- Thay vì nhìn vào thực tế, lắng nghe các ý kiến một cách cầu thị thì việc đầu tiên không ít trường làm là truy tìm người dám "vạch áo cho người xem lưng" là ai.

1. Câu chuyện của một phụ huynh ở Hải Phòng gửi báo và Bộ GD-ĐT dưới đây viết lên một thực tế xót xa. 

{keywords}
Ảnh minh họa.

Và đây là những dòng anh gửi lại cho chúng tôi: "Từ lúc gửi cho anh cái mail về việc đóng hơn 2 triệu đồng các khoản quỹ trên trời thì ngay hôm sau tôi có nhận được một giấy mời họp phụ huynh lần 3. Nội dung giấy mời họp là nói về việc học tập của các cháu. 

Hôm đó do bận nên tôi không đi họp được và vợ tôi có họp thay. Khi về vợ tôi kể rằng họp không phải nói về việc học tập của các cháu mà là để truy tìm anh quanghp1972 có thư gửi lên Bộ GD-ĐT, cũng may vợ tôi không biết mail này của tôi.

Tôi sợ lắm, sợ không phải vì mình mà sợ con tôi sẽ ảnh hưởng nếu họ biết mail đó do tôi gửi. Hôm đó về vợ tôi về cũng gay gắt lắm bảo bức thư đó hoàn toàn là đúng có gì đâu mà trường phải truy tìm lại còn bắt mọi người ký xác nhận vào tất cả khoản đóng góp từ đầu năm đến giờ ngoài các khoản chính còn đâu là tự nguyện.

Thấy vợ tôi kể nhiều phụ huynh cũng ý kiến từ đầu năm đến giờ thu gần 10 triệu đồng mà không có tờ phiếu thu nào thì cô giáo trả lời vấn đề này Ban giám hiệu quán triệt mọi người chỉ xem ở lớp và ký nhận vào sổ của cô, còn phiếu thu thì từ từ có thể cuối năm sẽ trả hết. Anh phải hết sức thông cảm cho tôi vì không cho số điện thoại được nó sẽ ảnh hưởng tương lai của con tôi. Ở trường này trước cũng có một phụ huynh sau khi khiếu kiện cũng phải xin con sang trường khác học".

2. Ngày 14/10, một giáo viên dạy THCS ở Hà Nội nước mắt ngắn dài tâm sự câu chuyện xót xa về việc chị bị lãnh đạo nhà trường trù úm. Nguyên nhân là cách đây khoảng 1 năm, chị đã đứng lên trước hội đồng sư phạm góp ý kiến về các vấn đề còn tồn tại, khuyết điểm trong quản lí, điều hành để kịp thời sửa chữa trong năm tới như vấn đề tổ chức câu lạc bộ ngoại khóa rồi sau đó có thông tin chuyện trường thu các khoản tự nguyện. Thay vì lắng nghe, tiếp thu để điều chỉnh trên tinh thần xây dựng thì điều chị nhận được lại là thái độ truy xét từ nhà trường.

"Nhiều lần trước hội đồng sư phạm, hiệu trưởng đặt câu hỏi "ai là người cung cấp chứng từ này cho tôi", tôi nói nhiệm vụ của đồng chí là giải thích và trả lời những thắc mắc mà tôi đã nêu ra cho thỏa đáng, tôi không kết luận là sai hay đúng nhưng tôi và nhiều người biết chuyện không hiểu nên nhờ hiệu trưởng giải thích công khai để mọi người cùng biết. Và tôi cũng không có trách nhiệm phải nêu tên người cung cấp. Tiếp đó, hiệu trưởng kết luận bằng một câu ám chỉ "trong nhà trường này có người thường xuyên ăn cắp và sư tầm những thứ này" - chị tâm sự.

Những ngày tiếp theo của cô giáo ở trường là sự ngột ngạt, bức bối khi chị nhận được những hành động được cho là không thân thiện.

Đầu năm học mới này, một câu chuyện lạ lùng đã xảy ra ở trường của giáo viên này. Theo đó, ngày 15/9/2015, chương trình Chuyển động 24h, Đài Truyền hình Việt Nam phát sóng phóng sự “Lạm thu đầu năm học: Câu chuyện chưa bao giờ cũ”. Nội dung chương trình đề cập tới một vấn đề mà cả xã hội đang quan tâm là các khoản thu đầu năm. Các giáo viên và phụ huynh được phỏng vấn trong chương trình đề cập tới những bất cập, sai phạm liên quan tới các khoản thu đầu năm tại các cơ sở giáo dục. Tuy nhiên họ không nói rõ cụ thể trường học nào.

Ekip thực hiện chương trình đã giấu hoàn toàn danh tính, che hình ảnh của những giáo viên, phụ huynh đã dũng cảm tham gia trả lời phỏng vấn để đảm bảo an toàn.

Tuy nhiên chiều ngày 17/9, hội đồng sư phạm nhà trường đã tổ chức họp khẩn cấp xem xét tư cách nhà giáo, tư cách Đảng viên đối với người giáo viên mà lãnh đạo trường này cho rằng đã xuất hiện trong phóng sự. Dù sự việc đang chờ thanh tra ngã ngũ nhưng sự việc như giọt nước tràn ly khiến người giáo viên sắp về hưu này cảm thấy thất vọng.

3. Một phụ huynh có con học ở Nam Định chia sẻ, hồi con trai vào lớp 1. Vì công tác xa nên chị Hà để cậu ấm cho ông bà chăm sóc. Nếu không có câu chuyện thắc mắc một số khoản thu đầu năm không đúng quy định thì con trai khởi đầu chặng đường học chữ êm đềm như bao bạn khác cùng tuổi.

Nhưng vì bà cháu đóng tiền đầu năm, trót thắc mắc một số khoản mà theo cách suy nghĩ của bà thì không đúng quy định. Một, hai lần không được cô giáo trả lời thỏa đáng - bà gọi cho cô con gái than phiền. Câu chuyện xuất hiện trên báo và lập tức trường Nam học vào... "cuộc điều tra". Dù không nêu tên lớp nhưng nhà trường khoanh vùng và truy đến cùng. Bản tính trẻ thật thà, ngây thơ nên cô chưa cần dọa dẫm cháu đã đứng phắt nhận...

Một cuộc cô lập bắt đầu bủa vây. Bà Nam nhớ lại "chỉ cần đưa cháu xuất hiện ở cổng trường là có những ánh mắt nhìn xéo, những ngón tay chỉ trỏ về phía mình như để trách móc...". Nhận được "chuyện chẳng lành" - bà bấm máy cho con gái (mẹ Nam) tìm cách để Nam không bị "cô lập" ngay từ những ngày đầu đến trường.

Buổi họp phụ huynh tôi đã kịp về dự. Buổi họp thay vì trao đổi thì trở thành "đấu tố" khi tất cả giáo viên và những phụ huynh đứng về phía nhà trường để "cô lập" những ý kiến được cho là ngược dòng. Mọi chuyện được xử lý khi tôi đề nghị cô giải trình về các khoản thu ứng với từng quy định cụ thể. Một số khoản chưa được phép lập tức được nhà trường đề xuất "vay" của phụ huynh.

Câu chuyện không chỉ giải tỏa thắc mắc của bà Nam mà tất cả phụ huynh có mặt ở buổi họp cũng gật gù. Nam không phải chuyển trường mà được sống hòa đồng cùng các bạn khi nhà trường cam kết "sẽ không đối xử bất công với cháu". Điều đó diễn ra đúng như cam kết...

Điều đọng lại, khi muốn có ý kiến ngược để bảo vệ lẽ phải thì bên cạnh việc kiên trì có cả hy sinh?

  • Văn Chung - Nguyễn Hiền (ghi)