Thông tin mới đây về PAPI - chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam - chấm điểm tổng chất lượng trường tiểu học công lập ở TP.HCM năm 2015 thấp hơn so với năm năm trước, đang có những cách hiểu khác nhau.

Theo bà Đỗ Thanh Huyền - chuyên gia phân tích chính sách công, người trực tiếp tham gia chương trình PAPI hằng năm - có 14% ý kiến đánh giá rất tốt, 85% đánh giá tốt về chất lượng giáo dục tiểu học.

{keywords}

Tuy nhiên, kết quả khảo sát cho thấy mức tiến bộ về giáo dục tiểu học công lập TP.HCM từ năm 2011 - 2015 là không đáng kể.

Điểm đánh giá chung ở bậc tiểu học chỉ tăng 0,19 điểm sau 5 năm (đạt 1,87 điểm năm 2015, so với 1,68 điểm năm 2011). Chất lượng dạy học của trường tiểu học công lập cũng chỉ tăng 0,82 điểm sau 5 năm. Nhưng tổng điểm chất lượng trường tiểu học lại giảm 1,54 điểm sau 5 năm.

Cụ thể, theo PAPI, tổng điểm chất lượng trường tiểu học (đánh giá theo chín tiêu chí) năm 2015 là 4,09, trong khi 5 năm trước là 5,63.

Trong khi đó, Bộ GD-ĐT lại đánh giá tiểu học TP.HCM dẫn đầu cả nước.

Kết quả khảo sát của PAPI năm 2015 còn đưa ra các số liệu như có gần 100% những người được hỏi đánh giá trường lớp ở thành phố là kiên cố, 92% ý kiến cho biết trường học có nhà vệ sinh sạch sẽ, gần 100% học sinh có nước sạch để uống tại trường, 96% phụ huynh thường xuyên nhận được phản hồi của giáo viên về việc học tập của con em...

Nhưng có một dữ liệu gây tranh cãi trong các số liệu được đưa ra, đó là giá trị mà phụ huynh bồi dưỡng cho giáo viên (ban giám hiệu) trong khối trường tiểu học công lập - được gọi là những chi phí ngoài quy định – lên tới hơn 852.000 đồng/ học kỳ/ học sinh. Con số này đã tăng lên khá nhiều so với mức hơn 510.000 đồng của lần khảo sát năm 2011.

Băn khoăn về mẫu khảo sát

Theo đại diện của PAPI, mẫu khảo sát ở TP.HCM là 720 người, và 82% trong số này có ý kiến trả lời.

Với khảo sát về giáo dục tiểu học, 42% số người được hỏi hiện đang có con em trong gia đình đang học tiểu học.

Con số này khiến nhiều người trong ngành giáo dục thành phố khá băn khoăn.

Một cô giáo tiểu học ở Quận 1 cho biết: "Dù là một cuộc khảo sát nhưng bản thân tôi là giáo viên cũng rất buồn chứ không chỉ phụ huynh".

{keywords}

Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết, TP.HCM hiện có hơn 60.000 học sinh. Con số khảo sát bằng 1,2% số phụ huynh, là một tỷ lệ rất nhỏ. Vì vậy, không thể đánh giá chính xác giáo dục tiểu học của TP.HCM.

Ông Đạt cũng đặt câu hỏi, Papi cho rằng giá trị mà phụ huynh bồi dưỡng cho giáo viên (ban giám hiệu) trong khối trường tiểu học công lập - được gọi tên là những chi phí ngoài quy định - đến hơn 852.000 đồng/ học kỳ/ học sinh. “Con số này lấy đâu ra? Cụ thể như thế nào?”.

Trả lời những băn khoăn về con số 720, bà Đỗ Thanh Huyền cho biết số mẫu khảo sát ở TP.HCM gấp ba lần số mẫu của 57 tỉnh có dân số dưới 2 triệu người.

Bà Huyền khẳng định số lượng người được khảo sát và những tỉ lệ đã nêu sẽ không tác động gì đáng kể tới mức độ chính xác tương đối của kết quả khảo sát, vì các nhà chuyên môn đã cân chỉnh và tính toán số mẫu khảo sát khi xử lý số liệu.

“Nếu sử dụng cùng phương pháp luận, cách làm, nội dung bảng hỏi, đảm bảo tính độc lập, thì khi tiến hành 100 lần khảo sát sẽ có 95 lần lặp lại kết quả như vậy. Điều đó có nghĩa là độ tin cậy của khảo sát có thể đạt đến 95%” – bà Huyền khẳng định.

Theo bà Huyền, nếu TP.HCM sử dụng công cụ khảo sát của PAPI và giao cho đơn vị chuyên môn của thành phố khảo sát ở khắp 24 quận huyện, cũng sẽ cho ra kết quả tương tự như PAPI đã làm. “Vấn đề là cách làm và giám sát như thế nào để đảm bảo tính độc lập của khảo sát”.

Bình tính lắng nghe để điều chỉnh phù hợp

Bà Huyền cho biết rằng chương trình PAPI đặt người dân vào vị trí trọng tâm của quá trình phát triển, là “khách hàng” với đầy đủ khả năng đánh giá chất lượng phục vụ của Nhà nước và chính quyền các cấp, trong đó có giáo dục tiểu học.

“Khảo sát cho thấy giáo dục tiểu học ở TP.HCM phải đặt mình vào đòi hỏi và nhu cầu cao hơn của các đối tượng về tổ chức, chất lượng giảng dạy” – bà Huyền nhận định.

Trong khi đó, nguyên trưởng phòng giáo dục tiểu học, Sở GD-ĐT TPHCM, thì cho rằng đây là thực trạng của xã hội và giáo dục hiện nay.

“Con số chi phí phụ huynh bồi dưỡng cho giáo viên trong khối trường tiểu học công lập 852.000 đồng/ học kỳ/ học sinh có thể không chính xác, không phải mỗi người đều phải đóng chi phí này. Nhưng mong rằng từ khảo sát này giáo dục phải thay đổi phù hợp với thực trạng xã hội”.

Vị này nhận xét rằng “Chúng ta đã đi sau thế giới rất nhiều, nếu bằng lòng và dậm chân tại chỗ là tụt hậu”.

Về con số khảo sát 720 phụ huynh, ông cho rằng, là phải chấp nhận trong nghiên cứu khoa học. “Một nghiên cứu không thể khảo sát trên toàn bộ phụ huynh, học sinh. Vì vậy cơ sở của công bố này là từ một cuộc khảo sát chứ không có gì lớn”.

Tuy nhiên, theo ông, khi đã công bố kết quả đánh giá thì đó là vấn đề rất đáng lưu tâm.

Ông cũng cho biết, mỗi thời có những suy nghĩ và tư tưởng khác nhau. Vào năm 2008, Hội đồng nhân dân TP.HCM khảo sát thì giáo dục tiểu học thành phố đứng số một về sự hài lòng. Nhưng hiện nay quan điểm này đã thay đổi.

Là một người gắn bó với giáo dục tiểu học, ông cho rằng, khi công bố những số liệu này sẽ không ít người dân ngỡ là giáo dục tiểu học tồi tệ như kết quả của PAPI. “Nhưng trên thực tế giáo dục tiểu học không như vậy. Thành phố có rất nhiều người, nhiều trường, nhiều cá nhân âm thầm cống hiến, hi sinh.

Tất nhiên, có thể với người dân, họ không hiểu nên họ nhìn vấn đề này rất nặng nề. Nhưng người dân hãy yên tâm, bởi đây là một khảo sát để tìm hiểu thực trạng. Còn về phần mình, người quản lý cần lắng nghe, tìm hiểu để có những điều chỉnh hợp lý”.

Lê Huyền – Ngân Anh