![]() |
Trong số 50 game trực tuyến đang phát hành tại Việt Nam, chỉ có một game là do công ty trong nước phát triển. |
Nhập game chỉ là bước đệm
Với hơn 50 game online đang có mặt tại Việt Nam, nhưng chỉ có một game online duy nhất do chính các nhà phát hành trong nước phát triển, có nhiều ý kiến cho rằng các nhà phát hành trong nước đang làm giàu cho công nghiệp game online của nước ngoài. Tuy nhiên, trao đổi với báo BĐVN, đại diện các nhà phát hành game lớn trong nước khẳng định rằng hoàn toàn không phải như vậy.
Theo ông Hoàng Trọng Hiếu, Phó giám đốc của VTC Game thì game online cũng là một dịch vụ được cung ứng trên thị trường, khi khả năng của các doanh nghiệp trong nước chưa thể tạo ra các sản phẩm game nội địa đáp ứng được nhu cầu của game thủ Việt thì việc doanh nghiệp nhập khẩu các trò chơi từ bên ngoài là chuyện bình thường tương tự như việc các kênh truyền hình mua bản quyền các giải bóng đá nổi tiếng.
Bà Phan Thị Thu Thảo, Trưởng phòng Truyền thông Doanh nghiệp của VinaGame cũng cho rằng ý kiến đó chỉ phản ánh được phần nổi của vấn đề nhập khẩu game. Theo bà Thảo, nếu hiểu theo cách nói này thì Việt Nam đang làm giàu cho rất nhiều nước bởi số lượng nhập khẩu hàng hóa nói chung từ nước ngoài hàng năm đều tăng.
Doanh thu tổng của ngành công nghiệp game online Việt Nam trong năm 2009 dự đoán đạt 1.200 tỷ đồng và chỉ một phần nhỏ trong tổng lượng doanh thu đó được trả cho các đối tác nước ngoài trong việc mua quyền phát hành game. Phần lớn doanh thu còn lại được các NPH Việt Nam tiếp tục tái đầu tư để phát triển ngành công nghiệp game online non trẻ. Vì vậy có thể nói rằng việc nhập game từ nước ngoài là hướng đi “bước đệm” phù hợp với tình hình phát triển hiện nay của các doanh nghiệp phát hành game Việt Nam.
Ông Lương Công Hiếu, Tổng giám đốc FPT Online cũng cho biết: “Tỷ lệ ăn chia doanh thu và bản quyền game online hiện nay là 7:3 trong đó các nhà phát hành Việt Nam hưởng 7 phần. Theo tôi như vậy là hợp lý và phù hợp với thông lệ quốc tế.”
Thiếu nhân lực phát triển game “nội”
Đại diện của VinaGame, VTC Game, FPT Online, đều cho biết song song với việc nhập khẩu game ở nước ngoài, họ vẫn đang phát triển các dự án game online trong nước. Mà cụ thể là VTC Game đang xây dựng một đội ngũ hơn 1.000 nhân sự là các lập trình viên và chuyên viên thiết kế đồ họa để sản xuất các sản phẩm nội dung số, trong đó có game online. Còn FPT Online đã đầu tư 1 triệu USD để xây dựng studio game từ tháng 6 năm 2009. Riêng VinaGame, họ đã có sản phẩm đầu tay là Thuận thiên Kiếm, một game do chính mình sản xuất, bên cạnh đó trong studio của công ty này cũng đang có hàng loạt các dự án khác.
Tuy nhiên, để có thể phát triển mạnh thêm nữa, theo các nhà phát hành này thì họ phải đối diện với rất nhiều khó khăn, đặc biệt là nguồn nhân lực còn rất hạn chế. Cho đến nay Việt Nam vẫn chưa có trường đào tạo chính quy về lĩnh vực này.
Một khó khăn nữa mà bà Thảo nêu ra là quá trình đầu tư sản xuất game nhà phát hành cũng đối mặt với việc chạy đua về mặt kỹ thuật, mỹ thuật trong game. Rõ ràng với một thị trường có rất nhiều game ngoại nhập, đồ họa đẹp, nội dung hấp dẫn thì các nhà làm game cũng phải nỗ lực để cạnh tranh thì mới có thể thành công được. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật cũng là thách thức lớn cho các doanh nghiệp.
Bên cạnh đó có thể nói cho đến thời điểm hiện nay vấn đề chính sách để doanh nghiệp phát triển game trong nước cũng đang là một thách thức, khi hầu như chưa có một sự khuyến khích nào từ các cơ quan chức năng.
Đọc toàn bộ bài viết trên báo Bưu điện Việt Nam số 140 ra ngày 23/11/2009.