"
Huế khôi phục dạy 'nữ công gia chánh' |
Quyết định gây chú ý và nhận được nhiều tán đồng của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế. Theo đó, môn nữ công gia chánh bắt đầu được triển khai từ Trường THPT Hai Bà Trưng – ngôi trường từng mang tên Trường Đồng Khánh Huế, sau đó nhân rộng ra địa bàn toàn tỉnh.
Các học sinh THPT sẽ dạy về kỹ năng sống, hiểu biết về văn hóa, truyền thống lịch sử của dân tộc, giữ gìn nét đẹp văn hóa ẩm thực Huế.
Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM kiến nghị hàng loạt chính sách với giáo dục
Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Lê Hồng Sơn |
Cụ thể, kiến nghị Bộ Tài chính điều chỉnh Thông tư số 36/2018 về hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng CB-CC-VC. Trong đó, có quy định không chi kinh phí đào tạo, bồi dưỡng đối với viên chức.
Ông Sơn cũng đề nghị Bộ GD-ĐT sớm phối hợp tháo gỡ khó khăn về kinh phí tập huấn bồi dưỡng giáo viên theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018; Sớm sửa đổi Thông tư 16/2017 về ban hành danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong cơ sở giáo dục phổ thông công lập phù hợp với Nghị quyết 102 của Chính phủ về giải pháp đối với biên chế sự nghiệp giáo dục và y tế. Đặc biệt, quan tâm giáo viên các môn Tiếng Anh, Tin học, Công nghệ, Nhạc, Họa, Mĩ thuật,...
Đồng thời, có hướng dẫn bằng văn bản, làm cơ sở pháp lý xã hội hóa tổ chức dạy học 2 buổi/ngày; Điều chỉnh các quy định liên quan đến trường mầm non trong Thông tư số 13/2020.
Đối với UBND TP, Giám đốc Sở GD-ĐT cũng kiến nghị sớm giải quyết chế độ hỗ trợ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên các cơ sở giáo dục mầm non giữ trẻ ngoài giờ cho con công nhân tại Khu công nghiệp - Khu chế xuất; Tháo gỡ vướng mắc về tuyển dụng nhân viên y tế và kế toán trường học...
Phương Chi tổng hợp
Chuyển từ quản lý theo chứng chỉ sang quản lý theo thực tài
Then chốt thay đổi ở toàn bộ câu chuyện quản lý viên chức chính là chuyển từ quản lý theo văn bằng, chứng chỉ sang quản lý theo thực tài.