Góp ý tại phiên họp của Ủy ban Quốc gia Đổi mới GD-ĐT, Hội đồng quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực diễn ra chiều 26/7, cô Nguyễn Thị Nhiếp - Hiệu trưởng trường THPT Yên Hòa đã chỉ ra nhiều điểm còn hạn chế trong công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh ở các trường phổ thông hiện nay.

Theo cô Nhiếp, mặc dù ngành giáo dục đã có nhiều văn bản chỉ đạo về công tác giáo dục đạo đức, lối sống của học sinh nhưng các trường vẫn chưa xem trọng và chỉ coi đó như “một cơn mưa rào, ào lên một lát rồi tạnh ngay”.

Ngay cả đối với các cán bộ quản lý hay giáo viên cũng thiếu đi sự định hướng. Bởi vậy, họ không biết bắt đầu từ đâu, như thế nào, nhỡ sai thì làm sao, có được bảo vệ không? Do đó, cách an toàn nhất là làm cầm chừng hoặc không làm cho… yên tâm.

Phụ huynh, giáo viên, học sinh cũng không mấy quan tâm đến vấn đề này vì cho rằng thiếu tính thực dụng, không gắn với kiểm tra, thi cử,…

Các hoạt động đổi mới giáo dục, đặc biệt là giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh chưa gắn liền và chưa tương đồng với thi cử hiện nay. Vì thế các nhà trường dù rất quan tâm cũng khó triển khai và khó lan tỏa tới học sinh, phụ huynh. Nhất là vào những thời điểm thi, cha mẹ thường nói: “Thôi thôi cô ơi. Làm sao để các con tập trung vào học”. Các bậc phụ huynh lo lắng nếu như giáo viên cứ đầu tư vào hoạt động giáo dục thì con cái của họ sẽ có kết quả thi không tốt. Đây là một thực tế áp lực rất lớn đối với giáo viên.

Trước những thực trạng ấy, cô Nhiếp đã đưa ra các đề xuất cụ thể để giải quyết vướng mắc trên.                                                                           

{keywords}

Cô Nguyễn Thị Nhiếp - Hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa (Hà Nội), thành viên tổ tư vấn của Ủy ban quốc gia Đổi mới GD-ĐT 

Hoạt động đổi mới giáo dục, giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh cần phải gắn với thi cử ở tất cả các khối lớp.

Thực tế, các môn học  - dạy chữ đều có tổ chức kiểm tra, thi cử để vào đời, nhưng có môn cần như “dạy người" luôn phải "thi" suốt đời lại chưa được chú trọng.

Có thể khẳng định, giáo dục con người thành công sẽ tạo được kết quả trước cả kỳ thi tốt nghiệp THPT diễn ra. Còn giáo dục bất thành công là khi học trò đỗ với tấm bằng tốt nghiệp THPT nhưng vẫn ngơ ngác, bơ vơ và nông cạn trước nhiều cảnh huống. Ấy là vì các em bị thiếu hụt, không có những kỹ năng sống tốt cuộc sống của mỗi con người.

Ta thường nói, “học chữ song song với học làm người” hoặc “dạy người thông qua dạy chữ” chứ chưa tiếp cận theo hướng đạo đức là nền tảng của mọi môn học, không phải là môn học tách biệt. Học làm người mà chỉ đợi “cài theo”, “cõng cùng” các nội dung kiến thức thì dù quý nhưng chưa đủ.

Do vậy, cần phải có sự chỉ đạo và bắt đầu ngay ở tất cả các nhà trường. Giáo dục lối sống thực ra không thể làm là có ngay kết quả, mà cần quá trình và cần sự tham gia của nhiều lực lượng. Quan niệm chỉ học đạo đức, lối sống khi chương trình sẵn sàng, chờ đồng bộ… là sai lầm bởi qua mỗi một lứa học sinh là ta mất đi một thế hệ con người Việt Nam bị khuyết thiếu về đạo đức lối sống.

Bên cạnh đó, giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh phải bắt đầu từ những người thầy. Mặc dù tôi chưa là một hiệu trưởng tốt nhưng tôi luôn nỗ lực và cố gắng trở thành hiệu trưởng tốt trong mắt học trò, đồng nghiệp và phụ huynh học sinh.

Trải qua hai ngôi trường nhưng nhiều mô hình giáo dục khác nhau, điều tôi trăn trở là đa số các thầy cô, từ sâu thắm lòng mình đều mong muốn được làm việc, được cống hiến để trở thành những thầy cô giáo tốt. Tuy nhiên, tôi lại chưa tạo được động lực và cơ chế tốt để các thầy cô được khẳng định năng lực của mình và cống hiến.

Nhiều nhà trường, đa số thầy cô vẫn đang nỗ lực để làm tốt công tác giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh, nhưng thường là tự phát, chưa có kế hoạch, tổng kết, rút kinh nghiệm. Vì thiếu tính cụ thể, bài bản nên thường rơi vào tình trạng “mạnh ai nấy làm”, “không làm không sao”, “có thi đâu mà lo”. Vậy nên điều đầu tiên giờ đây là cần “thông suốt” nhận thức trong giáo viên.

Sẽ không thể có hiệu quả khi ta dạy đạo đức bằng cách giảng giải bởi đạo đức được hình thành qua rèn giũa và trải nghiệm, đặc biệt là khi nhìn thấy thầy cô làm.

Nhìn lại các khẩu hiệu trong mỗi nhà trường ta thường gặp như “5 điều Bác Hồ dạy”, “Tiên học lễ, hậu học văn”, “Thi đua dạy tốt – học tốt”, “Tất cả vì học sinh thân yêu”, “Mỗi thầy cô giáo là tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo”…. thiết nghĩ đến 5 phẩm chất của chương trình giáo dục phổ thông mới là “yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực và trách nhiệm”. Soi ngẫm lại, thành thật với chính mình, chúng ta thấy còn nhiều thầy cô giáo chưa thực hiện tốt các khẩu hiệu trên.

5 điều Bác Hồ dạy, lời đầu tiên là “Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào”. Thế nhưng khi nghe tiếng nhạc Quốc ca, thầy cô vẫn ngang nhiên đi trên sân trường thì thật khó để dạy học sinh rằng yêu Tổ quốc từ những hành động nhỏ nhất, đó là khi nghe nhạc Quốc ca ta dừng lại nghiêm trang nhìn lên lá cờ Tổ quốc và hát bằng cả trái tim mình.

Khẩu hiệu “Mỗi thầy cô giáo là tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo”, nhiều thầy cô mẫu mực từng giờ lên lớp, từng lời ăn miếng nói, mày mò tự học, hết sáng tạo này đến sáng tạo khác để có những bài giảng hay, hấp dẫn. Nhưng còn không ít thầy cô ngại tự học, hay chê bai và bàn lùi với đổi mới.

Có những thầy cô ngồi quán cafe hay đi chơi đâu đó, ngay lập tức mạng xã hội biết vì thầy cô chụp ảnh bằng những công cụ với hiệu ứng rất đẹp và hiện đại nhưng lại không biết ứng dụng CNTT để soạn bài.

Nghe chuyên gia, đồng nghiệp chia sẻ kinh nghiệm hay, dù lòng rất nể và thấy hấp dẫn nhưng lại không làm theo vì sợ bị đồng nghiệp khác chê cười "làm học giống"; thậm chí không muốn làm mà chỉ muốn xin sản phẩm của chuyên gia hay đồng nghiệp đi trước chia sẻ để thực hiện ngay.

Được phân công làm việc nhóm thì chỉ làm việc của cá nhân mình theo phép tính cộng mà không biết rằng làm việc nhóm còn là sự cộng hưởng, hỗ trợ nhau, sự lan tỏa ở mọi khâu.

Chúng ta sẽ không thể có học trò có đạo đức lối sống tốt nếu thầy cô chưa là tấm gương tốt từ kiến thức chuyên môn đến lối sống hằng ngày. Việc nêu gương đạo đức, lối sống chính là việc thầy cần trau dồi mỗi phút giây và trò cần học mỗi ngày nên thầy cô không thể trì hoãn.

Thúy Nga (Ghi)

"Giáo dục đừng tham nhồi nhét, lấy đi tuổi thơ của trẻ"

"Giáo dục đừng tham nhồi nhét, lấy đi tuổi thơ của trẻ"

-Chiều 26/7, các thành viên của Hội đồng quốc gia về nguồn nhân lực và UB Đổi mới giáo dục quốc gia của Chính phủ đã cùng thảo luận về vấn đề bức thiết: Giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh phổ thông.