Trong Chương trình Sức khỏe học đường giai đoạn 2021-2025, Chính phủ đặt ra mục tiêu 50% trường học thực hiện việc đánh giá phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ về bệnh không lây nhiễm, sức khỏe tâm thần cho học sinh; 100% học sinh được tuyên truyền, giáo dục về sức khỏe và nâng cao kiến thức phòng, chống bệnh, tật học đường, bệnh không lây nhiễm và sức khỏe tâm thần. 

Trong đó, Bộ Y tế được giao chủ trì hướng dẫn về phòng, chống các yếu tố nguy cơ và bệnh không lây nhiễm, sức khỏe tâm thần, sức khỏe sinh sản ở học sinh.

Bộ Y tế cho biết các bệnh không lây nhiễm phổ biến như tim mạch, tiểu đường, ung thư, đột quỵ... có chung 4 yếu tố nguy cơ, đó là: hút thuốc lá (hoặc thuốc lào); thiếu vận động thể lực; lạm dụng rượu, bia và chế độ ăn không hợp lý.

hutthuoc vnn.jpeg
Lạm dụng rượu, bia, thuốc lá, là hai trong 4 yếu tố nguy cơ gây bệnh không lây nhiễm như ung thư, đột quỵ, tim mạch, tiểu đường... 

Theo Tổ chức Y tế thế giới, rượu, bia là nguyên nhân trực tiếp của ít nhất 30 bệnh và là nguyên nhân gián tiếp của trên 200 loại bệnh tật, chấn thương (nằm trong danh mục phân loại bệnh tật quốc tế ICD10). Uống rượu, bia có tác hại tiềm tàng về sức khỏe và xã hội với cả người uống và người không uống, đặc biệt là đối với thanh thiếu niên.

Thanh thiếu niên, vị thành niên là giai đoạn chuyển tiếp từ trẻ em sang người trưởng thành, đang phát triển về thể chất, tinh thần, được xem là giai đoạn phức tạp nhất về tâm - sinh lý. Các hormone dậy thì của giai đoạn này kích hoạt các vùng đảm nhiệm chức năng cảm xúc, xã hội của bộ não đang phát triển, thúc đẩy hành vi của người trẻ tuổi...   

Theo điều tra sức khỏe học sinh trường học 2019, tỷ lệ sử dụng rượu bia ở nam trẻ vị thành niên (13-17 tuổi) là 24,6% (giảm so với 33,2% năm 2013) và ở nữ là 20% (tăng so với 17,6% năm 2013). Trong số đó, tỷ lệ đã từng uống say ở cả vị thành niên nam và nữ đều ở mức cao với 22,1% ở nam và 19,3% ở nữ.

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết việc sử dụng rượu, bia ở trẻ em và thanh thiếu niên gây hậu quả nghiêm trọng hơn đối với người lớn do não bộ của một người trưởng thành tiếp tục phát triển đến tuổi 25.

“Việc sử dụng rượu bia ở tuổi vị thành niên/thành niên có thể ảnh hưởng đến quá trình phát triển đó trong khi não bộ của vị thành niên đặc biệt dễ bị tổn thương bởi rượu bia. Đồng thời, tuổi sử dụng rượu bia càng sớm thì nguy cơ lệ thuộc rượu bia càng cao", bác sĩ Nguyên nói.

cap-cuu-cap.jpg
Không ít cơ sở y tế tiếp nhận các trường hợp học sinh vào viện cấp cứu vì uống rượu, bia quá nhiều. 

Rượu, bia để lại hậu quả trước mắt, như say rượu dẫn đến ngộ độc rượu, có hành vi bạo lực, chấn thương... Về lâu dài, uống rượu, bia sẽ gây lệ thuộc, mắc các bệnh mạn tính và gây ảnh hưởng đến cả phát triển thể chất và tinh thần khi trưởng thành.

Người uống rượu quá nhiều có thể dẫn đến động kinh, trầm cảm, rối loạn lo âu, quan hệ tình dục không an toàn, bạo lực,... từ đó ảnh hưởng tới bản thân, gia đình và xã hội.

Phụ nữ mang thai sử dụng rượu bia có thể dẫn đến hội chứng nhiễm độc rượu ở bào thai khiến cho trẻ sinh ra bị dị tật, chậm phát triển, tổn thương hệ thần kinh.

Uống nhiều rượu bia dẫn đến tổn thương gan, xơ gan. Từ đó khiến cho các tổn thương do virus viêm gan B, C; viêm tụy cấp tính hoặc mãn tính ngày một trầm trọng hơn. Nếu sử dụng rượu bia ở mức độ nhiều lại làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim, đột quỵ và tăng huyết áp, đái tháo đường.

Ethanol chứa trong rượu bia được xếp vào nhóm chất gây ung thư cao nhất. Loại ung thư điển hình do bia rượu gây ra là ung thư khoang miệng, họng, thanh quản, thực quản, gan, ung thư vú hoặc ung thư đại - trực tràng.

Không chỉ ảnh hưởng tới não, tim mạch, tiêu hóa, trẻ em dùng rượu, bia có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới chức năng các bộ phận khác như thận. Trẻ ở độ tuổi mới lớn nếu uống rượu, bia có thể bị rối loạn tuổi dậy thì và quá trình phát dục không bình thường ảnh hưởng đến chức năng sinh sản khi trưởng thành. Nguy hại hơn, rượu, bia còn làm suy giảm hệ miễn dịch của trẻ, phá vỡ rào chắn an toàn của cơ thể làm cho dễ bị mắc các bệnh nhiễm trùng cũng như các bệnh tật khác ngay khi còn nhỏ cũng như khi đã trưởng thành sau này.  

Mối liên quan giữa nghiện thuốc lá và rượuHút thuốc lá và uống rượu là hai hành vi thường đi song hành. Người nghiện thuốc lá nặng thường uống nhiều rượu, ngược lại 95% người nghiện rượu đồng thời cũng nghiện thuốc lá nặng.
Hồng Hạnh và nhóm PV, BTV