Không cần so sánh về điều kiện làm việc như phòng làm việc riêng, cơ chế trợ giảng như các GV nước ngoài, hãy nhìn vào số lượng SV trong các lớp học mà GV đang giảng dạy để thấy họ đã nỗ lực đáng khâm phục đến nhường nào.
Chúng ta đang làm ngược một cách kỳ quặc
Trong bài viết trước, người viết cho rằng nếu vẫn giữ tư duy thắt chặt đầu vào và thả lỏng đầu ra thì mọi sự thay đổi, cải tiến sẽ không chạm đến được vấn đề cốt lõi.
Chưa xác định được “điểm nhấn”
Điều chúng ta đang làm hiện nay là dùng khả năng tham gia vào GD bậc cao hơn để kiểm nghiệm chất lượng GD bậc thấp hơn. Đó là lý do các kỳ thi tuyển sinh ở tất cả các cấp học diễn ra rất gắt gao. Chúng ta quên mất rằng mục đích cuối cùng của toàn bộ nền GD là phải hướng tới đầu ra cuối cùng, tức là khi rời ghế nhà trường, học sinh-sinh viên tham gia vào lực lượng lao động.
Chất lượng GDĐH là một vấn đề đòi hỏi sự phân tích, mổ xẻ từ nhiều góc độ. Ở đây, chỉ xin tập trung vào hai vấn đề có thể thay đổi được. Đó là thiết kế chương trình học và tổ chức đội ngũ GV.
Về chương trình học, hiện nay trung bình trong 04 năm học ĐH, SV sẽ phải tích lũy khoảng 150 tín chỉ, tương đương với 40-50 môn học. Sẽ không phải là nhiều nếu các môn học này được thiết kế khoa học và tập trung vào một lĩnh vực chuyên sâu cụ thể. Tuy nhiên, sẽ là … quá nhiều nếu như chúng phân tán và thiếu liên kết. Bởi lẽ khi đó người ta nói, SV biết tất cả bởi học rất nhiều môn nhưng lại chẳng biết gì, vì không thực sự tập trung vào một lĩnh vực cụ thể nào.
Ảnh minh họa: Văn Chung |
Nhìn vào chương trình học của nhiều ngành đào tạo, có thể thấy các môn học, dù được mô tả rất hay trong đó có nhắc tới sự tương tác với các khối kiến thức ở các môn học khác nhau, nhưng trong thực tiễn lại được giảng dạy rất rời rạc bởi bởi các GV có chuyên môn khác nhau và ít sự liên hệ. Từng môn học trôi đi sau 45 tiết, và sau đó là một môn học mới. Cứ như vậy SV học và thi, học và thi mà không hình thành được những khối, những mảng kiến thức có hệ thống.
Đáng lo ngại hơn là tình trạng ở không ít trường ĐH, nơi các môn học được đưa vào theo tư duy nhiệm kỳ, hoặc theo kiểu phân bổ lợi ích giữa các đơn vị, khoa, bộ môn, nên trở nên rải rác, không tập trung, các ngành học đều đều như nhau, không rõ ràng.
Chưa kể trong 04 năm học, với thiết kế chương trình hiện nay, gần như chúng ta mất 02 năm đầu cho các môn lý luận và cơ bản; phần kiến thức cơ sở ngành và chuyên ngành thực chất chỉ được giảng dạy trong khoảng 03 kỳ học, vì kỳ học cuối là kỳ thực tập hoặc viết luận văn khoa học. Cũng xin nói thêm rằng, trong rất nhiều trường hợp, luận văn không... liên quan gì cho công việc tương lai của SV khi tốt nghiệp.
Một ngành đào tạo đôi khi chỉ có vài ba môn học là thực sự chuyên sâu, còn lại đều là các môn ‘râu ria’ na ná như các ngành học khác. Chưa kể, áp dụng học chế tín chỉ một cách máy móc có một hệ lụy là các môn học trước đây có độ dài-ngắn khác nhau tùy vào khối lượng kiến thức và tầm quan trọng nay cũng đều chuẩn hóa thành 03 tín chỉ.
Chưa nói tới chất lượng giảng dạy và nội dung, bởi đó là những vấn đề còn phức tạp hơn nữa. Chỉ tính về số lượng, khi mà những môn học chuyên ngành nhiều khi xếp chưa đầy một năm học, thì thử hỏi làm sao đáp ứng được nhu cầu nhân lực chất lượng cao của xã hội?
Chịu áp lực nhiều của công việc hành chính
Về vấn đề đội ngũ GV, lâu nay GVĐH thường bị chê trách rất nhiều. Tuy nhiên, nhìn từ góc độ ngược lại, cần thấy rằng với điều kiện làm việc hiện nay, GV làm được như vậy đã là nỗ lực quá lớn.
Không cần so sánh về điều kiện làm việc như phòng làm việc riêng, cơ chế trợ giảng như các GV nước ngoài, hãy nhìn vào số lượng SV trong các lớp học mà các GV đang giảng dạy để thấy họ đã nỗ lực đáng khâm phục đến nhường nào.
Ở nước ngoài, dù giảng đường có thể rất đông nhưng khi thảo luận hay làm bài tập, SV sẽ được chia thành các lớp nhỏ, có trợ giảng hướng dẫn. Nhưng ở chúng ta GV sẽ kiêm hết các công việc này. Số SV trong mỗi lớp học rất đông khiến cho việc điều hành lớp khó khăn và không hiệu quả.
Hãy thử hình dung việc thuyết trình hay thảo luận nhóm trong những phòng học chật chội với ngót 150 SV sẽ như thế nào? Sự tương tác giữa GV và SV sẽ ra sao? Điều đó dẫn tới việc hoặc GV chỉ vào dạy hết bài rồi đi ra, hoặc nếu tổ chức thuyết trình thì có thể mất tới 3-5 buổi để toàn bộ SV được thuyết trình.
Chưa kể, họ phải chịu áp lực quá nhiều từ công việc hành chính. Thử hỏi có bao nhiêu trường ĐH ở nước ta chỉ thuần túy giao cho GV nhiệm vụ giảng dạy và nghiên cứu khoa học (tất nhiên, loại trừ các GV làm công tác quản lý). Các công việc và thủ tục hành chính mà GV phải đảm nhận có thể không chiếm quá nhiều thời gian nhưng nó rất dễ gây gián đoạn công việc giảng dạy và nghiên cứu vốn cần sự tập trung.
Hơn thế nữa, nó thể hiện sự không chuyên nghiệp, hay nói cách khác chúng ta đang có những trường ĐH theo mô hình của trường… phổ thông.
Cách tổ chức của các khoa, bộ môn tại các trường ĐH hiện nay mang tính hành chính quá nặng. Mối liên hệ quá chặt chẽ ở các khoa lại trở thành một cản lực đối với sự tự do, sáng tạo của người GV. Sinh hoạt chuyên môn chưa chắc được duy trì nhưng các sinh hoạt hành chính lại nhiều.
Việc quản lý GV phải chuyên nghiệp hơn, chẳng hạn lên lịch giảng từ đầu năm học và đến khi môn học bắt đầu thì GV có trách nhiệm thực hiện, cuối học phần có cơ chế đánh giá. Quản lý GV là quản kết quả công việc chứ không phải quản lý sự hiện diện của con người theo kiểu những phòng ban tại các cơ quan hành chính.
Sẽ còn rất nhiều vấn đề phải bàn, trên đây chỉ là hai vấn đề có thể cái thiện được, và người viết tin rằng nếu như có thể mạnh dạn thay đổi, sẽ có những chuyển biến tích cực và lâu dài đối với GDĐH.
Khương Duy