Trong suốt sự nghiệp văn chương đồ sộ của mình, Romain Gary đã ghi dấu ấn với hơn 30 tác phẩm thuộc nhiều thể loại, từ tiểu thuyết, truyện ngắn, tiểu luận cho đến hồi ký. Đặc biệt, ông là người duy nhất trong lịch sử văn học Pháp hai lần được vinh danh giải Goncourt - giải thưởng văn học danh giá bậc nhất - với hai tác phẩm Rễ trời Cuộc sống ở trước mặt.

Dù có sự nghiệp lẫy lừng và đa dạng như vậy, nhưng vẫn có thể khẳng định Giáo dục châu Âu là một trong những tuyệt tác sáng chói nhất của Romain Gary.

Đặc biệt, Giáo dục Châu Âu nằm trong danh sách tác phẩm lọt vào chung khảo Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ VII năm 2024 ở hạng mục Sách Văn hóa, Văn học và Nghệ thuật.

Số phận độc đáo của tác giả

Romain Gary, giống như Irène Némirovsky - tác giả Giao hưởng Pháp, là người Do Thái gốc Ba Lan, nhập cư vào Pháp và trở thành nhà văn viết bằng tiếng Pháp.

Tuy nhiên, Gary khác Némirovsky ở chỗ, ông không chỉ là nhà văn mà còn là một chiến binh, trực tiếp tham gia cuộc kháng chiến chống phát xít Đức. Giáo dục châu Âu (NXB Khác - FORMA publi) là câu chuyện về những người du kích Ba Lan chiến đấu chống quân đội Đức chiếm đóng. Janek, nhân vật chính, từ một cậu bé ngây thơ bị bỏ lại trong rừng, đã trưởng thành qua sự tàn khốc của chiến tranh, trở thành một chiến binh thực thụ.

Giữa những chuyến bay đầy hiểm nguy, trong những đêm dài của cuộc chiến, tác giả đã cặm cụi viết nên Giáo dục châu Âu. Được viết dưới ánh đèn mờ của các trại không quân, cuốn tiểu thuyết đã trở thành lời ca ngợi đầy bi hùng về tinh thần kháng chiến và sự khát khao tự do của cả một lục địa đang chìm trong chiến tranh.

z5898052624617_1ca5a4b699eb1174b4e952f2ced8dfb2 ok.jpg
 "Giáo dục Châu Âu" nằm trong danh sách tác phẩm lọt vào chung khảo giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ VII năm 2024.

Mẫu mực của tiểu thuyết chiến tranh hiện đại

Cuốn sách không chỉ là câu chuyện về sự trưởng thành của Janek mà còn chứa đựng những nỗi đau tột cùng và suy ngẫm về văn minh châu Âu cùng khát vọng hòa bình. Những câu hỏi của Janek về số phận của con người vang lên như tiếng vọng của một kỷ nguyên đầy đau khổ.

Tại sao nền giáo dục và văn hóa châu Âu lại có thể sản sinh ra "quái vật" Quốc xã, đẩy con người đến tận cùng của sự đau khổ và man rợ? Và làm thế nào con người có thể tái tạo lại nhân tính sau những tàn phá bất khả vãn hồi ấy - Đây chính là suy tư lớn của Gary về mặt trái của một nền văn minh rực rỡ. 

Mặc dù Giáo dục châu Âu là tác phẩm của một người lính viết trong bối cảnh chiến tranh, nhưng cái nhìn mà Romain Gary mang đến không hề giản đơn hay bị ràng buộc bởi những phân chia nhị nguyên thường thấy như chính nghĩa và phi nghĩa, lẽ phải và tội lỗi, chúng ta và kẻ thù.

Không ít trang cảm động nhất của Giáo dục châu Âu, tương tự như Giao hưởng Pháp của Némirovsky, viết về người lính Đức và cái chết của họ - những cái chết không kém phần đau đớn và bi thảm so với đội quân kháng chiến. 

z5897355145311_50a6ff25dc10de621a8f97aa0b3a8695.jpg

Đáng chú ý, Gary không chỉ khắc họa chiến tranh tàn khốc từ góc độ của lực lượng kháng chiến mà còn dành nhiều trang sách đầy nhân ái và tinh tế cho những người bị buộc phải cộng tác với Đức.

Chính nhờ cái nhìn phức tạp và thấm đẫm chất nhân văn đó, Giáo dục châu Âu trở thành tác phẩm mẫu mực cho thể loại tiểu thuyết chiến tranh hiện đại - nơi mà sự phân biệt thiện ác không còn đơn giản, và nhân tính mới là yếu tố cứu rỗi cuối cùng của con người.

Ảnh: FORMA publi