Quảng Ninh xác định, việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), số hóa, chuyển đổi số phải được triển khai quy củ ngay từ trường học. Những năm qua, Quảng Ninh được đánh giá là một trong những địa phương đi đầu cả nước về triển khai các hoạt động ứng dụng CNTT, chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.

Biến thách thức thành cơ hội

Được triển khai sớm từ năm 2009, đến nay, phần mềm quản lý văn bản trực tuyến trong ngành giáo dục đã giúp số hóa và xử lý 100% văn bản đi, đến trong ngành. 100% cán bộ, chuyên viên, nhân viên ngành giáo dục đều có tài khoản, có chữ ký số để truy cập và xử lý công việc. 

Sở GD&ĐT Quảng Ninh cũng đã hoàn thiện liên thông văn bản điện tử qua trục liên thông văn bản quốc gia với Bộ GD&ĐT, các cơ quan trung ương. Liên thông văn bản điện tử đến toàn bộ 13/13 phòng GD&ĐT và toàn bộ các trường THPT trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. 

Hiện tại, 13/13 phòng GD&ĐT, 89 trường học, cơ sở giáo dục các cấp cũng đã được trang bị hệ thống hội nghị truyền hình công nghệ video conference. 
Trong suốt thời gian dịch bệnh diễn biến phức tạp, ngành giáo dục đã đảm bảo việc thực hiện các cuộc họp, hội nghị, tập huấn quan trọng theo hình thức trực tuyến, đảm bảo tất cả các nội dung công việc cần triển khai trong ngành không bị gián đoạn, chậm trễ.

Ngành GD&ĐT tỉnh Quảng Ninh còn đầu tư hệ thống hạ tầng CNTT hiện đại cho 89 trường học theo mô hình ứng dụng CNTT nâng cao. Hệ thống này đã cho thấy hiệu quả vượt bậc trong thực tế thời gian qua khi toàn bộ cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên đã ứng dụng được tối đa phương tiện, thiết bị CNTT để tổ chức dạy học trực tuyến. 

Các học sinh ở TP. Hạ Long dùng máy tính trong một số bộ môn liên quan đến hình ảnh, mô hình đa chiều

Lồng ghép hiệu quả giữa dạy học trực tiếp và trực tuyến, qua đó, thực hiện được mục tiêu “tạm dừng đến trường nhưng không dừng việc học” trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 hoành hành. 

Việc ứng dụng CNTT, số hóa trong giáo dục đã và đang tác động tích cực, mang lại hiệu quả cao trong công tác quản lý, dạy học, phòng chống dịch trong các nhà trường. Qua đó, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, góp phần tạo đà để Quảng Ninh bứt phá trong phát triển KT-XH và trên tiến trình chuyển đổi số toàn diện giai đoạn tiếp theo.
 
Chuyển đổi số giáo dục đồng bộ, nhuần nhuyễn, hiệu quả

Theo Sở GD&ĐT Quảng Ninh, chuyển đổi số có thể phân thành 3 giai đoạn (số hóa - ứng dụng số hóa - chuyển đổi số). Hiện tại, giáo dục Quảng Ninh cơ bản đã triển khai xong bước 1 (số hóa), đang ở giai đoạn 2 (ứng dụng số hóa). 

Toàn bộ thông tin của 22.000 cán bộ giáo viên, 352.000 học sinh trên toàn tỉnh đã được cập nhật lên phần mềm trực tuyến (có nghĩa là toàn bộ học sinh theo học các trường mầm non, phổ thông đã được quản lý bằng phần mềm). Dữ liệu này đã được chuyển tự động sang cơ sở dữ liệu của Bộ GD&ĐT, Trung tâm điều hành thông minh của tỉnh. 

Học sinh trường THCS Lê Văn Tám, TP. Hạ Long chữa bài tập trên bảng thông minh

Toàn bộ các trường tiểu học, trung học trên toàn tỉnh đã sử dụng sổ điểm, học bạ điện tử thay thế hoàn toàn văn bản giấy. Đây là tiền đề rất quan trọng để chuyển sang bước tiếp theo, giai đoạn chuyển đổi số.

Đơn cử, TP. Hạ Long hiện có 120 trường từ bậc học mầm non đến THPT, trong đó có 21 trường ngoài công lập. Ngoài ra còn có 164 nhóm lớp mầm non độc lập tư thục, 49 trung tâm ngoại ngữ, 18 trung tâm kỹ năng sống, 33 trung tâm học tập cộng đồng.

Ngành giáo dục TP Hạ Long đã tập trung đổi mới phương thức dạy học, chuyển từ dạy học truyền thụ nội dung sang dạy học theo định hướng phát triển năng lực người học, giáo dục nhà trường gắn với giáo dục gia đình và cộng đồng. Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong quản lý và dạy học, sử dụng hiệu quả hệ thống phòng học thông minh.

Các học sinh sử dụng máy tính trong tiết học Toán của Trường Tiểu học Quang Trung, TP. Hạ Long

Tăng cường hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học, vận dụng các kiến thức liên môn vào giải quyết các vấn đề thực tiễn, áp dụng phương thức giáo dục STEM trong các bộ môn Khoa học, Toán, Công nghệ, Kỹ thuật.

Ngành giáo dục TP. Hạ Long triển khai cơ sở dữ liệu (CSDL) ngành, quản lý điểm, học bạ điện tử, sổ liên lạc điện tử và phần mềm quản lý dạy - học, e-leaming, e-library, quản lý các cơ sở giáo dục điện tử.

Triển khai, hoàn thiện các ứng dụng CNTT trong quản lý, điều hành điện tử, hạn chế việc sử dụng giấy tờ. Phát triển kết nối thông tin điện tử, xác thực điện tử, trường học điện tử, quản lý hồ sơ học vụ điện tử ở các cơ sở giáo dục. Nâng cấp hệ thống CNTT cơ quan phòng GD&ĐT thành phố.

Các trường học thực hiện tuyển sinh trực tuyến trên phần mềm (các Trường THCS Trọng Điểm, THCS Lý Tự Trọng, Tiểu học Trần Quốc Toản), kết hợp tuyển sinh trực tuyến với tuyển sinh trực tiếp (các trường tiểu học, THCS trên địa bàn các phường). Các trường thực hiện đánh giá đội ngũ: Chuẩn giáo viên, chuẩn cán bộ quản lý trên hệ thống TEMIS, nộp dữ liệu báo cáo cuối năm trên hệ thống CSDL ngành (Smart).

Đến nay, TP. Hạ Long được đầu tư 833 phòng học tương tác, phòng học thông minh tại 38 trường học phổ thông. Tiếp tục triển khai dạy và học với sự hỗ trợ của các thiết bị giảng dạy hiện đại thông qua mạng LAN, internet, phần mềm trên các phòng học tương tác, phòng học thông minh.

Phạm Công