Trong thời đại khoa học công nghệ phát triển như vũ bão, sự xuất hiện của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư thì đổi mới giáo dục, đào tạo không chỉ quan trọng mà còn trở nên bức thiết hơn, có ý nghĩa quyết định tương lai của mỗi dân tộc, mỗi quốc gia.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định như vậy trong phát biểu khai mạc Hội nghị Diễn đàn hợp tác (ASEM) về “Giáo dục sáng tạo và xây dựng nguồn nhân lực vì phát triển bền vững”, sáng 30/3, tại TP. Huế.

Đổi mới để tận dụng lợi thế

Phó Thủ tướng nhấn mạnh vị trí, vai trò quan trọng của giáo dục, đào tạo được coi là một trong 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc, nhưng 16 mục tiêu còn lại cũng có “bóng dáng” của giáo dục, đào tạo.

{keywords}

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội nghị Diễn đàn hợp tác (ASEM) về “Giáo dục sáng tạo và xây dựng nguồn nhân lực vì phát triển bền vững”. Ảnh: VGP/Đình Nam 

Còn đối với người Việt Nam, ai cũng biết câu nói “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”, “vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”. Và “dù cách nói, cách thể hiện khác nhau, nhưng dân tộc nào cũng coi sự học, sự nghiệp giáo dục là rất quan trọng và là quyết định cho tương lai của dân tộc mình, đất nước mình”.

Điều này càng trở nên quan trọng, bức thiết khi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư diễn ra với tốc độ nhanh hơn nhiều so với những cuộc cách mạng trước đây. Dẫn tới nhiều ngành sản xuất, nhiều phương thức sản xuất, nhân công sẽ phải thay đổi, bị đào thải, sẽ được thay thế bởi những ngành nghề mới, cách làm mới, nguồn nhân lực mới.

“Ai là người sẵn sàng cho sự thay đổi đó thì sẽ tận dụng được lợi thế, ngược lại sẽ tụt lại phía sau”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh và cho rằng đổi mới giáo dục, đào tạo hiện nay lại càng quan trọng, không chỉ với các nước đang phát triển, mà ngay cả với các nền kinh tế, giáo dục phát triển nhất.

Giáo dục, đào tạo đương nhiên sẽ phải tiếp tục sứ mạng của mình. Đấy là khai mở trí tuệ, bồi dưỡng nhân văn, để phát triển con người toàn diện về đức - trí - thể - mỹ; để mỗi người, mọi người (đặc biệt là những người nằm trong nhóm yếu thế) đều bình đẳng về cơ hội, được tiếp cận, được học tập suốt đời. Học để biết, để làm, để tồn tại, để chung sống.

Trong điều kiện hiện nay, Phó Thủ tướng cho rằng giáo dục, đào tạo, hơn lúc nào hết, cần khơi dậy niềm hứng khởi để học sinh, sinh viên, kể cả các thầy cô giáo, cùng tất cả mọi người đều đam mê học hỏi, tìm tòi cuộc sống, thế giới quanh mình; đam mê để nghiên cứu, tiếp thu, làm chủ tri thức, sáng tạo công nghệ mới, để lập thân, lập nghiệp, để cống hiến…

Cùng với đó là đòi hỏi phải xây dựng một thế hệ công dân toàn cầu có trình độ, ý thức trách nhiệm với cộng đồng, dân tộc, đất nước, với cả những vấn đề toàn cầu, với tương lai của văn minh nhân loại, của một thế giới ngày càng gắn kết và tùy thuộc lẫn nhau trước những thách thức gay gắt như khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia; biến đổi khí hậu, dịch bệnh mới…

ASEM thúc đẩy kết nối hai châu lục Á, Âu

Nhắc lại sự giao lưu mật thiết giữa châu Á và châu Âu, phương Đông và phương Tây trong suốt nhiều nghìn năm, không chỉ trong văn hóa, triết học, ngôn ngữ, mà cả ẩm thực, khoa học, công nghệ… Phó Thủ tướng chia sẻ: Nhiều người nói về sự giao lưu, dịch chuyển từ Đông sang Tây và ngược lại từ Tây sang Đông, nhưng cá nhân tôi muốn nhìn trái đất như vốn có, quay từ Tây sang Đông. Và vì vậy thì mọi sự dịch chuyển đều có ý nghĩa tuần hoàn.

{keywords}

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và các đại biểu dự Hội nghị Diễn đàn hợp tác (ASEM) về “Giáo dục sáng tạo và xây dựng nguồn nhân lực vì phát triển bền vững”. Ảnh: VGP/Đình Nam

Phó Thủ tướng đánh giá trong hai thập kỷ phát triển, ASEM đã đóng vai trò quan trọng kết nối các quốc gia, các doanh nghiệp và người dân ở hai châu lục Á, Âu vì hòa bình, hợp tác, phát triển bền vững, trong đó có các hoạt động thúc đẩy giáo dục và xây dựng nguồn nhân lực.

Nhiều sáng kiến, dự án về giáo dục, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực được các quốc gia thành viên khởi xướng, thúc đẩy như Trung tâm học tập suốt đời ASEM, các dự án của Quỹ Á - Âu, các sáng kiến về đổi mới giáo dục trong kỷ nguyên số, năng lực sáng tạo và khởi nghiệp… đã đem lại động lực, sắc màu mới trong quan hệ hợp tác và trong giáo dục, đào tạo.

Đặc biệt, tại Hội nghị cấp cao ASEM 11 năm 2016, các nhà lãnh đạo ASEM đã cam kết tăng cường hợp tác để thúc đẩy giáo dục, đầu tư vào phát triển nguồn nhân lực, tăng cường kỹ năng cho lực lượng lao động, nhất là thanh niên để khởi nghiệp và đảm bảo việc làm ổn định.

Cam kết rất chiến lược này không chỉ bảo đảm cho tương lai hợp tác ASEM ngày càng bền vững, hiệu quả; để các thành viên nắm bắt được thời cơ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư mà còn là đóng góp của ASEM cùng cộng đồng quốc tế thúc đẩy thực hiện các mục tiêu của Chương trình nghị sự 2030 vì phát triển bền vững.

Những nỗ lực và kết quả hợp tác ấy cần được thúc đẩy mạnh mẽ hơn, được nhân rộng hơn để đáp ứng yêu cầu phát triển khi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư diễn ra, khi thế giới ngày càng phẳng hơn, nhỏ hơn với nhiều thời cơ và cả những thách thức gay gắt hơn.

Phó Thủ tướng mong muốn Hội nghị tập trung thảo luận để đưa ra được nhận thức chung về tư duy, cách tiếp cận tổng thể, liên ngành về đổi mới giáo dục, đào tạo để thích ứng và tận dụng cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đồng thời vẫn đảm bảo tính bao trùm, công bằng, bình đẳng với nhóm yếu thế.

{keywords}

Ảnh: VGP/ Đình Nam

* Sau phiên khai mạc, Hội nghị sẽ có 4 phiên họp toàn thể thảo luận về các chủ đề: Vai trò của giáo dục và nguồn lực trong thế kỷ 21 vì mục tiêu phát triển bền vững; Cơ hội, thách thức và vai trò của các bên liên quan; Thực tiễn và bài học kinh nghiệm tại châu Á và châu Âu; Từ tầm nhìn đến hành động: Tăng cường hợp tác Á-Âu trong lĩnh vực giáo dục sáng tạo và xây dựng nguồn nhân lực vì phát triển bền vững.

Các diễn giả cùng đại biểu sẽ trao đổi về sự cấp thiết của đổi mới giáo dục, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vì phát triển bền vững trong thời đại công nghệ số; kinh nghiệm và các điển hình tốt về thúc đẩy giáo dục sáng tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt trong ứng dụng công nghệ thông tin, giáo dục xuyên quốc gia, đào tạo nghề, tự chủ đại học…; đề xuất biện pháp hợp tác cụ thể.

Các kinh nghiệm đổi mới sẽ được trao đổi, phân tích; nhiều sáng kiến khuyến nghị được đưa ra, nhất là liên quan tới các giải pháp thúc đẩy kết nối các trung tâm đào tạo, nghiên cứu, phát triển nhân lực trong ASEM và ASEM+, tăng cường  hợp tác công-tư, sáng tạo và chuyển giao công nghệ, nhất là công nghệ trong giáo dục, đào tạo, xây dựng xã hội học tập và đề xuất “Chương trình Nghị sự về kỹ năng ASEM thế kỷ 21”.

Trong phiên bế mạc, Hội nghị sẽ thông qua Báo cáo kết quả và các khuyến nghị để trình lên Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEM lần thứ 13 (Myanmar, tháng 11/2017), Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục ASEM lần thứ 6 (Hàn Quốc, tháng 11/2017) và Hội nghị Cấp cao ASEM lần thứ 11 (Bỉ, năm 2018).

Theo Đình Nam/ Báo điện tử Chính phủ