TS Nguyễn Việt Khoa hiện là quyền Trưởng khoa Ngoại ngữ, ĐH Bách khoa Hà Nội. Yêu thích ngôn ngữ, năm 1991, thầy chọn theo học khoa Tiếng nước ngoài của Trường ĐH Tổng hợp. Ở thời điểm đó, lớp thầy chỉ có 20 sinh viên học tiếng Anh, nhưng có tới 18 người là “dân Hà Nội”. Các bạn đều nói tiếng Anh giỏi khiến cậu sinh viên quê Hà Tây luôn phải “cố nghe nhưng không hiểu gì”.

“Năm đầu đại học của tôi quả thực chật vật. Nhưng cũng vì thầy cô và các bạn đều giỏi, tôi có thêm động lực theo đuổi ngành học này”, thầy Khoa nhớ lại.

Sau khi tốt nghiệp, thầy Khoa học thạc sĩ tại ĐH Quốc gia Hà Nội và tiến sĩ ngôn ngữ ở Đại học Sussex, Vương quốc Anh. Năm 1997, TS Nguyễn Việt Khoa về ĐH Bách khoa Hà Nội công tác, giảng dạy khối cử nhân Ngôn ngữ Anh và đào tạo tiếng Anh cơ bản cho sinh viên các khoa/trường khác.

Theo thầy Khoa, việc đào tạo ngoại ngữ ở ĐH Bách khoa Hà Nội có nhiều điểm khác biệt, trong đó định hướng chủ yếu liên quan đến các ngành khoa học, kỹ thuật và công nghệ. “Chẳng hạn, tại một hội thảo ngành cơ khí tôi từng tham dự, một đồng nghiệp rất giỏi của tôi đã chững lại trước câu 'There are two tanks on the roof of the building' rồi dịch 'Trên mái nhà có 2 chiếc xe tăng'. 

Với một trường như ĐH Bách khoa Hà Nội, các sinh viên tốt nghiệp cử nhân Ngôn ngữ Anh sẽ phải nắm được các thuật ngữ khoa học chuyên ngành này để ít nhất dịch được là “Có hai bể chứa trên mái nhà”, thầy Khoa nói.

NNT05439 copy.JPG
TS Nguyễn Việt Khoa hiện là quyền Trưởng khoa Ngoại ngữ, ĐH Bách khoa Hà Nội. (Ảnh: NVCC)

Ngoài nhiệm vụ này, khoa Ngoại ngữ còn mang “trọng trách” khác là cải thiện trình độ tiếng Anh của sinh viên các chuyên ngành khác. Điều khiến thầy Khoa luôn trăn trở là việc “phá băng” suy nghĩ của nhiều sinh viên khối kỹ thuật.

Những lần nhận được cái gãi đầu của sinh viên Bách khoa: “Em dân khối A nên dốt tiếng Anh lắm”, thầy Khoa thường trả lời: “Tại sao cứ tự gán mác cho mình thế? Các em không biết rằng dân kỹ thuật luôn có khả năng học ngoại ngữ tốt? Sinh viên cần thay đổi suy nghĩ để tự tin làm chủ tiếng Anh”.

Theo TS Nguyễn Việt Khoa, sinh viên muốn học tốt ngoại ngữ phải tuân theo nguyên tắc “4 mọi”: Học mọi nơi, Học mọi lúc, Học với mọi người, Học về mọi vấn đề. Khi duy trì được nguyên tắc này, việc học tiếng Anh sẽ trở thành chuyện thường ngày trong cuộc sống.

“Tôi cho rằng bất cứ ai cũng có thể học được ngoại ngữ. Nhưng tại Việt Nam, nhiều người thậm chí học tiếng Anh cả chục năm vẫn không sót lại được chữ nào. Chừng nào chúng ta vẫn coi tiếng Anh là một môn học, chừng đó sẽ không thể biến việc dùng tiếng Anh như “cơm ăn nước uống hàng ngày”, thầy Khoa nói.

Đánh giá năng lực tiếng Anh của sinh viên Bách khoa những năm gần đây đã tốt hơn, nhưng theo TS Nguyễn Việt Khoa “Khoảng 70% sinh viên Bách khoa đến từ các tỉnh, chênh lệch trình độ ngoại ngữ giữa các tỉnh vẫn còn rất lớn”. 

Để nâng cao năng lực ngoại ngữ của sinh viên khối kỹ thuật, Bách khoa đang thực hiện các giải pháp đồng bộ, ở tất cả phòng ban, trường, khoa... Ngoài ra, ĐH Bách khoa Hà Nội cũng đưa ra lộ trình 5 học phần từ năm thứ 1 để đến năm 4, sinh viên sẽ “đạt chuẩn” yêu cầu ngoại ngữ trước khi làm đồ án, khoá luận tốt nghiệp.

z6097953502469_2069e92ac0f95e70671935b3fd25ad68.jpg
Thầy Khoa trong tiết dạy tại ĐH Bách khoa Hà Nội. (Ảnh: NVCC)

Gần 30 năm công tác tại ĐH Bách khoa Hà Nội, thầy Khoa vẫn “nhất quán” trong quan niệm, rằng không có sinh viên nào được xem là “cá biệt”. 

“Mỗi sinh viên là một cá thể, do đó giảng viên cần có những bước tiếp cận khác nhau. Trước mỗi vấn đề, người thầy không nên ngay lập tức quy chụp mà cần tìm hiểu kỹ càng trước khi đưa ra quyết định nào đó ảnh hưởng tới học trò”.

Chẳng hạn trong khoa của thầy từng có một nữ sinh bỏ thi nên không đủ điều kiện làm khóa luận tốt nghiệp. Theo lý, thầy Khoa chỉ cần ký quyết định là xong, nhưng nghĩ rằng đằng sau có lẽ còn uẩn khúc, thầy mời nữ sinh lên trao đổi.

Hóa ra, nữ sinh ở với ông ngoại từ bé. Ngày đi thi, ông phải đi cấp cứu nên em đã bỏ thi để đưa ông đi viện. Khi biết chuyện, TS Khoa đề nghị Phòng Đào tạo cho sinh viên thi lại môn để kịp tốt nghiệp đúng hạn.

Dẫu vậy, cũng có ý kiến không đồng ý và phản hồi lên Ban Giám hiệu. Lãnh đạo trường đã gọi thầy Khoa lên để trao đổi trực tiếp. Suốt 1 giờ đồng hồ, thầy cô đã ngồi tra hết các quy chế xem có thể “du di” được không. Cuối cùng, nữ sinh này được thi lại môn, tốt nghiệp và ra trường đúng hạn. Đó cũng là một trong những kỷ niệm thầy Khoa “rất nhớ” trên hành trình dạy học.

461518704_10230814541359870_160986412527819998_n.jpg
Thầy Khoa cùng sinh viên trong ngày tốt nghiệp. (Ảnh: NVCC)

Ngoài việc giảng dạy, thầy Khoa còn một niềm yêu thích đặc biệt với khoa học kỹ thuật. Vì thế, khi học tiến sĩ ở nước ngoài, thầy đã viết một phần mềm từ điển điện tử như cách kết nối hai niềm đam mê: ngôn ngữ và công nghệ. Thầy tự mày mò học lập trình thông qua tiếng Anh. Với những thuật toán không biết, thầy vào diễn đàn công nghệ thông tin, nhờ sự trợ giúp của các lập trình viên có kinh nghiệm trên thế giới. 

Ngoài yếu tố kỹ thuật, giai đoạn thu thập, diễn giải, trình bày cơ sở dữ liệu cũng tốn nhiều thời gian. Đến năm 2011, bản từ điển đầu tiên được đưa vào sử dụng cho cả Android và Mac. Hiện tại, sau 13 năm, từ điển do thầy giáo Bách khoa viết vẫn được hơn 10.000 người sử dụng miễn phí và thường xuyên được cập nhật các tính năng, từ mới.

Thầy Khoa cho rằng, giáo viên không nên giới hạn bản thân ở một lĩnh vực mà cần học hỏi không ngừng. “Tôi tin rằng, chỉ khi luôn nâng cấp bản thân, mình mới có thể phát triển và trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình”, TS Nguyễn Việt Khoa nói.