Không ồn ã giọng đọc i tờ, học sinh của lớp học đặc biệt nơi làng Hữu nghị Việt Nam chỉ phát ra vài âm thanh bập bẹ ê a cùng tiếng la hét của những đứa trẻ tăng động. 

Tại đây, có em đã ngoài 20 tuổi nhưng trong suy nghĩ của mình, các em mới chỉ là đứa trẻ lên ba, lên bốn.

{keywords}

Mỗi lớp học đặc biệt gồm 10 học sinh với độ tuổi khác nhau. Nhiều em mới lên 6, có em đã ngoài 20. Nhưng điểm chung của các em là không ý thức được hành động của mình. Những đứa trẻ ấy có thể bất chợt khóc ngằn ngặt, đột nhiên cười vô cớ, lơ đễnh, thẫn thờ ngồi khép nép nơi góc lớp. 

Cũng có em, bàn tay không thể cầm nắm, đôi chân không thể tự đứng dậy, miệng ú ớ mà không thể cất tiếng nói… Các em đều là những nạn nhân chất độc màu da cam không may mắn mắc chứng tự kỉ, thiểu năng trí tuệ, hội chứng Down.

{keywords}

Không thể nói, nhiều em chỉ có thể giao tiếp bằng ánh mắt, nụ cười hay cái vẫy tay nhè nhẹ. Cũng có những em mắc bệnh thiểu năng trí tuệ không nhớ nổi tên cha mẹ mình. Thấy người lạ đến, các em vô tư hỏi tên, số điện thoại, quê quán… Nhưng khi được hỏi quê ở đâu, có em lại lắc đầu “không biết”.

{keywords}

Chậm phát triển, khó ghi nhớ, nên việc dạy các em gặp rất nhiều khó khăn. Giáo án đặc biệt của các giáo viên tại đây không chỉ được truyền tải bằng lời mà còn cả bằng hình ảnh, âm thanh một cách trực quan. 

“Giáo dục một đứa trẻ bình thường đã khó, dạy trẻ chậm phát triển trí tuệ còn khó khăn hơn gấp bội. Một tiết dạy phát âm có thể kéo dài cả buổi, một chữ cái có thể phải đọc đi đọc lại cả tháng trời nhưng có khi nay các em nói được, mai lại chẳng nhớ gì. Do vậy, giáo viên chỉ có thể lựa chọn nội dung cần thiết để dạy đối với mỗi học sinh và mức độ hoàn thành đòi hỏi cũng khác nhau” - cô Nguyễn Thu Huyền, Chủ nhiệm lớp Giáo dục đặc biệt 3, chia sẻ.

{keywords}

Tại lớp Giáo dục đặc biệt 3 có quá nửa số em đang trong độ tuổi trưởng thành. Do vậy, ngoài việc dạy những kiến thức phổ thông, cô giáo còn phải trang bị cho học sinh kiến thức về giới tính để tránh bị lạm dụng xâm hại tình dục. Song đó là cả một quá trình gian khổ, bởi các em chậm hiểu và chóng quên nên bài học phải kéo dài rất lâu. 

Ở tuổi dậy thì, các em cũng có những nhu cầu sinh lý tự nhiên, thích chạm tay vào bộ phận sinh dục hay “khoe” với các bạn ngay trong lớp học. Vì vậy trong bài học, các cô thường lồng ghép sự khác nhau giữa cơ thể nam và nữ, dạy trẻ cách bảo vệ bản thân như không đi cùng người lạ, tránh ôm hôn bạn khác giới hay không cho bạn khác giới chạm vào chỗ kín.

{keywords}

Để xóa tan đi bầu không khí căng thẳng sau khi “vật lộn” với luyện viết và làm toán, cả cô và trò cùng hòa mình vào những tiết học hát, học múa giúp các em có tinh thần vui vẻ thoải mái để tiếp thu bài vở một cách tốt nhất. 

Theo cô Huyền, việc dạy các em cần kiên trì và không nên ép buộc.

{keywords}

Với những cô giáo tại lớp học đặc biệt này, niềm vui không có gì quá cao sang là sự tiến bộ của những cô cậu học trò. 

“Có những em không ý thức được hành động, ỉa đái lung tung, bôi trát ra nền, ra tường nhà vệ sinh. Những lúc đó các cô phải dừng lại dọn dẹp xong mới có thể dạy được tiếp. Tuy nhiên, sau quá trình rèn luyện được cô hướng dẫn nhắc nhở, các em đã biết tự ra nhà vệ sinh, đi đúng quy định. Đó cũng là thành công của một giáo viên. 

Còn có nhiều em tăng động bỗng nhiên gào thét, đập đầu vào tường, khi nằm sõng soài ra nên nhà hay bới thùng rác để tìm đồ ăn…  nên việc dạy các em gặp rất nhiều khó khăn. Không đòi hỏi phải đạt trình độ này, cấp bậc khác, đối với những em tại đây, chỉ cần nhận thức được một chút thôi đã là một niềm hạnh phúc” – cô Huyền chia sẻ.

{keywords}

Cậu bé Nguyễn Bá Hải Đăng (sinh năm 1999, Đông Anh, Hà Nội) được đánh giá là “học sinh sáng giá” nhất của lớp. Em mừng rỡ khoe với mọi người điểm 10 môn Toán. Với những học sinh bình thường, để đạt điểm 10 là điều dễ dàng. Nhưng với những học sinh tại lớp học đặc biệt này, để đạt điểm 10 là điều kì tích. 

Làng Hữu nghị Việt Nam (thôn An Trai, xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, Hà Nội) là nơi giáo dục đặc biệt của con em cựu chiến binh – những người đang từng ngày vật lộn với di chứng chất độc màu da cam. Tại đây, các em được học chữ, học nghề để hòa nhập cộng đồng và tự vươn lên trong cuộc sống.
Hiện tại, làng có 60 em được chia thành 6 lớp bao gồm lớp học đặc biệt và lớp nghề. Các em được học tập từ 3 đến 5 năm, rồi tùy theo mức độ hòa nhập của từng em mà sẽ được về với gia đình.
Thúy Nga