Ngày 20/4, trang TikTok @sky****, tài khoản chuyên sản xuất nội dung xoay quanh nhân vật Khánh Sky đăng tải clip mới. Trong đó, giang hồ mạng này xuất hiện với hình ảnh khoe mẽ hình xăm, trang sức vàng quen thuộc.
Bằng ngôn từ kích động, Khánh lên tiếng thách thức bất cứ ai dám "động" vào mình. Tuy nhiên, nhân vật này không quên kêu gọi người xem để lại bình luận ngay dưới clip. "Có đầu gấu nào muốn gặp Khánh thì điểm danh, để lại bình luận nhé'', Khánh nói.
Trang TikTok @sky***** thu hút người xem bằng phát ngôn gây sốc của nhân vật Khánh Sky. |
Trong phần bình luận, đa số người xem phản ứng lại lời khiêu khích của Khánh. Một số tài khoản cho rằng Khánh lộng ngôn và coi thường các đại ca giang hồ khác. Với gần 2.000 bình luận, hơn 23.000 lượt thích chỉ sau chưa đầy 20 giờ đăng tải, đây là một trong những video có lượng tương tác cao nhất của trang này.
Chiêu trò tung phát ngôn khiêu khích để thu về sự chú ý của khán giả tỏ ra hiệu quả. Trong 7 video được trang @sky**** đăng tải, 4 clip có phát ngôn kích động bạo lực nhận về số lượt xem cao nhất, lần lượt là 1,7 triệu, 694.000, 413.000 và 378.000. Hiện, @sky**** đạt khoảng 100.000 lượt thích, hơn 23.000 theo dõi.
Giang hồ mạng TikTok thích thách đấu tất cả
Trong khi giang hồ mạng YouTube kêu gọi đăng ký và chia sẻ kênh, giới "anh chị" trên TikTok lại muốn được người xem để lại bình luận. Đăng tải clip trả lời bình luận người xem cũng là cách làm của các trang TikTok nội dung giang hồ. Trả lời bình luận bằng video là tính năng mà chỉ TikTok mới có.
Kênh @vnn****** tự giới thiệu là nơi tập hợp những người hâm mộ Huấn "Hoa Hồng", hiện đạt khoảng 206.000 lượt theo dõi, 1,3 triệu lượt thích. Trang này thường xuyên đăng các clip Huấn "Hoa Hồng" trả lời câu hỏi, bình luận người xem với phong cách nói "đạo lý" quen thuộc của nhân vật này.
Nhìn chung, các nội dung có sự góp mặt của Dương Minh Tuyền, Thắng Cá Chép, Khánh Sky trên TikTok có phần "hiền hòa" hơn so với hình ảnh từng xuất hiện ở những nền tảng khác, do thời lượng một video trên TikTok bị giới hạn.
Ở nền tảng video ngắn, yếu tố phát ngôn, tương tác giữa nhân vật trong clip với người xem được đề cao. Vẫn là những câu từ tục tĩu khiêu khích, Khánh Sky xuất hiện trên YouTube để chửi bới với các nhân vật khác. Trong khi trên TikTok, Khánh thách đấu tất cả người xem, song không quên kêu gọi họ "bình luận dưới clip". Điểm khác biệt chính của giang hồ mạng YouTube và TikTok nằm ở cách họ tương tác với người xem.
Tương tác với người xem bằng các clip trả lời câu hỏi là một trong những cách làm của các kênh nội dung giang hồ. |
Lấy ví dụ, kênh TikTok @sinh**** dù mới đăng video đầu tiên đã có gần nửa triệu lượt xem. Nội dung chính của kênh xoay quanh việc "reup" clip cùng các nội dung chửi bới. Đến nay, nhiều clip trên kênh này đã đạt hơn 1 triệu lượt xem.
Hoặc như trường hợp kênh @dong*****. Chỉ một clip trong đó xuất hiện nhân vật tuyên bố "dạy cho lính mới thế nào là quân ngũ, thế nào là anh cả", trang thu về 2,7 triệu lượt xem. Trước đó, các video kênh này đăng tải chỉ đạt trên dưới 10.000 lượt xem.
Trả lời Zing, Trung tá Đào Trung Hiếu, chuyên gia nghiên cứu tội phạm học trực thuộc Bộ Công an cho rằng có thể các tranh cãi, chửi bới là giả. "Chúng phối hợp tung hứng, tạo ra mâu thuẫn ảo, cho phép công kích chửi bới nhau rất căng thẳng trên mạng. Tuy nhiên, đây lại là diễn trò để kích thích sự tò mò của người xem hiếu kỳ. Trên thực tế, chúng cùng đội chơi, băng nhóm của nhau", ông nói.
Bên cạnh đó, nhiều tài khoản chỉ đăng lại nội dung của các nhân vật như Phú Lê, Huấn "Hoa Hồng" hay Dương Minh Tuyền vẫn có từ hàng chục nghìn đến hàng trăm nghìn theo dõi. Song, dù xuất hiện trên YouTube hay TikTok, các nội dung này vẫn không thiếu những ngôn từ tục tĩu, hành vi chửi bới, khoe vàng, kích động, cổ xúy bạo lực... thay cho sự can thiệp của cơ quan chức năng.
Không vì tiền như trên YouTube
Theo chuyên gia, những kênh xây dựng hoặc đăng tải lại nội dung giang hồ có nhiều lý do. Trung tá Đào Trung Hiếu nhận định một trong những mục đích sử dụng mạng xã hội của các đối tượng “giang hồ mạng” là đánh bóng tên tuổi, khuếch trương thanh thế. "Mở rộng địa bàn hoạt động, tầm ảnh hưởng, tăng cường liên kết trong “thế giới ngầm” là mục tiêu của các nhóm sản xuất nội dung này", ông nói.
"Đặc điểm chung của họ đều xuất thân là "dân anh chị" ngoài xã hội. Nhóm này có quá khứ phạm tội hoặc nắm trong tay nhiều mối quan hệ phức tạp", ông nói. Vị trung tá cũng nhận định "giang hồ mạng" muốn tạo ra vỏ bọc hảo hán nghĩa hiệp, bản lĩnh, dám chịu trách nhiệm, nói thẳng sống thật, không che giấu thân phận...
Ông Mai Thanh Phú, nhà phát triển nội dung mạng xã hội lâu năm cùng chung nhận định. Ông Phú nghiêng về khả năng danh tiếng mới là mục tiêu cao nhất của các kênh nội dung giang hồ trên TikTok.
Nội dung bạo lực, ngôn từ kích động bên trong các clip giang hồ xuất hiện công khai trên TikTok. |
"Những kênh TikTok sau khi phát triển đến mức nhất định, có thể bán với giá 100-300 đồng cho mỗi lượt theo dõi kênh. Mức giá này áp dụng cho cả các kênh "reup" (đăng lại) nội dung trên YouTube", ông nói.
"Tuy nhiên, với những cái tên có "thương hiệu" như Huấn "Hoa Hồng", giá trị thị trường lúc này khó đong đếm, do không thể tính bằng lượt theo dõi. Vì vậy, tôi cho rằng các kênh này muốn hướng đến danh tiếng hơn là lợi nhuận", ông Phú nhận định.
Bộ máy kiểm duyệt quá tải
Theo chia sẻ của một nhân viên kiểm duyệt nội dung TikTok, mỗi ngày người này phải xem hơn 1.000 video. "Công việc này dễ gây ám ảnh và không phải video nào cũng có thể đến tay đội ngũ kiểm duyệt", nhân viên kiểm duyệt yêu cầu được giấu tên cho biết.
Bộ máy kiểm duyệt quá tải khiến nội dung bẩn tràn lan trên TikTok, giẫm lên chính sách do mạng xã hội này đề ra. Trong mục tiêu chuẩn cộng đồng, TikTok chia sẻ quan điểm "không cho phép bạo lực trong hoặc ngoài TikTok, hoặc sử dụng nền tảng để đe dọa, kích động bạo lực". Bên cạnh đó, nền tảng video ngắn cũng nói không với "nội dung ca ngợi, quảng bá, tôn vinh hoặc ủng hộ bất kỳ hệ tư tưởng thù địch nào".
Trung tá Hiếu nhận định "giang hồ mạng" tác động tiêu cực lên quá trình hình thành nhân cách của giới trẻ, tạo ra những phẩm chất tâm lý sai lệch. Việc tung hô, tán thưởng các hành vi, cử chỉ quái gở, tục tĩu, phản cảm, bạo lực, ngông cuồng khiến người trẻ cho rằng hành vi đó đúng, được xã hội thừa nhận.
Một khi coi giang hồ là thần tượng thì sẽ nảy sinh xu hướng tâm lý bắt chước, làm theo, noi gương. Việc sa ngã, đi vào con đường vi phạm pháp luật có thể được bắt đầu từ những ảnh hưởng xấu này.
Tuy nhiên, các clip nói trên dù vi phạm chính sách TikTok đề ra, vẫn thản nhiên xuất hiện, thậm chí được nền tảng này giới thiệu đến người xem qua thẻ "dành cho bạn". Chỉ cần tìm kiếm các từ khóa là tên của các giang hồ mạng, người dùng được giới thiệu đến nhiều tài khoản, nội dung tương tự trong phần đề xuất.
Trong phần bình luận, không ít người dùng bày tỏ tung hô, tán thưởng các hành vi, cử chỉ và ngôn từ được những "tay anh chị" trên Internet này đưa ra. Theo chính sách của TikTok, người dùng từ 13-18 tuổi, nhóm chưa đủ tuổi vị thành niên vẫn có thể sử dụng nền tảng này. Điều này đồng nghĩa việc các video trên TikTok có thể tiếp cận những người chưa đủ tuổi vị thành niên.
(Theo Zing)
TikTok bị kiện với cáo buộc thu thập bất hợp pháp dữ liệu cá nhân
Cựu ủy viên phụ trách trẻ em của Anh, bà Anne Longfield, và công ty luật Scott + Scott đã thay mặt trẻ em dưới 13 tuổi tại Anh và 16 tuổi tại Khu vực Kinh tế châu Âu (EEA) đệ đơn kiện TikTok.