|
Chuyển từ giao dịch truyền thống sang online vẫn đang gặp khó vì nhiều rào cản. Ảnh: P.M |
Rào cản tâm lý và khả năng bảo mật
Nói về những nguyên nhân khiến giao dịch điện tử đến thời điểm tháng 3/2009 vẫn “ì ạch”, ông Nguyễn Toàn Thắng - Phó Thống đốc NHNN Việt Nam nhận định: Thanh toán trực tuyến qua Internet vẫn chưa tạo được sự tin tưởng đối với người tiêu dùng trong nước. Hơn nữa, thói quen sử dụng tiền mặt cũng là yếu tố kìm hãm sự phát triển, phần lớn khi kí kết hợp đồng vẫn quay về hình thức dùng giấy tờ. Còn ông Trần Nguyên Vũ – Phó Cục trưởng Cục tin học và Thống kê tài chính, Bộ Tài chính - cho rằng: Người dân Việt Nam vẫn còn nặng tâm lý lo ngại với TMĐT như lo lắng không biết khi đặt lệnh mua, chuyển khoản rồi có nhận được hàng không, thậm chí còn lo tài khoản sẽ bị ngân hàng trừ một cách đáng ngờ nên phải tra cứu số dư thường xuyên…
Bên cạnh đó, hàng loạt những vụ hacker nội địa bẻ khoá, đột nhập vào các website, máy chủ để đánh cắp thông tin cá nhân, thẻ tín dụng để mua bán xuyên quốc gia ngày càng phổ biến (điển hình là các vụ đã bị cảnh sát triệt phá gần đây như vụ Nguyễn Ngọc Lâm ở Thái Nguyên với biệt danh trên mạng “Shanaka”, “Migawa” đã đánh cắp thông tin từ hàng ngàn thẻ tín dụng để bán cho các tổ chức tội phạm ở Anh để thu lời bất chính 35.000 USD; Nguyễn Ngọc Thanh biệt danh “cwseller” kiếm được 190.000 USD cũng từ việc đánh cắp và bán thông tin thẻ tín dụng…) càng khiến cho người sử dụng giao dịch trực tuyến e ngại về khả năng mất tiền… oan do tính bảo mật của các nhà cung cấp dịch vụ yếu kém.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Vân, Trưởng phòng An ninh thông tin, Trung tâm CNTT Ngân hàng Techcombank, cũng lưu ý một vấn đề khác làm giao dịch điện tử phát triển chậm chính là tính sẵn sàng của dữ liệu. Ví dụ thời gian qua có một số công ty chứng khoán cho phép các nhà đầu tư giao dịch trực tuyến dữ liệu và tài khoản của nhà đầu tư được bảo vệ tốt nhưng hạ tầng kỹ thuật của hệ thống công ty chứng khoán không mạnh nên đến thời điểm giao dịch quan trọng, nhà đầu tư không thể đặt được lệnh do nghẽn mạng. Như vậy, nếu như tính sẵn sàng của hệ thống và dữ liệu không được đảm bảo thì nhanh chóng làm mất lòng tin ở nhà đầu tư.
Khuyến mãi “kích” mua sắm online
Theo thông tin từ Bộ Công thương, hiện nay tại Việt Nam có khoảng 38% doanh nghịêp trong nước có website riêng và hơn 93% đã kết nối Internet để phục vụ sản xuất, kinh doanh; 25% dân số - tương đương với gần 20 triệu người sử dụng Internet. Bên cạnh đó, liên minh thẻ Smartlink, Banknetvn của hệ thống các ngân hàng lớn như Vietcombank, BIDV, Agribank, Vietinbank… ngày càng phát triển mạng lưới đang cho phép giao dịch trực tuyến diễn ra thuận tiện.
Chính sách khuyến mãi cũng đang tạo thêm “đà” để thúc đẩy mua hàng online. Phó Cục trưởng Trần Nguyên Vũ nhận định: Tại một số trang kinh doanh hàng gia dụng như Picoplaza.com.vn hiện nay đang áp dụng chính sách giảm giá, khuyến mãi, ưu đãi hơn dành cho khách hàng mua sắm online so với cách mua hàng trực tiếp truyền thống. Tôi cho rằng, trước thực tế người dân Việt Nam bắt đầu quen với việc dùng thẻ ATM, Credit card…, hình thức khuyến khích mua sắm online rất hiệu quả. ông Vũ cũng đưa thêm một ví dụ về trang web cho phép giao dịch chứng khoán online, nhiều khi tìm hiểu qua web còn tốt hơn cả người lên sàn vì trên trang web còn có mục tư vấn, giúp những nhà đầu tư không chuyên có thể dễ dàng tham khảo, nhận định tình hình để đưa ra hướng đầu tư hợp lý. Như vậy, điều quan trọng là các nhà cung cấp dịch vụ cần biết cách quảng bá sự ưu việt của TMĐT để người dân dễ dàng nhận biết.
Tìm hiểu kĩ giao dịch an toàn
Từ kinh nghiệm bảo mật tại một ngân hàng đang phục vụ gần 500.000 khách hàng cá nhân và hơn 20.000 doanh nghiệp như Techcombank, ông Nguyễn Văn Vân khuyến cáo: Để chiếm ưu thế trên thị trường và thu hút khách hàng, các ngân hàng đang chạy đua cung cấp các sản phẩm, dịch vụ tiện ích tới khách hàng, do đa số các dịch vụ đó dựa trên nền tảng công nghệ nên nguy cơ về bảo mật cũng tăng theo. Hình thức lừa đảo phishing ngày càng trở nên phổ biến và gây thiệt hại lớn cho người tiêu dùng. Về phía các đơn vị triển khai dịch vụ thương mại điện tử, nếu như dữ liệu không được mã hoá (dữ liệu nhạy cảm lưu trữ trong hệ thống, laptop, qua trao đổi e -mail) sẽ tiềm ẩn nguy cơ gây lộ các thông tin kinh doanh, dữ liệu khách hàng…
Ông Vân lưu ý những người thường xuyên thanh toán trực tuyến cần lưu ý hạn chế đến mức tối thiểu thực hiện bằng các máy tính, mạng wifi công cộng. Đồng thời, chuyện tìm hiểu kĩ lưỡng về các phương thức bảo vệ chính mình như dấu hiệu nhận biết website giả mạo, các hình thức thanh toán, địa chỉ khiếu nại… cũng không được xem nhẹ. Cần lựa chọn giao dịch với các cơ sở đáng tin cậy, lựa chọn phương thức thanh toán thích hợp để giảm thiểu rủi ro, như dùng ví điện tử giá trị nhỏ, chỉ chuyển tiền vào ví điện tử ngay trước khi thực hiện thanh toán…
Đọc toàn bộ bài viết trên báo Bưu điện Việt