
Làm dâu, làm mẹ, tôi luôn cố gắng chu toàn mọi vai trò. Nhưng có những lúc, tôi thấy mình kiệt sức, bất lực trước những điều tưởng chừng rất nhỏ như chuyện gửi con đi nhà trẻ.
Từ khi con trai được 18 tháng tuổi, tôi đã muốn gửi con vào nhà trẻ nhưng mẹ chồng xót cháu, không đồng ý. Tôi hiểu bà mến tay mến chân do chăm cháu từ 3 tháng tuổi.
Ban đầu, tôi rất biết ơn bà đã từ quê ra chăm cháu. Nhờ có bà, tôi sớm tập trung vào công việc sau thời gian nghỉ thai sản. Nhưng về sau, tôi nhận ra việc bà giữ cháu có nhiều vấn đề.

Mẹ chồng tôi đã ngoài 70, sức khỏe không còn tốt, trí nhớ giảm sút, tay chân chậm chạp. Có lần tôi đi làm về sớm, thấy con đang chơi một mình, đi vệ sinh tràn ra cả bỉm, còn bà ngủ gật trong phòng.
Lần khác, bà mải buôn chuyện điện thoại để mặc cháu bò và đụng đầu vào chân bàn. Va chạm khiến đầu con sưng to, bầm tím. Tôi phải đưa đi viện chụp chiếu, thăm khám đủ kiểu.
Nhiều lần, tôi dặn mẹ chồng không nên nêm cháo quá mặn nhưng bà vẫn làm theo ý mình. Con tôi còn nhỏ nhưng bà ăn gì cũng đút cho cháu. Tôi bảo như vậy rất mất vệ sinh thì bà khóc, tủi thân.
Tôi góp ý nhẹ nhàng thì bà nói tôi lo lắng thái quá. Bà còn bảo: “Mẹ nuôi tận 4 đứa con, trong đó có cả chồng con nữa đấy. Đứa nào cũng béo ú, khỏe như trâu”.
Tôi tâm sự với chồng nhưng anh về phe mẹ, bảo tôi suy nghĩ quá nhiều. Anh nói, chuyện trẻ con đi vệ sinh tràn bỉm hoặc u đầu rất bình thường. Bà bỏ việc ở quê lên chăm là phúc, không nên nói ra nói vào.
Những lúc mẹ chồng than mệt, tôi thường tranh thủ đề cập đến việc cho con đi nhà trẻ để bà nghỉ ngơi. Thế nhưng, bà đùng đùng nổi giận, cấm tôi cho cháu đi học khi con quá nhỏ.
Thuyết phục mẹ chồng không được, tôi thủ thỉ với chồng: “Mình nên cho con đi nhà trẻ để bé có môi trường sinh hoạt đúng giờ giấc, được học hỏi, vui chơi cùng bạn bè”.
Chồng không thấu hiểu còn quay ra trách tôi vô ơn, coi thường và chê mẹ chồng nhà quê. Anh còn bảo tôi “ham việc, bỏ con”.
Suốt 6 tháng qua, tôi vừa buồn, vừa tức. Thực tế, tôi cũng không nỡ gửi con vào nhà trẻ quá sớm nhưng giữa việc cho con đi học và để bà nội trông thì tôi không an tâm khi cháu ở với bà.
Mỗi ngày đi làm mà lòng tôi cứ như có lửa đốt, không biết hôm nay con có bị té không, có ăn được không, có sốt không…
Có lúc tôi tự hỏi, có phải tôi quá ích kỷ? Nhưng rồi tôi nghĩ, tôi chỉ đang cố gắng làm điều tốt nhất cho con mình.
Tôi không trách mẹ chồng vì bà thương cháu nhưng tình thương nếu đi kèm sự cố chấp và thiếu hiểu biết sẽ vô tình trở thành gánh nặng.
Tôi cũng không muốn vì chuyện này mà gia đình bất hòa nhưng nếu cứ kéo dài, tôi thực sự sợ con mình sẽ chịu thiệt.
Con tôi đã tròn 2 tuổi, bé đã biết nói chuyện và cần tiếp xúc với nhiều bạn bè hơn. Con cần học hỏi thêm nhiều thứ, không thể để bà ôm ấp mãi.
Giờ đây, mỗi ngày tôi vẫn đi làm trong nỗi lo. Mỗi tối về nhà, thấy con trầy xước hay mệt mỏi, tôi lại nghẹn lòng. Tôi chỉ mong một ngày nào đó, mẹ chồng có thể hiểu cho tôi.
Tôi không muốn cướp cháu khỏi tay bà hay khinh thường bà nhà quê, không biết chăm cháu. Tôi chỉ muốn con phát triển toàn diện và an toàn.
Những ngày này, lòng tôi luôn giằng xé giữa đạo làm dâu và trách nhiệm làm mẹ. Nếu tôi kiên quyết, dứt khoát hơn thì sợ mẹ chồng từ mặt nhưng cứ thỏa hiệp thì tương lai con tôi sẽ ra sao?
Độc giả H.H


Chê con dâu không xứng, 1 tuần sau mẹ chồng đến tận nhà thông gia xin lỗi
