Tôi sinh năm 1948. Bố tôi nói không thể làm giấy khai sinh cho tôi.

Mãi đến năm 1962, khi vào học cấp III nhà trường yêu cầu phải có giấy khai sinh. Xã tôi lúc đó chỉ cấp giấy khai sinh (bản sao) để đi học.

TIN BÀI KHÁC

Năm 2007, tôi được nghỉ hưu, thẻ BHXH, BHYT đều ghi tôi sinh ngày 15/07/1947. So với bảo sao giấy khai sinh (1962), sổ đăng ký hộ khẩu, chứng minh nhân dân của tôi đều là sinh 15/07/1948. Nay tôi muốn chỉnh lại thẻ BHXH, BHYT cho trùng khớp với Sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân thì bên BHXH thành phố yêu cầu phải có giấy khai sinh gốc.

Tôi phải giải quyết như thế nào?

{keywords}
(Ảnh minh họa)

Luật sư tư vấn:

Theo quy định thành phần hồ sơ cấp lại, đổi sổ BHXH do thay đổi, cải chính họ tên, ngày tháng năm sinh tại tiết 3.1.2 điểm 3.1 khoản 3 Điều 32 và Điều 33 Quyết định số 1111/QĐ-BHXH ngày 25/10/2011 của BHXH Việt Nam về việc ban hành quy định quản lý thu BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT); việc đính chính thông tin trên Sổ BHXH, thẻ BHYT đã cấp phải có đủ các giấy tờ sau đây.

“a) Đơn đề nghị của người tham gia (mẫu D01-TS).

b) Sổ BHXH.

c) Hồ sơ, giấy tờ liên quan đến việc điều chỉnh (hồ sơ gốc, bản chính giấy khai sinh, …)”.

Do vậy, việc cơ quan BHXH yêu cầu bạn đọc cung cấp bản chính giấy khai sinh là đúng quy định của pháp luật.

Trường hợp bạn không có giấy khai sinh thì có thể đến UBND xã, phường nơi cư trú để xin đăng ký lại việc sinh theo quy định tại Nghị định 158/2005/NĐ-CP (Sửa đổi, bổ sung bằng Nghị định 06/2012/NĐ-CP), cụ thể như sau:

Điều 46. Đăng ký lại việc sinh, tử, kết hôn, nhận nuôi con nuôi

Việc sinh, tử, kết hôn, nhận nuôi con nuôi đã được đăng ký, nhưng sổ hộ tịch và bản chính giấy tờ hộ tịch đã bị mất hoặc hư hỏng không sử dụng được, thì được đăng ký lại.

Điều 47. Thẩm quyền đăng ký lại việc sinh, tử, kết hôn, nhận nuôi con nuôi

Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi đương sự cư trú hoặc nơi đã đăng ký việc sinh, tử, kết hôn, nhận nuôi con nuôi trước đây thực hiện việc đăng ký lại.

Điều 48. Thủ tục đăng ký lại việc sinh, tử, kết hôn, nhận nuôi con nuôi

1. Người có yêu cầu đăng ký lại việc sinh, tử, kết hôn phải nộp Tờ khai (theo mẫu quy định) và xuất trình bản sao giấy tờ hộ tịch đã cấp hợp lệ trước đây (nếu có); trong trường hợp không có bản sao giấy tờ hộ tịch, thì đương sự phải tự cam đoan về việc đã đăng ký, nhưng sổ hộ tịch không còn lưu được và chịu trách nhiệm về nội dung cam đoan.

2. Sau khi nhận đủ giấy tờ hợp lệ, cán bộ Tư pháp hộ tịch ghi vào sổ hộ tịch theo từng loại việc và bản chính Giấy khai sinh, Giấy chứng tử, Giấy chứng nhận kết hôn. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã ký và cấp cho người đi đăng ký một bản chính giấy tờ hộ tịch theo từng loại việc. Các giấy tờ hộ tịch cũ liên quan đến sự kiện hộ tịch đăng ký lại (nếu có) được thu hồi và lưu hồ sơ.

Trường hợp cần phải xác minh, thì thời hạn được kéo dài không quá 03 ngày.

3. Khi đăng ký lại việc sinh, tử, kết hôn, nhận nuôi con nuôi, nếu người đi đăng ký lại xuất trình bản sao giấy tờ đã cấp hợp lệ trước đây, thì nội dung khai sinh, khai tử, kết hôn, nhận nuôi con nuôi được ghi theo nội dung của bản sao giấy tờ hộ tịch đó.

Trường hợp đăng ký lại việc sinh cho người không có bản sao Giấy khai sinh đã cấp trước đây, nhưng đã có hồ sơ, giấy tờ cá nhân như: Sổ hộ khẩu, Giấy chứng minh nhân dân, học bạ, bằng tốt nghiệp, lý lịch cán bộ, lý lịch đảng viên, mà trong các hồ sơ giấy tờ đó đã có sự thống nhất về họ, tên, chữ đệm; ngày, tháng, năm sinh; dân tộc; quốc tịch; quê quán, thì đăng ký đúng theo nội dung đó. Trường hợp họ, tên, chữ đệm; ngày, tháng, năm sinh; dân tộc; quốc tịch; quê quán trong các hồ sơ, giấy tờ nói trên của người đó không thống nhất thì đăng ký theo hồ sơ, giấy tờ được lập đầu tiên. Trong trường hợp địa danh đã có thay đổi, thì phần khai về quê quán được ghi theo địa danh hiện tại.

Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Công ty luật TNHH Đức An, Hà Nội

Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ [email protected] (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên